Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi gửi gắm yêu thương

Bảo Hân - Kim Thu| 04/03/2023 06:30

(HNM) - Trong không gian được bài trí sinh động, ấm cúng, Thư viện Dương Liễu (đội 5, thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) những ngày đầu xuân thoảng mùi hoa bưởi từ vườn ngoài và rộn rã bước chân quen của độc giả nhí. Thư viện nhỏ này như một thế giới màu nhiệm, suốt 10 năm qua đã được mở ra với những thơm thảo, yêu thương gửi gắm cho con trẻ.

Thư viện Dương Liễu (thôn Thống Nhất, xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức) là điểm đến yêu thích của các bạn nhỏ.

Tình yêu qua thử thách...

Rời Dương Liễu lên thành phố học đại học, chàng trai trẻ Phùng Bá Hưng (sinh năm 1990) cảm nhận rõ hơn nỗi thiệt thòi, thiếu thốn của đám trẻ nơi quê nhà khi ít có điều kiện tiếp xúc với sách báo hay tham gia các hoạt động vui chơi, sáng tạo. Năm 2013, khi tình yêu với sách, với trẻ em thôi thúc, anh Hưng cùng một người họ hàng quyết định thành lập thư viện tư nhân hoàn toàn miễn phí với tên gọi thân thuộc “Thư viện Dương Liễu”.

Với vốn ngoại ngữ tốt, chàng cử nhân tốt nghiệp Khoa Báo chí Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn (Đại học quốc gia Hà Nội) đã lên mạng tự mày mò, tìm hiểu các mô hình thư viện tư nhân của nước ngoài và chọn lọc cách làm hay để áp dụng. Những ngày đầu, đội ngũ tình nguyện viên mỏng, ít có sự gắn bó lâu dài nên một mình anh Hưng phải tự bươn chải với đủ công việc. Tuy nhiên, khó khăn cá nhân không làm nản lòng mà còn khiến anh càng thêm đau đáu làm sao thu hút được nhiều độc giả bởi dường như sách báo ít nhiều đã mất đi sự hấp dẫn trước các thiết bị điện tử hiện đại.

Một năm sau ngày thư viện được thành lập, anh Hưng đã có thể bắt đầu in ra từng tấm thẻ đọc cho các thành viên đầu tiên. Được sở hữu trong tay tấm thẻ đọc của thư viện ngay tại quê nhà khiến trẻ em ở Dương Liễu đặc biệt thích thú. Hàng trăm thẻ đã được in ra mỗi ngày. Từ sáng kiến đầu tiên này, anh Hưng nhận thấy, nếu thư viện có các hoạt động hấp dẫn thì sẽ thu hút được nhiều bạn đọc hơn nên cứ khi nào “vắng khách”, anh lại vắt óc nghĩ ra các chương trình mới.

Thời điểm dịch Covid-19 bùng phát, bạn đọc đến thư viện ít hơn, anh Hưng cùng các tình nguyện viên triển khai chương trình “Thư viện lưu động”. Mỗi tối thứ bảy, các anh chị không quản ngại chở những thùng sách to đến 16 nhà văn hóa của xã, tổ chức các trò chơi, thu hút trẻ đến đọc sách.

Sau sáng kiến này, các kết nối dần được thiết lập lại. Từ đầu năm 2022 đến nay, vào những ngày thư viện mở cửa là thứ ba, thứ năm và 2 ngày cuối tuần, hàng trăm độc giả nhí đã trở lại cùng tiếng cười rộn rã. Thư viện khi ấy không khác gì vườn trẻ khi mỗi em có mỗi cách đọc sách thật đáng yêu.

Những trái ngọt thu về

Là mô hình phi lợi nhuận vì cộng đồng và có giấy phép hoạt động đầu tiên tại huyện Hoài Đức, Thư viện Dương Liễu sau hành trình 10 năm hiện đã sở hữu “gia tài” không hề nhỏ. Số lượng đầu sách qua các nguồn tiếp nhận ủng hộ, trao tặng và tự mua lên tới hơn 9.000 cuốn. Sách được chọn lọc kỹ càng, chủ yếu là ở mảng văn học, kiến thức thiếu nhi và thêm nhiều mảng nội dung đa dạng khác, đáp ứng yêu cầu của hơn 3.000 bạn đọc. 95% độc giả là trẻ em, không chỉ ở Dương Liễu mà từ các xã lân cận như Minh Khai, Cát Quế, Yên Sở, Đức Thượng, Sơn Đồng… của huyện Hoài Đức.

