Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi ở của người Hà Nội

Nguyễn Vân Thùy Linh| 03/01/2016 07:06

LTS: Sở Giáo dục và Đào tạo Hà Nội vừa phối hợp với Công ty Bảo hiểm Prudential tổ chức cuộc thi


Nơi ở của người Hà Nội

“Từ thuở mang gươm đi mở cõi
Trời Nam thương nhớ đất Thăng Long”


Thăng Long - Đông Đô - Hà Nội, mảnh đất ngàn năm, có gì để mà thương, mà nhớ? Em vẫn tự hỏi lòng mình như thế mỗi khi dạo bước bâng khuâng trên những con đường in dấu thời gian của phố phường Hà Nội. Để rồi chợt nhận ra, thanh lịch, văn minh chính là vẻ đẹp đã gieo nhớ nhung cho bao trái tim hướng về Hà Nội. Vẻ đẹp ấy đã thấm sâu vào từng tấc đất, nếp nhà - từ kiến trúc đến cách bài trí nơi đi chốn về của người Hà thành - góp phần làm nên hồn cốt cho mảnh đất đế đô.

Minh họa: Phạm Tuấn


Một nhà nghiên cứu người nước ngoài khi ghé thăm Hà Nội từng nhận xét “Nếu bạn đang đi tìm cái cốt lõi, tinh túy, trái tim của Hà Nội, bạn sẽ tìm thấy nó ở khu phố cổ”. Quả đúng vậy, phố cổ đã kết tinh những nét đẹp “hồn cốt” của kiến trúc nhà ở Hà thành truyền thống, làm nên vẻ cổ kính đầy hoài niệm cho Hà Nội hôm nay. Trải qua bao thăng trầm lịch sử, những ngôi nhà nhỏ lô xô với mái ngói âm dương đã hằn sâu trong ký ức của biết bao thế hệ người Hà Nội, đã “đổ bóng” âm thầm trong những bức tranh tài tình của Bùi Xuân Phái và những vần thơ tha thiết, ngọt ngào của Vũ Quần Phương:

“Chân đi trong phố, hồn trên mái xưa
Mái rêu âm dương nắng chiều ngã bóng”


Nhà cổ Hà Nội có kiến trúc độc đáo kết hợp hài hòa vẻ đẹp Đông - Tây, vừa mang đậm bản sắc dân tộc vừa thể hiện nét đặc trưng của văn hóa Thăng Long. Những căn nhà nhỏ nhắn được xây thành hình ống dài và hẹp với nhiều lớp nhà; giữa các lớp có sân để lấy ánh sáng và không khí. Cách bài trí, sắp xếp trong ngôi nhà là sự hòa hợp tinh tế, thể hiện gu thẩm mĩ và sự thanh tao của con người Hà Nội. Nơi thờ cúng tổ tiên là không gian trang trọng nhất với những bức hoành phi, câu đối đặt cạnh bàn thờ gia tiên quanh năm thoang thoảng hương trầm. Những “sập gụ, tủ chè, sách xưa và bình cổ” cùng “chiếc đồng hồ quả lắc già nua/ Đếm thời gian theo nhịp đong đưa”... Tất cả đã cho thấy tâm hồn sâu lắng, nét trầm tư của người Tràng An xưa cũ.

Cùng với sự phát triển của xã hội, Hà Nội bắt đầu xuất hiện những ngôi nhà mang phong cách văn minh, hiện đại với màu sắc tươi tắn khiến cho Hà Nội như trẻ trung hơn. Bước vào ngôi nhà Hà Nội ngày nay, ta sẽ ấn tượng với phòng khách được bài trí trang nhã. Và ta càng ấn tượng hơn với ban công bốn mùa thay lá, thay hoa hay những khoảng không gian biếc xanh trong ngôi nhà nhỏ.

Là một người con sinh ra và lớn lên ở phố cổ, em tự hào biết mấy về những nét đẹp thanh lịch, văn minh trong kiến trúc, nơi ở của người Hà Nội. Nhưng em cũng không khỏi băn khoăn trước những đổi thay của cuộc sống hôm nay. Sự gia tăng dân số mạnh mẽ của Hà Nội nói chung và phố cổ nói riêng đã khiến những ngôi nhà nơi đây trở nên chật chội, xuống cấp. Còn một điều đáng buồn hơn là nhịp sống hối hả của quá trình đô thị hóa đã làm cho một số bạn học sinh chỉ coi ngôi nhà như một “nơi đi chốn về”. Thế giới rộng lớn và kỳ thú ngoài kia vẫy gọi khiến các bạn quên mất ngôi nhà thân thương của mình.

Có lẽ mỗi người con Hà Nội cần lắng lòng nhìn lại quá khứ để giữ gìn và phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp cho mai sau. Ngoài những biện pháp bảo tồn nhà cổ mà TP Hà Nội đã đưa ra, mỗi gia đình cần giáo dục cho con em biết yêu thương và chăm sóc tổ ấm của mình. Các bạn học sinh đừng tự biến mình thành những người khách lạ trong chính ngôi nhà thân thương. Hãy bắt đầu từ việc giữ gìn sự ngăn nắp trong phòng riêng, trang trí góc học tập của mình đến việc dọn dẹp nhà cửa, trồng cây hay cất lên một bản đàn vào ngày chủ nhật quây quần... Bởi với mỗi chúng ta, nhà mãi là mái ấm, là “nơi bão dừng sau cánh cửa”, là góc bình yên ru vỗ tâm hồn…

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi ở của người Hà Nội

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.