(HNM) - Hiện hàng chục nghìn tấn rác thải sinh hoạt tồn đọng tại 43 điểm tập kết làm xấu cảnh quan môi trường, ô nhiễm nghiêm trọng nguồn nước mặt, nước ngầm của 22 xã, thị trấn thuộc huyện Mỹ Đức.
Rác tồn đọng trên địa bàn xã Phúc Lâm (huyện Mỹ Đức) gây ô nhiễm nguồn nước và không khí nghiêm trọng. |
Trận mưa lũ hồi đầu tháng 10 vừa qua khiến 13 xã, thị trấn của huyện Mỹ Đức ngập mênh mông nước. Ngoài việc gây thiệt hại về tài sản của nhân dân, cơ sở hạ tầng của Nhà nước, mưa lũ còn khiến cho hàng chục tấn rác thải ở các điểm chôn lấp, tập kết tại các xã này bị cuốn trôi theo dòng nước làm 500ha khu dân cư bị ô nhiễm, 790 hộ dân bị thiếu nước sạch sinh hoạt.
Khắc phục hậu quả mưa lũ, huyện Mỹ Đức đã huy động hơn 10.000 người thu gom rác thải, vệ sinh môi trường, thau rửa giếng nước... Tuy nhiên, sau hơn 1 tháng lũ rút, đến bây giờ gia đình bà Nguyễn Thị Hợi, ông Đặng Văn Sứ, Nguyễn Hồng Kha và hàng trăm hộ dân khác ở thôn Phú Liễn, Phú La (xã Hợp Tiến) vẫn chưa dám sử dụng giếng đào của gia đình để lấy nước ăn, uống hằng ngày.
Phó Chủ tịch UBND xã Hợp Tiến Nguyễn Đình Chất cho biết: Nhân dân lo ngại nguồn nước bị ô nhiễm là có cơ sở, bởi Hợp Tiến là một trong 3 xã “rốn” chứa lũ, chất thải của các huyện: Mỹ Đức, Chương Mỹ và Kim Bôi (tỉnh Hòa Bình) đổ dồn về mỗi khi mưa lớn…
Phó Trưởng phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn cho biết, mỗi ngày trên địa bàn huyện phát sinh khoảng 85 tấn rác thải sinh hoạt. Trước năm 2016, toàn bộ khối lượng rác này được chôn lấp tạm thời tại 43 bãi ở các xứ đồng trên địa bàn 22 xã, thị trấn. Từ năm 2016 đến nay, mỗi ngày, huyện Mỹ Đức được thành phố phân luồng vận chuyển 50 tấn rác xử lý tại các khu tập trung. Như vậy, mỗi ngày huyện Mỹ Đức tồn đọng 35 tấn rác. Cùng khối lượng chưa được xử lý trong gần 10 năm qua, hiện tại trên địa bàn huyện Mỹ Đức tồn đọng hàng chục nghìn tấn.
Trong khi đó, theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Bảo vệ môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) Hoàng Văn Thức: Rác thải sinh hoạt chôn lấp không đúng quy trình kỹ thuật sẽ gây ô nhiễm nghiêm trọng cho nguồn nước mặt, nước ngầm và không khí…
Để bảo vệ sức khỏe nhân dân, thành phố đã cho phép đầu tư xây dựng 3 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho 3 xã: Hương Sơn, Hợp Thanh, Hợp Tiến và thị trấn Đại Nghĩa. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có công trình ở xã Hương Sơn, do Sở NN&PTNT làm chủ đầu tư đã hoàn thành, cung cấp nước sạch cho 19.800 người, bằng 10% dân số toàn huyện. Công trình ở thị trấn Đại Nghĩa còn dở dang, công trình ở xã Hợp Tiến, Hợp Thanh vẫn ... "nằm trên giấy”. Về vệ sinh môi trường, thành phố cũng chủ trương cho xây dựng nhà máy xử lý rác thải sinh hoạt tại xã Hợp Thanh, nhưng đến nay nhà đầu tư là Công ty cổ phần Đầu tư và Phát triển công nghệ cao Minh Quân chưa có động tĩnh triển khai dự án.
Để xóa bỏ 43 bãi chôn lấp tạm thời, kiểm soát nguồn ô nhiễm từ rác thải, huyện Mỹ Đức xây dựng kế hoạch đầu tư mỗi xã, thị trấn một nhà chứa rác cách xa khu dân cư, có tường bao, mái che mưa nắng, nền bê tông, hệ thống thu gom nước rỉ rác… với tổng kinh phí khoảng 44 tỷ đồng. Tuy nhiên, do ngân sách khó khăn nên năm nay huyện Mỹ Đức phấn đấu xây dựng 7 nhà chứa rác tại các xã: Đồng Tâm, Thượng Lâm, Mỹ Thành, Lê Thanh, Xuy Xá, Hợp Tiến, An Phú. Các xã còn lại dự kiến đầu tư trong giai đoạn 2018-2019.
Để giảm thiểu ô nhiễm môi trường, huyện Mỹ Đức cũng đề nghị Sở Xây dựng tăng khối lượng phân luồng, mỗi ngày cho vận chuyển 85 tấn rác đến các khu xử lý tập trung; đồng thời, báo cáo UBND thành phố xem xét năng lực thay thế nhà đầu tư thực hiện các dự án xây dựng nhà máy xử lý rác thải, cung cấp nước sạch trên địa bàn. Cùng với đó là đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân về bảo vệ môi trường, nguồn nước, sử dụng nước sạch…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.