(HNM) - Sau một năm thí điểm với khối lớp 3, năm học này, Bộ GD-ĐT tiếp tục thí điểm chương trình sách giáo khoa tiếng Anh lớp 4 tại 94 trường tiểu học và mở rộng đối với khối lớp 3.
Năm học 2010-2011, việc dạy học tiếng Anh cho HS lớp 3 đã được triển khai thí điểm tại 94 trường tiểu học của 20 tỉnh, TP. Số HS tham gia học thí điểm là 13.000 em. Kết quả khảo sát cho thấy hầu hết HS đều làm được bài, tỷ lệ bài thi đạt điểm khá, giỏi ở nhiều nơi đạt 70%; kỹ năng nghe và nói bằng tiếng Anh của hầu hết HS có bước tiến bộ rõ rệt.
Giờ học tiếng Anh tại Trường Tiểu học Cát Linh (quận Đống Đa). Ảnh: Khánh Nguyên |
Đánh giá chung sau một năm triển khai thí điểm, Vụ trưởng Vụ Giáo dục tiểu học (Bộ GD-ĐT) Lê Tiến Thành cho biết: Chương trình tiếng Anh tiểu học nhận được sự ủng hộ tích cực từ chính quyền địa phương, các đoàn thể xã hội, phụ huynh và đặc biệt là các em HS. Tiếng Anh, với tư cách là một môn học bắt buộc, đã được định hình mục tiêu về kết quả học tập của HS theo chuẩn quốc tế (ở cấp tiểu học là trình độ A1.1 trong khung năng lực ngôn ngữ chung của châu Âu). Mục tiêu ấy đòi hỏi GV, ngoài yêu cầu đạt chuẩn về chuyên môn, nghiệp vụ sư phạm còn phải đạt trình độ B2 (tương đương TOEFL 550). Trên thực tế, đây là rào cản lớn nhất đối với hầu hết các địa phương trong quá trình triển khai thí điểm. Từ trước tới nay, các trường sư phạm mới chỉ có mã ngành đào tạo GV ngoại ngữ cấp THCS, vì thế, các GV đang đảm nhận nhiệm vụ dạy tiếng Anh ở các trường tiểu học thường được lấy từ nhiều nguồn, không hiếm GV chưa có kỹ năng sư phạm để dạy HS tiểu học, phương pháp giảng dạy ngoại ngữ cho HS nhỏ tuổi còn hạn chế…
Minh chứng cho điều ấy là trong đợt khảo sát trình độ của 147 GV dạy thí điểm, chỉ có 94 người đạt yêu cầu. Ngay cả ở những TP lớn như Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, trình độ GV vẫn là điểm yếu trong việc triển khai chương trình tiếng Anh thí điểm.
Trước thực tế ấy, để bảo đảm yêu cầu mục tiêu, không vì số lượng mà coi nhẹ chất lượng dạy học, Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển đã yêu cầu địa phương nào đủ điều kiện mới được triển khai thí điểm. Quan điểm không áp đặt quyết liệt là để các trường có thời gian tạo dựng đội ngũ GV có đủ trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu và năng lực sư phạm phù hợp, từ đó xây dựng kế hoạch, lộ trình triển khai với mục tiêu bảo đảm chất lượng. Đó cũng là lý do tại sao tỷ lệ 30% HS học ngoại ngữ từ năm học 2010-2011 như mục tiêu của đề án đến nay vẫn chưa đạt được.
Thiếu cơ chế khích lệ giáo viên
Một trong những lý do cơ bản khiến cho đội ngũ GV dạy ngoại ngữ ở các trường tiểu học còn hạn chế về trình độ năng lực chuyên môn, nghiệp vụ là bởi chưa có chế độ chính sách xứng đáng. Hầu hết GV tiếng Anh hiện đều ở diện hợp đồng, không có phụ cấp đứng lớp. Vì chưa nằm trong biên chế nên tham vọng nghề nghiệp của nhiều GV chỉ ở mức cầm chừng, thậm chí có người coi dạy học chỉ là chỗ trú chân.
Nguyên nhân sâu xa là gì? Theo chuyên viên phụ trách môn ngoại ngữ của các sở GD-ĐT đang tham gia dạy thí điểm, đó là do yêu cầu đặt ra với GV dạy ngoại ngữ quá cao trong khi thu nhập của họ không được trả xứng đáng. Cụ thể, để đủ điều kiện dạy ngoại ngữ theo yêu cầu của Bộ GD-ĐT như hiện nay, họ phải hội đủ 3 điều kiện: có bằng CĐ sư phạm chuyên ngữ trở lên, có chứng chỉ sư phạm tiểu học và có trình độ ngoại ngữ B2 của khung tham chiếu châu Âu. Thế nhưng, nếu đạt đủ những yếu tố này, hầu hết trong số họ đều có xu hướng tìm một công việc khác có thu nhập cao hơn rất nhiều nghề dạy học; cơ hội thăng tiến trong lĩnh vực có sử dụng ngoại ngữ với họ cũng khả quan hơn nhiều.
Vì thế, thiếu GV và khó thu hút GV giỏi vẫn là bài toán nan giải của hầu hết các địa phương thời điểm này khi thực hiện dạy thí điểm tiếng Anh với thời lượng 4 tiết/tuần theo chỉ đạo của Bộ (năm học trước là 2 tiết/tuần). Ngay như ở Hà Nội, thống kê sơ bộ trên toàn TP hiện có 1.400 GV ngoại ngữ, song chỉ có 719 GV biên chế, số còn lại đều là hợp đồng. Để triển khai dạy 4 tiết/tuần thì số GV mà Hà Nội cần có phải gấp đôi số hiện có. Trong khi việc tuyển GV vào biên chế không thể thực hiện trong ngày một ngày hai, chế độ chính sách với GV hợp đồng dạy tiếng Anh chưa có gì hấp dẫn thì khó có thể hút được GV giỏi.
Phương án giải quyết trước mắt cho tình trạng này, theo chỉ đạo của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT, các địa phương được phép sử dụng GV có trình độ cận chuẩn vào việc giảng dạy, với yêu cầu bắt buộc là những người này phải đạt trình độ B2 vào cuối năm học. Để đạt yêu cầu này, lãnh đạo Bộ cho biết sẽ tư vấn, hỗ trợ cho địa phương tạo điều kiện để GV học tập, bồi dưỡng nâng cao trình độ. Bộ cũng sẽ rà soát cơ chế hiện thời để sớm xây dựng, ban hành chính sách đãi ngộ tốt hơn, bảo đảm quyền lợi cho GV khi tham gia chương trình dạy tiếng Anh tiểu học, giúp họ yên tâm gắn bó với nghề.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.