Theo dõi Báo Hànộimới trên

''Nói không'' với rác thải nhựa: Những chuyển động từ cơ sở

Tú Minh| 24/07/2022 05:24

(HNNN) - Rác thải nhựa đang hằng ngày, hằng giờ tác động tiêu cực đến hệ sinh thái, môi trường sống, sức khỏe con người và sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia. Xác định công tác phòng chống rác thải nhựa là việc làm ý nghĩa đối với cộng đồng, từ các cấp cơ sở, Hội Liên hiệp Phụ nữ (LHPN) thành phố Hà Nội đã có nhiều mô hình hay, cách làm sáng tạo để góp phần tạo môi trường sống “Sáng - Xanh - Sạch - Đẹp”.

Người dân Hà Nội tích cực tham gia hoạt động thu gom rác tái chế. Ảnh: Hòa Phạm

Sáng tạo không ngừng

Theo thống kê năm 2019 của Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường), trung bình mỗi tháng mỗi hộ gia đình ở Việt Nam sử dụng khoảng 1kg đồ nilon, nhựa sử dụng một lần. Theo đó, nếu 10% lượng chất thải này không được tái sử dụng mà thải bỏ hoàn toàn, lượng rác thải nhựa ở Việt Nam đạt xấp xỉ 2,5 triệu tấn/năm và tăng dần theo từng năm. Đây là gánh nặng cho môi trường, có thể dẫn đến thảm họa mà các chuyên gia môi trường gọi là “ô nhiễm trắng”. Nhận thức được điều này, phong trào tái chế, “nói không” với rác thải nhựa, túi nilon đang được các cấp Hội LHPN tích cực hưởng ứng, tạo sức lan tỏa rộng rãi trong cộng đồng. Hàng loạt mô hình “Sống xanh”, “Hạn chế sử dụng túi nilon”, “Đổi phế liệu giữ màu xanh”, “Chi hội không rác thải nhựa”... đã được triển khai đến từng phường. Đặc biệt là phong trào “Chống rác thải nhựa” đã được Hội LHPN thành phố phát động tới 100% cơ sở hội.

Chị Lê Thị Tố Liên, Chủ tịch Hội LHPN phường Phương Liệt (quận Thanh Xuân, Hà Nội) chia sẻ, 3 năm qua, người dân trên địa bàn phường đã quen với hình ảnh cứ cuối tuần là chị em tại các chi hội lại tay xách, tay bê giấy vụn, chai lọ nhựa... đã được phân loại để tái chế. Phong trào thu gom phế liệu đã nhận được sự ủng hộ của đông đảo phụ nữ. Sau khi thu gom phế liệu và phân loại rác thải nhựa tại nhà, số tiền thu được sẽ được mang đi ủng hộ chị em có hoàn cảnh khó khăn trong địa bàn phường. Bên cạnh đó, mấy năm gần đây, Hội LHPN phường còn tổ chức các lớp dạy nghề miễn phí, sử dụng các vật dụng làm từ nhựa để tạo thành hoa, đồ lưu niệm, cây cảnh, chậu cảnh... treo làm đẹp đường phố...

Trước tình trạng rác thải bị vứt bừa bãi, đầu tháng 5-2022, Hội LHPN xã Sơn Đông (thị xã Sơn Tây) đã có ý tưởng tái chế những thùng sơn đã qua sử dụng thành thùng rác có nắp đậy cho các hộ dân cũng như đặt ở nơi công cộng. Với sự sáng tạo, công phu, tỉ mỉ trong từng công đoạn, đến nay, cán bộ, hội viên phụ nữ xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng 100 thùng rác tái chế từ thùng sơn cũ. Chủ tịch Hội LHPN xã Sơn Đông Nguyễn Thị Mai Tuyết chia sẻ: “Chúng tôi đang tiếp tục triển khai mô hình đến 11/11 chi hội trong toàn xã và vận động hội viên thu gom ủng hộ thùng sơn, phấn đấu mỗi hộ gia đình hội viên có 2 thùng để phân loại rác tại nguồn”.

