(HNM) - Phúc Thọ là vùng đất cổ thuộc Đồng bằng châu thổ sông Hồng. Trải qua 195 năm hình thành và phát triển, cán bộ và nhân dân Phúc Thọ luôn phát huy truyền thống anh hùng, chủ động, sáng tạo vượt qua khó khăn xây dựng địa phương ngày càng văn minh, giàu đẹp.
Lễ đón nhận Bằng di sản văn hóa phi vật thể quốc gia lễ hội đền Hát Môn. |
Mãi tỏa sáng truyền thống
Trải qua nhiều tên gọi Phúc Lộc, Phú Lộc, đến năm Minh Mạng thứ 3 (1822) đổi tên thành huyện Phúc Thọ. Từ đó đến nay với 195 năm xây dựng và phát triển, các tầng lớp nhân dân Phúc Thọ đã vượt qua mọi khó khăn, gian khổ, đóng góp sức người, sức của cùng nhân dân cả nước làm nên cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945 và đập tan âm mưu đen tối của thực dân Pháp xâm lược. Ngày 31-3-1954, cùng với khí thế hào hùng của Chiến dịch lịch sử Điện Biên Phủ, quân - dân Phúc Thọ nổ súng tấn công, đập tan nhiều cuộc càn quét của thực dân Pháp ở các xã. Đúng 17h ngày 3-8-1954, những tên lính Pháp cuối cùng rút khỏi địa bàn. Từ đó, ngày 3-8-1954 trở thành Ngày Giải phóng huyện Phúc Thọ.
Cùng với truyền thống yêu nước, chiến đấu kiên cường, Phúc Thọ còn được biết đến là vùng đất giàu truyền thống văn hóa, khoa bảng. Thời kỳ mang địa danh Phúc Lộc, huyện có Thám hoa Giang Văn Minh. Thời cận, hiện đại có dịch giả nổi tiếng Nguyễn Đỗ Mục; danh họa tài năng Nguyễn Đỗ Cung; nhà sử học Minh Tranh… Tiêu biểu là các đồng chí: Khuất Duy Tiến, Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội, Chủ tịch Ủy ban Kháng chiến hành chính TP Hà Nội thời kỳ chống Pháp; đồng chí Lê Hiến Mai, một trong 9 người được phong Thiếu tướng đầu tiên của Quân đội nhân dân Việt Nam…
Là vùng đất cổ xứ Đoài, Phúc Thọ còn tự hào về truyền thống văn hóa đặc sắc, hệ thống di sản văn hóa đồ sộ với 93/173 di tích được xếp hạng. Trong đó, đền Hát Môn được xếp hạng Di tích quốc gia đặc biệt, 46 di tích xếp hạng cấp quốc gia, 46 di tích xếp hạng cấp tỉnh, thành phố.
Vững bước cùng công cuộc đổi mới
Trong công cuộc đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Phúc Thọ tiếp tục phát huy truyền thống Anh hùng, không ngừng sáng tạo, đoàn kết xây dựng quê hương giàu mạnh. Năm 2008, Hà Nội mở rộng địa giới hành chính, Phúc Thọ thuộc TP Hà Nội và có nhiều cơ hội để hội nhập, phát triển.
Là huyện thuần nông có xuất phát điểm thấp, Huyện ủy tập trung chỉ đạo xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh, toàn diện. Bên cạnh đó là đổi mới nội dung, phương thức hoạt động, xây dựng tổ chức Đảng thành hạt nhân, nòng cốt nên Đảng bộ nhiều năm liền đạt trong sạch vững mạnh.
“Trải qua hai cuộc kháng chiến, nhân dân Phúc Thọ chiến đấu anh dũng, hy sinh để giải phóng quê hương. Toàn huyện có 14.287 thanh niên nhập ngũ, 13.883 lượt người tham gia dân quân hỏa tuyến, 3.385 người con anh dũng hy sinh. Có 1.005 thương binh để lại một phần xương máu của mình nơi chiến trường, 396 Bà mẹ Việt Nam Anh hùng. Thời kỳ đổi mới, huyện được Nhà nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhì, Huân chương Lao động hạng Nhất. Huyện Phúc Thọ và 13 xã, thị trấn, 7 cá nhân được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân...”. Ông Hoàng Mạnh Phú, Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ |
Nhờ sáng tạo đưa ra giải pháp phù hợp với đặc thù địa phương nên kinh tế Phúc Thọ có nhiều khởi sắc, cơ cấu chuyển dịch tích cực theo hướng tăng bình quân hơn 10%/năm, hình thành nhiều vùng sản xuất giá trị cao như: Chuối tiêu hồng, hoa, cây cảnh, măng tây... Đời sống nhân dân được nâng cao, tỷ lệ hộ nghèo giảm còn dưới 2%. Thu nhập bình quân đầu người đạt hơn 33,2 triệu đồng/năm.
Đến nay, có 4 nhãn hiệu tập thể (Bưởi Phúc Thọ, Chuối Vân Nam, Tương Nếp, Cà dầm tương Tam Hiệp) được công nhận. Đầu năm 2017, Nhà máy Xử lý và chế biến trứng gia cầm công nghệ cao Ba Huân Hà Nội đi vào hoạt động. Hết quý I năm 2017, huyện có 20/22 xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện huyện đang phấn đấu hết năm 2017 có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới...
Theo dòng chảy lịch sử của đất nước, quá trình hình thành và phát triển của Phúc Thọ ngày càng tỏa sáng từ những giá trị truyền thống Anh hùng và văn hóa, khoa bảng. Những giá trị này sẽ mãi trường tồn cùng năm tháng.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.