Nơi giữ gìn và phát huy Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh
Bảo tàng Hồ Chí Minh được xây dựng theo nguyện vọng của nhân dân Việt Nam nhằm tỏ lòng biết ơn và đời đời ghi nhớ công lao to lớn của Chủ tịch Hồ Chí Minh - Anh hùng giải phóng dân tộc Việt Nam, nhà văn hóa kiệt xuất của nhân loại. Đây là trung tâm quan trọng và đầy đủ bậc nhất nghiên cứu, giữ gìn và phát huy giá trị Di sản Văn hóa Hồ Chí Minh đến các thế hệ mai sau.
Ngày 31-8-1985, nhân kỷ niệm 40 năm Cách mạng Tháng Tám và Quốc khánh 2-9, Lễ khởi công xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh được tổ chức. Trong lúc tòa nhà đang được thi công thì tháng 11-1987, Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa Liên hợp quốc (UNESCO) đã ra Nghị quyết 18.65 khuyến nghị các quốc gia thành viên tham gia vào các hoạt động kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Từ đây, mọi hoạt động của các cơ quan đều hướng về ngày 19-5-1990, với tình cảm và quyết tâm của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân mong muốn hoàn thành việc xây dựng Bảo tàng Hồ Chí Minh vào đúng dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Người.
Đồng chí Đỗ Mười, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng nước CHXHCN Việt Nam đọc diễn văn tại Lễ khánh thành Bảo tàng Hồ Chí Minh, ngày 19-5-1990. Ảnh tư liệu
Và không phụ lòng mong mỏi của nhân dân cả nước, ngày 19-5-1990, đúng vào dịp kỷ niệm 100 năm Ngày sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công trình Bảo tàng Hồ Chí Minh được khánh thành trọng thể trong niềm hân hoan vui sướng của toàn Đảng, toàn dân.
Bảo tàng Hồ Chí Minh là công trình kiến trúc lớn, mang tầm vóc quốc gia, là sự kết tinh giữa truyền thống văn hóa hàng nghìn năm của nhân dân Việt Nam với lòng biết ơn sâu sắc của cả dân tộc đối với một con người vĩ đại. Nơi đây lưu giữ những tài liệu, hiện vật, phim ảnh gốc về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Người. Đây là những tài sản vô giá của dân tộc Việt Nam trong việc giáo dục chủ nghĩa yêu nước, học tập tư tưởng, đạo đức trong sáng của Chủ tịch Hồ Chí Minh; bồi dưỡng các thế hệ người Việt Nam kế tục trung thành và xuất sắc sự nghiệp cách mạng vĩ đại của Bác.
Thời điểm ấy, các di vật, tài liệu của Chủ tịch Hồ Chí Minh lên tới hàng nghìn. Hiện vật nào cũng quý, cũng thiêng liêng. Việc lựa chọn hiện vật gắn bó với cuộc đời, sự nghiệp của Bác để đưa vào trưng bày cho nhân dân xem cũng là vấn đề được đưa ra bàn thảo trong nhiều cuộc họp. Các hiện vật phải bảo đảm tính tiêu biểu, sau khi được lựa chọn sẽ được sắp đặt có tính thống nhất cao theo các chủ đề.
Máy đánh chữ, dụng cụ tập thể dục, mô hình viên gạch Bác dùng để sưởi ấm trong thời gian ở nhà số 9, ngõ Compoint, quận 17, Paris (Pháp).
Bảo tàng Hồ Chí Minh còn là công trình hữu nghị biểu hiện tình cảm kính trọng của nhân dân Liên Xô đối với Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại. Công trình này do kiến trúc sư Garon Isacovich thiết kế, mang biểu tượng một bông sen trắng, thanh tao mà cao quý.
Đến nay, nội dung trưng bày tại Bảo tàng vẫn bảo đảm nguyên tắc thể hiện theo chủ đề của từng giai đoạn lịch sử về cuộc đời và sự nghiệp hoạt động cách mạng của Bác gắn với dân tộc và thời đại. Không gian trưng bày chính được thể hiện ở tầng 3, gồm 3 phần:
Phần 1: Trưng bày về cuộc đời và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và nhân dân Việt Nam thực hiện Di chúc của Người. Đây là nội dung chính gồm các tài liệu, hiện vật, các phim tư liệu, tác phẩm nghệ thuật được trình bày một cách hệ thống và là hành trình tham quan chính.
Phần 2: Trưng bày về đất nước Việt Nam, cuộc đấu tranh và thắng lợi của nhân dân Việt Nam trong thời đại Hồ Chí Minh.
Phần 3: Các gian chuyên đề về một số sự kiện lịch sử thế giới có tác động tới cuộc đời hoạt động cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh và cách mạng Việt Nam.
Những kỷ vật đơn sơ của một nhân cách lớn
Đến thăm Bảo tàng Hồ Chí Minh vào những ngày cuối tháng 8 lịch sử này, nhiều người không khỏi xúc động khi được tận mắt nhìn những kỷ vật gắn liền với cuộc đời giản dị của vị Bác.
