(HNM) - Gần đến Tết Nguyên đán, lượng tiêu thụ hàng hóa, thực phẩm tăng cao. Đây là dịp các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” tuồn ra thị trường các loại thực phẩm không bảo đảm chất lượng, khiến người tiêu dùng thêm phần lo lắng.
Để ngăn chặn tình trạng trên, lực lượng chức năng đã, đang tăng cường thanh, kiểm tra, đồng thời triển khai nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm dịp trước, trong và sau Tết Nguyên đán.
Một cơ sở sản xuất bánh kẹo tại xã La Phù (huyện Hoài Đức). Ảnh: Thái Hiền |
Vi phạm gia tăng
Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho biết, mới đây, Đội Quản lý thị trường số 24 đã kiểm tra kho hàng và xưởng sản xuất bánh kẹo của Công ty TNHH Hàng tiêu dùng Thái Lan (xã La Phù, huyện Hoài Đức), phát hiện, thu giữ khoảng 4.000 hộp bánh kẹo thành phẩm nhái các thương hiệu đang bán chạy trên thị trường. Được biết, cơ sở này sản xuất số lượng lớn bánh kẹo nhưng chưa được cấp giấy phép sản xuất thực phẩm và thiếu các điều kiện bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, có dấu hiệu làm giả công bố chất lượng sản phẩm. Lực lượng chức năng đã thu giữ số bánh kẹo vi phạm để tiếp tục xác minh, làm rõ.
Trước đó, Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội đã phát hiện cơ sở chế biến thực phẩm Anh Phương (cụm 2, xã Phụng Thượng, huyện Phúc Thọ) vi phạm vệ sinh an toàn thực phẩm. Khi đoàn kiểm tra đến, nhiều công nhân tham gia công đoạn đóng gói thành phẩm nhưng không dùng găng tay, khẩu trang theo quy định. Chủ cơ sở sản xuất không xuất trình được giấy chứng nhận đủ điều kiện vệ sinh an toàn thực phẩm, giấy đăng ký kinh doanh, giấy chứng minh nguồn gốc nguyên liệu sản xuất...
Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội Nguyễn Đắc Lộc cho biết, thời điểm áp Tết Mậu Tuất 2018, nguy cơ thực phẩm mất an toàn của các cơ sở sản xuất mùa vụ, cơ sở sản xuất “chui” rất lớn. Hiện nay, các cơ quan chức năng đang tăng cường thanh tra, kiểm tra, tuy nhiên, cũng không loại trừ được các thủ đoạn tinh vi của người sản xuất, buôn bán, vận chuyển thực phẩm không an toàn. Mặt khác, nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn thực phẩm còn ở chính người tiêu dùng, khi ý thức của một số người chưa đầy đủ, còn chủ quan khi lựa chọn thực phẩm.
Để bảo đảm an toàn thực phẩm cho người dân Thủ đô, đặc biệt trong dịp Tết Nguyên đán 2018, Sở Công Thương đã chỉ đạo lực lượng quản lý thị trường kiểm soát chặt chẽ, ngăn chặn hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng tuồn vào tiêu thụ tại Thủ đô trong dịp Tết. TP Hà Nội cũng đẩy nhanh tiến độ xây dựng các chợ đầu mối theo quy hoạch, làm cơ sở quản lý đầu mối tập trung vệ sinh an toàn thực phẩm.
Nhiều hoạt động bảo đảm an toàn thực phẩm
Một trong những hoạt động nổi bật trong dịp Tết Nguyên đán 2018 là Ban Chỉ đạo Chương trình “Bữa ăn an toàn” của Hà Nội đã xây dựng kế hoạch triển khai “Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018” trên địa bàn thành phố. Bà Hồ Thị Mai Chinh, Chủ nhiệm Chương trình “Bữa ăn an toàn” cho biết, mục tiêu của chương trình là kiểm soát bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, sử dụng thực phẩm và tăng cường phòng, chống ngộ độc thực phẩm trong dịp Tết Nguyên đán Mậu Tuất năm 2018. “Tuần lễ an toàn thực phẩm Tết 2018” diễn ra tại Khu đô thị Royal City (quận Thanh Xuân, Hà Nội) từ ngày 1-1 đến 7-2 đã thu hút hơn 200 gian hàng của Hà Nội và các tỉnh, thành phố trên cả nước tham gia, được đông đảo người tiêu dùng đón nhận.
Ngoài ra, Hà Nội còn triển khai nhiều hoạt động thiết thực đưa sản phẩm sạch đến người tiêu dùng. Điển hình, quận Thanh Xuân đang thí điểm mô hình “Tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm” tại phố Thượng Đình, tập trung 27 cơ sở dịch vụ ăn uống, phục vụ lượng khách hàng tương đối lớn. Các cơ sở tại đây sẽ được lực lượng chức năng của quận và phường thanh tra, kiểm tra, giám sát định kỳ từ hai lần trở lên trong một tuần. Theo kế hoạch, trong 3 năm tới, quận Thanh Xuân phấn đấu có 11 tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm tại 11 phường trên địa bàn.
Trên cơ sở thí điểm tại quận Thanh Xuân, Hà Nội sẽ tiếp tục quy hoạch thêm các tuyến phố tập trung dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố có kiểm soát, kiên quyết dẹp bỏ các cơ sở không bảo đảm an toàn thực phẩm, gây mất mỹ quan đô thị. Hy vọng, việc mở các cửa hàng cung cấp thực phẩm an toàn này sẽ tạo sự minh bạch về nguồn gốc sản phẩm khi thành phố triển khai, nhân rộng mô hình tuyến phố kiểm soát an toàn thực phẩm.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.