(HNM) - Thời gian qua, các ngành chức năng thường xuyên kiểm tra vấn đề chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm trong sản xuất nông - lâm - thủy sản, nhưng tình trạng tồn dư lượng thuốc kháng sinh, hóa chất vẫn còn. Đặc biệt, vào dịp Tết Nguyên đán, khi lượng tiêu dùng thực phẩm tăng từ 20% đến 25%, bất chấp mọi thủ đoạn, thương lái vẫn đưa những thực phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ về tiêu thụ, ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe con người. Xung quanh vấn đề này, Báo Hànộimới nhận được nhiều ý kiến từ độc giả.
Cần minh bạch giữa thực phẩm "sạch" và "bẩn"
Thực tế cho thấy, bất cứ người tiêu dùng nào cũng mong muốn mua được thực phẩm bảo đảm an toàn vệ sinh với giá cả hợp lý để bảo vệ sức khỏe cho bản thân và gia đình. Tuy nhiên, hiện dấu hiệu nhận biết thực phẩm "sạch" và "bẩn" lại không rõ ràng. Hơn nữa, các sản phẩm đưa ra chợ không biết đã được kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hay chưa? Nếu tôi cũng như các bà nội trợ khác khi mua hàng cũng chỉ tin vào người bán hàng quen, hay mua, chứ nguồn gốc xuất xứ không thể biết. Nhiều cửa hàng cũng có biển bán hàng rau an toàn, thịt lợn, gà đồi bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, nhưng tôi cũng không tin trong khi giá cả lại cao hơn so với các loại nông sản, thực phẩm khác. Do đó, để người tiêu dùng tin tưởng tuyệt đối và chấp nhận mua với giá cao hơn thực phẩm không an toàn, người sản xuất cũng như thương lái phải chứng minh được nguồn gốc xuất xứ, minh bạch các thông tin về sản phẩm…
Bà Nguyễn Thị Vui
(Số nhà 9, tổ dân phố 5, phường Văn Quán, quận Hà Đông)
Công khai cơ sở vi phạm trên báo chí
Thông qua phương tiện thông tin đại chúng, tôi thấy năm 2015, Bộ NN&PTNT sẽ chọn là "Năm thực hiện vệ sinh, an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp". Theo đó, huy động toàn thể nhân dân, các cấp chính quyền, các bộ, ban, ngành, cơ quan quản lý, các tổ chức chính trị, xã hội tham gia. Tuy nhiên, để làm được điều này, Nhà nước cần tăng cường thanh tra, kiểm tra, kiểm soát. Đặc biệt, đối với những cơ sở xếp loại C, tái kiểm tra nhiều lần nhưng vẫn không khắc phục sai phạm; các cơ sở sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm được tiêu dùng nhiều trong các dịp lễ, tết phải xử lý nghiêm, tuyệt đối không để cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm tiếp tục hoạt động... Ngoài ra, cần thông báo công khai các đơn vị sai phạm trên phương tiện thông tin đại chúng để người dân biết và không mua ở các cửa hàng đó. Tôi cho rằng, việc xử phạt về lĩnh vực an toàn thực phẩm hiện nay còn nhẹ, chưa đủ sức răn đe. Do đó, các ngành chức năng cần nghiên cứu không chỉ dừng lại ở biện pháp xử phạt hành chính, nếu nặng có thể truy cứu trách nhiệm hình sự như các vi phạm khác...
Ông Cấn Xuân Bình
(Phố Xốm, phường Phú Lương, quận Hà Đông)
Tại sao không xử lý dứt điểm?
Hằng ngày, tôi vẫn phải đi chợ mua các loại thực phẩm từ rau, củ, thịt, cá, thủy sản cho bữa cơm gia đình, mặc dù trên các phương tiện thông tin đại chúng nói nhiều về tình trạng ngộ độc thực phẩm, rồi các loại sản phẩm còn tồn dư chất kháng sinh, hóa chất vượt giới hạn cho phép. Ngoài ra, các cơ quan chức năng còn bắt hàng loạt các vụ thịt thối, mỡ bẩn, phủ tạng động vật với số lượng hàng chục tấn được nhập từ các nơi về, sau đó thương lái dùng loại hóa chất nào đó tẩy trắng, bán ra thị trường. Hay như tình trạng gà thải loại không rõ nguồn gốc, xuất xứ vẫn được bày bán ở các chợ. Vậy, tại sao các cơ quan chức năng bắt được nhiều vụ vi phạm về an toàn thực phẩm, song lại không xử lý dứt điểm các chủ hàng, để tình trạng vi phạm luôn tái diễn? Trong khi đó, hằng ngày người tiêu dùng vẫn phải sử dụng thực phẩm cho bữa cơm gia đình.
Bà Bùi Thị Lệ Thủy
(Phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm)
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.