Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi niềm người dân vùng lũ Quốc Oai

Sơn Hà| 08/10/2022 06:28

(HNM) - Mỗi năm, người dân vùng “rốn lũ” Cấn Hữu và Đông Yên của huyện Quốc Oai phải chạy ngập 1-2 lần, có năm tới 4 lần. Lũ về, không chỉ cuộc sống, sinh hoạt bị đảo lộn mà việc đi học, đi làm của người dân hai địa phương này cũng gặp không ít khó khăn do cốt đường giao thông tại đây quá thấp so với mực nước lũ trung bình hằng năm. Gần 200 hộ dân mong chờ chính quyền các cấp đầu tư cải tạo, nâng cấp các tuyến đường giao thông, góp phần giảm thấp nhất thiệt hại do lũ, giúp người dân đi lại thuận lợi khi lũ dữ tràn về.

Xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu (huyện Quốc Oai) nhìn từ trên cao trong mùa lũ. Ảnh: Nguyễn Cường

Nhọc nhằn nơi “rốn lũ“

Phóng viên Báo Hànộimới đã về xóm Bến Vôi (thôn Cấn Hạ, xã Cấn Hữu) và xóm 2 (thôn Đông Thượng, xã Đông Yên) đúng dịp cơn lũ dữ giữa tháng 9 đang rút nước. Chứng kiến một số hộ dân của hai địa phương đang tập trung thu dọn, vệ sinh đồ đạc, nhà cửa, sân vườn sau gần một tuần ngâm trong nước lũ, chúng tôi thực sự chia sẻ với nỗi khổ của người dân vùng "rốn lũ". Được biết, từ tháng 6 đến tháng 10 hằng năm, lũ rừng ngang tràn về gây úng ngập nhiều hộ dân ở 2 xóm này cũng như nhấn chìm hàng chục héc ta đất nông nghiệp của hai xã Cấn Hữu và Đông Yên.

Nét mặt phờ phạc vì từ đầu năm đến nay, gia đình phải chạy lũ tới 4 lần, chị Nguyễn Thị Thọ, nhà ở cuối xóm Bến Vôi, thôn Cấn Hạ - nơi ngập sâu nhất xóm không giấu nổi nỗi buồn: “Người dân quá quen với việc chạy lũ vì gần 10 năm trở lại đây, năm nào xóm cũng bị ngập, mỗi khi sông Tích lên báo động 3, đường trong xóm ngập sâu 1,1-1,2m. Thế nhưng, năm nay số lần ngập có lẽ nhiều nhất. Do đường giao thông thấp, mỗi khi lũ tràn về, gia đình tôi và nhiều hộ trong xóm phải kê đồ đạc lên cao, mang xe máy, xe đạp... lên nhà văn hóa xóm hoặc các hộ dân ở khu vực cao hơn để gửi. Dù nhiều hộ đã chủ động tôn nền sân, nhà cao lên để hạn chế thấp nhất ảnh hưởng do mưa lũ, nhưng đường giao thông trong xóm còn nhiều đoạn quá thấp nên người dân vất vả khi có lũ…”.

Còn bà Bùi Thị Thảo ở giữa xóm Bến Vôi than phiền: "Không kể trận lũ sớm hồi cuối tháng 5, từ tháng 7 đến nay, gia đình tôi 3 lần phải thức dậy giữa đêm khuya để kê cao đồ đạc phòng nước sông Tích tràn vào nhà. Mỗi lần lũ về gây úng ngập 10-15 ngày, cô lập 162 hộ dân trong xóm. Khó khăn nhất ở xóm Bến Vôi bây giờ không phải là thiếu thốn vật chất, đồ ăn, thức uống như trước đây nữa, mà là nỗi lo ô nhiễm môi trường, nguy cơ bùng phát dịch bệnh sau mỗi đợt úng ngập xảy ra".

Cùng chung cảnh úng ngập hằng năm, ông Hoàng Văn Thọ ở xóm 2, thôn Đông Thượng cho biết: “Sinh sống ven sông Tích, quá quen với cảnh lũ lụt hằng năm nên 23 hộ dân trong xóm bị ảnh hưởng trực tiếp khi lũ về luôn ý thức trong việc triển khai các biện pháp phòng, chống lũ. Theo đó, hầu hết các hộ dân đều xây dựng nhà cao hơn bình thường hoặc tôn nền nhà, sân. Do đó, khi nước sông Tích dâng trên mức báo động 2 hoặc 3 cũng không ngập lên nhà chính, chỉ ảnh hưởng đến các công trình phụ và đường giao thông trong xóm. Đỉnh điểm, từ năm 2018 đến nay, lũ trên sông Tích thường xuyên gây ngập lụt 0,8-1,5m, kéo dài... Mỗi lần lũ về, đường giao thông ngập sâu ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại, đặc biệt là sinh hoạt của người già và việc học tập của các cháu học sinh".