“Tài sản” đáng quý khác là sau 10 năm tuyển chọn, thiết lập, hiện thư viện có gần 80 tình nguyện viên gắn bó, trong đó có 17 người giữ các vai trò chủ chốt. Để hoạt động của thư viện ngày càng đa dạng, phong phú, hướng tới sự chuyên nghiệp, anh Phùng Bá Hưng chia nhân sự ra thành các ban lo công tác hậu cần, tổ chức, truyền thông, sách và bạn đọc, đối ngoại phát triển… cũng như hàng chục các dự án khác nhau. Phụ trách các ban, dự án là cơ hội để các tình nguyện viên, đa phần là học sinh và sinh viên được học hỏi, mài giũa thêm các kỹ năng mềm cần thiết.

Em Nguyễn Thị Nga, sinh viên năm thứ nhất Học viện Ngoại giao, hiện là tình nguyện viên, Trưởng dự án “WeWatch” của thư viện chia sẻ: "Em là độc giả trung thành ngay từ những ngày đầu thư viện thành lập. Làm tình nguyện viên tại thư viện, em tiếp tục có các mối quan hệ rộng mở, được các anh chị quan tâm, truyền kinh nghiệm trong học tập, định hướng nghề nghiệp. Tham gia vào hoạt động của thư viện là hành trình giúp em khám phá bản thân, xây dựng những thói quen tốt và có thể tiếp tục truyền cảm hứng đọc sách đến các em nhỏ hơn".

“Trẻ em có thể tạo ra điều kỳ diệu khi chúng đọc sách”, từ kim chỉ nam này, thư viện đã hoạt động hiệu quả suốt 10 năm qua. Không chỉ đơn giản là nơi đến để đọc sách, đúng với mong muốn của Phùng Bá Hưng, trong một không gian còn hạn chế nhưng các tình nguyện viên đã sáng tạo, tổ chức hàng loạt các trò chơi, cuộc thi thú vị, bổ ích, giúp trẻ tìm về với các nét văn hóa làng quê hoặc bảo vệ môi trường. Có thể kể đến như việc làm đồ thủ công từ vật dụng tái chế, tham gia làm bánh chưng và bánh trung thu; thi “Rung chuông vàng” tìm hiểu về động vật hoang dã; thu gom pin, thu gom rác thải trong chương trình “Dương Liễu xanh không rác” hay tham gia các hoạt động thăm hỏi, tặng quà cho người cao tuổi trên địa bàn xã, quyên góp ủng hộ đồng bào miền Trung gặp khó khăn do thiên tai…

Cô giáo Nguyễn Thị Hương, Tổng phụ trách Đội Trường Trung học cơ sở Dương Liễu cho biết, nhà trường đã gắn bó với Thư viện Dương Liễu từ nhiều năm qua. Nếu như thư viện nhà trường chỉ hoạt động trong giờ hành chính, thì Thư viện Dương Liễu đã mở thêm một không gian mới mẻ với các đầu sách phong phú, thời gian phù hợp, giúp trẻ có thêm thời giờ đọc sách. Nhà trường đã trao đổi sách với thư viện để làm giàu thêm kho sách của các em. Nhiều cuộc thi do thư viện phát động được nhà trường khuyến khích học sinh hưởng ứng và tổ chức ngay tại trường để tạo sự kết nối giữa hai không gian. “Tham gia các hoạt động này, thế giới tinh thần của các em thêm lành mạnh, bổ ích và thực tế là các em đều rất thích thú, hào hứng”, cô Hương kể.

Sau chặng đường 10 năm, điều ngọt ngào mà anh Hưng nhận được chính là sự tin tưởng, tình cảm mà mọi người dành cho. Các bậc phụ huynh, người dân trong xã Dương Liễu tự hào và sẵn lòng đóng góp, ủng hộ các hoạt động của thư viện. “Đi qua chợ, có chị bán rau còn nhất định dúi vào tay tôi một ít tiền ủng hộ thư viện, bởi chị có 2 con nhỏ đều thích đọc sách. Ngôi nhà mà thư viện đang hoạt động ổn định cũng là nơi được bác Nguyễn Kiến Hưởng, người có 3 con gắn bó với thư viện cho “mượn” miễn phí suốt 2 năm qua… Tình cảm mọi người dành cho thư viện không gì đong đếm được”, anh Hưng hạnh phúc nói.

Chàng trai trẻ luôn đầy ắp những ý tưởng sáng tạo và mong muốn đóng góp cho cộng đồng này đang ấp ủ ước ao được mở rộng phạm vi, quy mô Thư viện Dương Liễu tầm cỡ hơn, ổn định hơn. Khát khao ấy tiếp tục là động lực để anh cùng các cộng sự vững tin trên con đường mở ra thế giới kỳ diệu, tràn đầy yêu thương với những người xung quanh, đặc biệt là trẻ nhỏ ở Dương Liễu. 

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nơi gửi gắm yêu thương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.