(HNM) - Tuần lễ quốc gia không thuốc lá đã qua được hơn một tháng. Thế nhưng, hằng ngày, hằng giờ, tại các bệnh viện, hình ảnh những bệnh nhân vật vã trên giường bệnh để chống chọi lại những căn bệnh liên quan đến thuốc lá khiến các bác sĩ không khỏi bị ám ảnh.
Tàn phá sức khỏe vì thuốc lá
Vào điều trị tại Trung tâm Y học hạt nhân và ung bướu (Bệnh viện Bạch Mai) được hơn 3 tháng, ông Đinh Văn T. (52 tuổi, ở huyện Kim Bảng, tỉnh Hà Nam) trông già hơn hẳn so với tuổi thật. Ông được chẩn đoán mắc ung thư phổi do việc hút thuốc lá gây ra. Ông T. chia sẻ: “Tôi hút thuốc lá, thuốc lào 25 năm nhưng chưa bao giờ cảm thấy sợ thuốc như lúc này. Sau ca phẫu thuật cắt bỏ khối u và trải qua những đợt xạ trị, người tôi hiện chỉ còn da bọc xương, đến thở thôi cũng cảm thấy khó nhọc”.
Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên (Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai) kiểm tra sức khỏe cho bệnh nhân. |
Tương tự, tại Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), bệnh nhân Lê Hồng Kh. (62 tuổi, ở huyện Giao Thủy, tỉnh Nam Định) nhập viện do phát hiện mình bị tràn dịch màng phổi vì hút quá nhiều thuốc lá và thuốc lào. Bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên (Trung tâm Hô hấp - Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, những trường hợp nhập viện như bệnh nhân Kh. tương đối nhiều. Trung bình mỗi ngày, trung tâm tiếp nhận và điều trị cho khoảng 4-5 bệnh nhân về hô hấp có liên quan đến thuốc lá. Có những người cả đời không hút thuốc lá nhưng lại mắc bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính do sinh hoạt, làm việc thường xuyên trong môi trường có khói thuốc.
Cũng theo bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên, trong số hơn 7.000 chất độc hại trong thành phần của khói thuốc lá có khoảng 4.000 chất độc hóa học, 50 chất gây ung thư, CO (khí gây khó thở), nicotin (chất gây nghiện)… Khi hút thuốc, các chất này tác động lên tế bào bề mặt của đường hô hấp, gây nên tình trạng viêm phổi mạn tính, thậm chí chúng còn phá hủy và làm biến đổi tế bào, dẫn đến các bệnh nguy hiểm như ung thư, tim mạch... Nếu nguy cơ tử vong vì bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính ở người không hút thuốc là 1 thì nguy cơ này tăng lên 66 lần ở người nghiện thuốc lá. Tỷ lệ tử vong do ung thư phổi ở nam giới có hút thuốc lá cao gấp 22 lần so với người không hút thuốc lá. Ngoài ra, nguy cơ ung thư thực quản của người hút thuốc cao gấp 8-10 lần, nguy cơ ung thư thanh quản cao cấp 12 lần, nguy cơ tai biến mạch máu não tăng gấp 2-4 lần và nguy cơ mắc bệnh tim mạch gấp 2-3 lần so với người không hút thuốc lá...
Với các bác sĩ ngoại khoa, mỗi lần mổ cho bệnh nhân u phổi có sử dụng thuốc lá là một lần họ bị ám ảnh. Bác sĩ Tạ Chi Phương (Bệnh viện Ung bướu Hưng Việt) kể rằng, ông đã từng phẫu thuật khối u phổi cho một bệnh nhân nữ ở huyện Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng. Điều khiến cả kíp mổ bất ngờ đó là phổi của bệnh nhân xơ xác không khác gì chiếc rổ tre, có mầu đen như bồ hóng. Nữ bệnh nhân này có thâm niên hút thuốc lào vài chục năm. Theo bác sĩ Tạ Chi Phương, hút thuốc lá hay thuốc lào đều có hại như nhau.
Nhân rộng mô hình giúp đỡ người cai thuốc
Cùng với việc điều trị, nhiều bệnh viện đã tổ chức các hoạt động tư vấn, hỗ trợ người bệnh cai nghiện thuốc lá: Bệnh viện Bạch Mai thiết lập tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí 1800 6606; Bệnh viện Ung bướu Hà Nội có tổng đài tư vấn qua số điện thoại 0243.6320630; Bệnh viện Y học cổ truyền trung ương tiếp nhận thông tin qua đường dây nóng 0243.6221959… Quỹ Phòng chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cũng đang thực hiện kế hoạch nhân rộng mô hình tổng đài hỗ trợ cai nghiện tới nhiều bệnh viện ở cả ba miền Bắc - Trung - Nam.
Thực tế cho thấy, có nhiều người dân nhận biết được tác hại của thuốc lá và có ý định cai nghiện. Tổng đài tư vấn và hỗ trợ cai nghiện thuốc lá miễn phí (Bệnh viện Bạch Mai) trong năm 2017 đã tư vấn cho gần 14.000 trường hợp. Riêng từ tháng 1 đến tháng 5-2018, tổng đài đã tiếp nhận và tư vấn cho gần 3.000 người. Tuy nhiên, bác sĩ Phạm Thị Lệ Quyên cho rằng, cai nghiện thuốc lá không phải là điều dễ dàng bởi chất nicotin trong thuốc lá khiến người hút dễ nghiện. Có những bệnh nhân nhập viện, quyết tâm cai thuốc nhưng khi bệnh tình thuyên giảm lại tái nghiện. Điều này rất nguy hiểm, nhất là với những bệnh nhân đã có tổn thương ở phổi bởi bệnh rất dễ phát triển thành ung thư phổi, ung thư khoang miệng, ảnh hưởng đến cả tim mạch…
Theo PGS.TS Vũ Văn Giáp, Phó Giám đốc Trung tâm Hô hấp (Bệnh viện Bạch Mai), nhiều nghiên cứu cho thấy người hút 1 điếu thuốc lá đồng nghĩa bị giảm 5,5 phút tuổi thọ. Tuổi thọ trung bình của người hút thuốc ngắn hơn so với người không hút thuốc từ 8 đến 10 năm. Số người tử vong do thuốc lá gây ra gấp 3 lần số người chết vì HIV và tai nạn giao thông.
Vì vậy, hãy từ bỏ thuốc lá trước khi quá muộn.
Theo thống kê của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), mỗi năm, trên thế giới có khoảng 7 triệu ca tử vong do các căn bệnh liên quan đến sử dụng thuốc lá. Tại Việt Nam, mỗi năm có khoảng 40.000 ca tử vong (tương đương mỗi ngày có hơn 110 người chết) vì những bệnh do hút thuốc gây nên. Con số này sẽ tăng lên thành 70.000 người vào năm 2030. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.