Cũng từ vật liệu bỏ đi như ống hút, vỏ chai nhựa, lõi chỉ may, mút xốp chống dập hoa quả..., hội viên Hội LHPN thị trấn Yên Viên (huyện Gia Lâm) đã sáng tạo nên những bình hoa để bàn xinh xắn. Hoặc, cũng là tái chế thùng đựng rác nhưng Hội LHPN phường Khương Đình (quận Thanh Xuân) lại dùng vỏ bao xi măng để thay thế túi nilon đựng rác. Song song với đó, việc thu gom phế liệu và rác thải nhựa gây quỹ cũng được các hội viên hưởng ứng. Từ nguồn thu này, Hội đã tặng 200 suất quà, tương đương với 55 triệu đồng, và tặng 5 thẻ bảo hiểm y tế cho phụ nữ có hoàn cảnh khó khăn...

Phó Chủ tịch Hội LHPN thành phố Hà Nội Phạm Thị Thanh Hương cho biết, sau một thời gian tuyên truyền, vận động đã có sự thay đổi rõ nét trong nhận thức, thói quen của phụ nữ nói riêng và cộng đồng nói chung. Người dân đã thay đổi thói quen, “nói không” với các sản phẩm nhựa sử dụng một lần, túi nilon trong cuộc sống thường ngày; sử dụng các loại sản phẩm thay thế thân thiện với môi trường.

Vượt qua rào cản

Bên cạnh kết quả đạt được, vẫn còn một số khó khăn trong việc vận động người dân tham gia vào phong trào chống rác thải nhựa. Theo chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, khó khăn đầu tiên đó là thói quen sử dụng đồ nhựa, túi nilon... đã ăn sâu vào tiềm thức của người dân, không dễ thay đổi trong “một sớm một chiều”, nhất là khi việc sử dụng đồ nhựa, túi nilon vừa tiện vừa rẻ. Trong khi đó, các sản phẩm thân thiện với môi trường như túi sinh học sử dụng một lần, túi vải, túi giấy thì chưa nhiều, giá lại cao hơn. Bên cạnh đó, việc thực hiện phân loại, thu gom rác thải tại nguồn ở nhiều nơi chưa được thực hiện tốt. Người dân được hướng dẫn phân loại rác tại nhà, đồ nhựa để riêng, chai lọ để riêng và rác hữu cơ để riêng, nhưng khi mang rác đến nơi thu gom thì lại không có thùng rác riêng để phân loại. Thêm vào đó, nhận thức của một bộ phận người dân trong việc bảo vệ môi trường còn chưa tốt. Trong việc phân loại rác, nhiều người còn ỷ lại nên việc triển khai các phong trào chống rác thải nhựa còn gặp rào cản.

Tác hại của rác thải nhựa với môi trường và sức khỏe của con người là rất lớn. Chính vì thế, trong thời gian tới, để đẩy mạnh hơn nữa các phong trào, mô hình chống rác thải nhựa, theo chị Nguyễn Thị Tuyết (xã Yên Viên, huyện Gia Lâm, Hà Nội), bên cạnh việc thu gom, phân loại và tái chế, cần đẩy mạnh hơn nữa việc tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân. Thay vì dùng một lần và vứt đi, người dân có thể sử dụng sản phẩm đó cho những mục đích khác. Việc tái chế này đơn giản và có thể thực hiện ngay tại nhà. Tại các trường học, chúng ta cần tăng cường tuyên truyền nhằm xây dựng ý thức bảo vệ môi trường cho học sinh bằng những việc làm cụ thể như không dùng giấy nilon bọc sách, vở; vận động các cơ sở đoàn, trường học và người dân thu gom phế liệu có thể tái chế được như vỏ lon, chai nhựa, thùng giấy... để đổi cây xanh hoặc cây trang trí. Còn theo chị Trịnh Thị Hồng Thủy, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Xuân, Nhà nước cần hỗ trợ về mặt chính sách nhằm trợ giá cho các mặt hàng thân thiện với môi trường, qua đó khuyến khích người dân sử dụng nhiều hơn các sản phẩm mang xu hướng “xanh”. Thêm vào đó, chúng ta cũng cần khuyến khích các Mạnh Thường Quân, doanh nghiệp chung tay cùng hệ thống chính trị để tuyên truyền về tác hại của rác thải nhựa đối với môi trường và sức khỏe con người.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
''Nói không'' với rác thải nhựa: Những chuyển động từ cơ sở

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.