Theo báo cáo của UBND các xã Cấn Hữu và Đông Yên, hằng năm, mỗi khi lũ rừng ngang tràn về nhấn chìm hàng chục héc ta hoa màu, thủy sản, trang trại chăn nuôi của người dân vùng ngoài đê sông Tích, thiệt hại bình quân 1-3 tỷ đồng/năm. Nguyên nhân chính do hai xóm này nằm ở khu vực trũng, thấp bên ngoài đê sông Tích nên khi lũ về nhanh người dân không kịp trở tay. Đối với khu dân cư, do hệ thống đường giao thông vùng “rốn lũ” quá thấp, chưa được đầu tư đồng bộ nên lũ về gây ngập sâu, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của người dân, đặc biệt là những năm nước lũ dâng cao và rút chậm.

Mong muốn được an cư

Để giúp người dân vùng “rốn lũ” của hai xã Cấn Hữu và Đông Yên giảm bớt khó khăn trong mùa lũ, đi lại thuận lợi cũng như từng bước khắc phục tình trạng xóm bị cô lập khi lũ về, những năm gần đây thành phố Hà Nội và huyện Quốc Oai đã đầu tư cho hai địa phương này xây dựng các công trình phòng, chống lũ, như: Xây mới Nhà văn hóa xóm Bến Vôi, cải tạo, nâng cao nền tuyến đường giao thông từ dốc đình thôn Cấn Hạ xuống giữa xóm Bến Vôi…

Đặc biệt, vào mùa mưa lũ, lãnh đạo thành phố, huyện Quốc Oai, hai xã, các tổ chức, cá nhân trong và ngoài huyện đều quan tâm đến thăm hỏi, động viên, tặng quà, giúp người dân hai xóm yên tâm chống lũ, bảo đảm an sinh xã hội; cử các lực lượng đến hỗ trợ người dân hai xóm trước, trong và sau lũ... Tuy nhiên, điều mong muốn nhất của người dân hai xóm lúc này đó là được cải tạo, nâng cao nền tuyến đường quanh hai xóm, nhất là những vị trí ngập sâu khi lũ về để sớm được an cư.

Chủ tịch UBND xã Cấn Hữu Nguyễn Quang Khải cho biết: Hiện nay, xóm Bến Vôi còn 1.157m đường bao quanh xóm thường xuyên ngập sâu 0,8-1,3m khi sông Tích báo động 2 hoặc 3, nên việc đi lại của người dân rất vất vả. Còn Chủ tịch UBND xã Đông Yên Tạ Đình Quý thông tin: Khi lũ tràn về, tuyến đường giao thông trước xóm dài hơn 1.000m thường xuyên bị ngập sâu, ảnh hưởng đến cuộc sống, sinh hoạt của 23 hộ dân xóm 2, thôn Đông Thượng và ảnh hưởng gián tiếp đến khoảng 60 hộ dân khác trong thôn.

“Người dân trong xóm đã nhiều lần kiến nghị chính quyền các cấp sớm đầu tư nâng cấp, mở rộng đoạn đường thường xuyên ngập sâu khi xảy ra mưa lũ, bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân, nhưng đến nay vẫn chưa được đáp ứng. Điều này đồng nghĩa với việc người dân vẫn thấp thỏm mỗi khi lũ về”, ông Tạ Đình Quý chia sẻ.

Trước nhu cầu bức thiết của người dân vùng “rốn lũ”, giữa tháng 7-2022, UBND huyện Quốc Oai giao Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện kiểm tra, rà soát hiện trạng, lập phương án, dự trù kinh phí... triển khai 2 dự án cải tạo, nâng cấp đường giao thông ở hai xóm kể trên.

Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất huyện Quốc Oai Nguyễn Trung Thành cho biết: Để khởi công được tuyến đường giao thông quanh xóm Bến Vôi (xã Cấn Hữu) và xóm 2 (xã Đông Yên) nhanh nhất cũng phải giữa năm 2023. Bởi, sau khi đơn vị hoàn thành hồ sơ phải báo cáo UBND huyện và trình HĐND huyện vào kỳ họp cuối năm 2022 để bố trí vốn. “Mong rằng, các thủ tục đầu tư dự án cải tạo, nâng cấp tuyến đường bao quanh hai xóm được triển khai nhanh chóng, thuận lợi để hằng năm người dân hai địa phương này vơi bớt khó khăn khi bị ngập lụt”, ông Nguyễn Trung Thành chia sẻ.

Rõ ràng, nguyện vọng của người dân hai xóm: Bến Vôi, 2 và đề xuất của UBND hai xã: Cấn Hữu, Đông Yên là rất chính đáng. Nếu các tuyến đường quanh hai xóm được đầu tư, nâng cấp, chắc chắn người dân vùng “rốn lũ” của huyện Quốc Oai sẽ được an cư, bảo đảm an toàn hơn về tính mạng, tài sản mỗi khi lũ dữ tràn về.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗi niềm người dân vùng lũ Quốc Oai

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.