(HNM) - Trước thềm năm học 2012 - 2013, hàng nghìn học sinh trong diện được hỗ trợ chi phí học tập trên các miền quê, trong đó có xã EaHđing, Cưmgar, Đắk Lắk đã hồ hởi đến trường để nhận trước một phần chế độ trợ cấp, đó là một bộ sách giáo khoa, mấy chục quyển vở và một số đồ dùng học tập. Số còn lại, phụ huynh học sinh sẽ được nhận bằng tiền mặt sau đó.
Sáng 8-9, đến thăm nhà người bà con, tôi không khỏi ngạc nhiên thấy cô con gái thứ hai của chủ nhà đang bọc lại mấy quyển sách giáo khoa đã cũ:
- Sách giáo khoa nhà trường mới cấp cho đâu mà cháu phải dùng sách cũ thế?
- Dạ, sách mới cháu bảo mẹ cháu bán rồi ạ. Cháu dùng lại sách cũ của anh cháu vẫn tốt mà. Khỏi lãng phí...
- Cháu thật là giỏi! Bé thế đã có ý thức tiết kiệm rồi.
Thấy tôi và cháu bé trò chuyện, mẹ của cháu góp thêm:
- Nghe cháu nói có lý, chị đem bộ sách giáo khoa mới ra phố huyện để bán, mặc dù phải chịu thiệt, vì cửa hàng chỉ mua lại bằng hai phần ba giá gốc, nhưng với số tiền bán sách chị cũng mua cho cháu được một cái áo và một đôi dép mới. Đấy là chị bán sớm nên còn được giá, những người sau này chỉ bán được nửa giá...
Theo quy định tại Nghị định 49/2010/NĐ-CP của Chính phủ, học sinh dân tộc thiểu số; học sinh có hộ khẩu thường trú tại các xã biên giới, vùng cao, hải đảo, các xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn… được Nhà nước hỗ trợ chi phí học tập. Đó là điều đáng mừng. Nhưng việc hỗ trợ chi phí học tập bằng cách cấp phát sách giáo khoa một cách áp đặt, không chú ý đến nhu cầu thực tế của học sinh, nếu không gây lãng phí tiền của Nhà nước thì cũng khiến cho nhiều người dân chịu thiệt thòi. Vậy, có thể "linh động" hỗ trợ bằng tiền mặt để phụ huynh học sinh thuận lợi hơn khi lo liệu việc học tập của con em họ hay không?
Xin kính chuyển câu chuyện cùng điều trăn trở trên của một bạn đọc sống tại xã EaHđing, huyện Cưmgar, tỉnh Đắk Lắk đến chính quyền, cơ quan chức năng địa phương và Bộ Giáo dục - Đào tạo giải quyết.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.