Nhìn đôi dép cao su sờn quai mà Người dùng khi sinh thời được bảo quản cẩn trọng trong tủ kính, đôi mắt người xem như mờ đi. Đôi dép được làm từ săm lốp ô tô cũ. Đế mòn được đóng thêm hai miếng cao su nhỏ. Trong các chuyến thăm đồng bào và chiến sĩ cả nước, đi thăm nhà máy xí nghiệp, hay đi làm việc với các địa phương hoặc đi công cán nước ngoài, tiếp khách quốc tế, Người đều đi dép cao su. Cạnh đó là bộ áo kaki bạc màu mà Người thường mặc khi tiếp các vị khách quan trọng, đi dự hội nghị, dự các cuộc họp của Trung ương, đi thăm các địa phương trong nước…
Bài học về sự giản dị, tiết kiệm của Bác nào ở đâu xa. Nó hiện hiện rõ nét nhất trong những vật dụng mà Bác sử dụng hằng ngày như bộ đồ tập thể dục, chiếc máy đánh chữ, chiếc đài nghe tin tức, chiếc quạt nan…
Bộ quần áo, mũ, kính, bút chì, đôi dép cao su của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngắm những hiện vật, tài liệu được trưng bày, người xem cảm nhận rõ hơn một tư tưởng vĩ đại, tỏa sáng từ lối sống giản dị, tiết kiệm, lòng yêu thương nhân dân, sự bao dung nhân ái, cùng những phẩm chất đạo đức cao cả của Bác. Những cảm xúc đó chắc chắn thấm sâu, tác động, lan tỏa và dần trở thành động lực cho mỗi người trong nhận thức và hành động để “làm theo” tư tưởng, đạo đức, phong cách của Người một cách tự giác trong cuộc sống hôm nay.
Tất cả các hiện vật của Bác được nâng niu, cẩn trọng giữ gìn với quy trình bảo quản khắt khe, nghiêm ngặt. Các hiện vật được phân loại theo từng chất liệu và luôn được che phủ, bảo quản ở nhiệt độ 18-22 độ C, độ ẩm không quá 55%.
Tiến sĩ Nguyễn Thị Hường - Phó Trưởng phòng Kiểm kê bảo quản cho biết, bằng sự nỗ lực của nhiều thế hệ cán bộ, công chức, trong những năm qua, công tác sưu tầm, kiểm kê bảo quản, nghiên cứu xác minh tư liệu hiện vật của Bảo tàng đã được tiến hành nghiêm túc và khoa học.
Hiện nay, Bảo tàng mới chỉ trưng bày hơn 2.000 hiện vật và đang lưu giữ hơn 17.000 hiện vật khác của Bác. Nhằm bảo quản lâu dài và quản lý chặt chẽ các tài liệu, hiện vật này, Bảo tàng đã tiến hành nghiên cứu, kiểm kê, xây dựng các hồ sơ khoa học và ứng dụng các tiến bộ khoa học công nghệ trong công tác kho, thực hiện tin học hóa các sưu tập tài liệu, hiện vật giúp cho công tác quản lý và phục vụ khai thác các tài liệu hiện vật có hiệu quả nhất.
Kho cơ sở của Bảo tàng Hồ Chí Minh đang lưu giữ hơn 13 vạn tài liệu, hiện vật; kho Tư liệu Thư viện lưu giữ hàng vạn tư liệu và sách báo về Bác. Nhờ đó, nhiều năm qua, Bảo tàng Hồ Chí Minh đã cung cấp hàng ngàn tài liệu, hiện vật, phim ảnh cho các đơn vị, cá nhân triển khai các công trình nghiên cứu khoa học về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Lẫn trong dòng người tham quan đông đúc, lặng lẽ ngắm nhìn những hiện vật đã rất quen thuộc, Tiến sĩ Nguyễn Thị Tình, nguyên Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh (giai đoạn 1999-2007) rưng rưng nói: “Mỗi lần ngắm nhìn những hiện vật của Bác Hồ, tôi xúc động lắm. Dù chỉ là những vật dụng nhỏ nhưng Bác rất trân trọng, giữ gìn. Điều này cho thấy lối sống giản dị, cần kiệm của một nhân cách lớn”.
Dù đã nghỉ hưu nhưng mỗi năm vào dịp kỷ niệm Quốc khánh 2-9, bà Tình và nhiều cựu cán bộ từng làm việc tại Bảo tàng lại hẹn nhau đến đây. Được ngắm nhìn lại các hiện vật, tư liệu của Bác cũng là cách để những cựu cán bộ, nhân viên của Bảo tàng ôn lại quãng thời gian hạnh phúc được sống thật gần với các di vật mà Người để lại.
Theo bà Tình, một nhiệm vụ rất quan trọng được Bảo tàng đặc biệt quan tâm, đó là công tác sưu tầm, bổ sung hiện vật, tài liệu về Bác. Bảo tàng đã tổ chức các đoàn đi sưu tầm ở Nga, Pháp, Anh, Trung Quốc và nhiều địa phương trong cả nước. Cùng với việc đi sưu tầm, Bảo tàng đã tổ chức nhiều lễ tiếp nhận và nhận được hàng ngàn tài liệu, hiện vật của các tổ chức và cá nhân trong và ngoài nước trao tặng.
Lan tỏa đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh
Nhân 50 năm thực hiện Di chúc của Bác (1969-2019), du khách đến Bảo tàng đông hơn ngày thường. Từng đoàn người, trong đó phần đông là nhân dân các tỉnh, thành, kiều bào ở nước ngoài về thăm Bác.
Chị Nguyễn Minh Hạnh cùng hai cô con gái là Kim Ngân và Thảo Nguyên vừa từ thành phố Hồ Chí Minh ra Hà Nội thăm người nhà. Địa điểm đầu tiên chị muốn dẫn hai con tham quan là Lăng Bác và Bảo tàng Hồ Chí Minh. “Các con tôi được nghe nhiều câu chuyện về Bác Hồ nhưng chưa lần nào được thấy các hiện vật của Bác một cách sống động và chân thực như vậy. Tôi đưa con đến thăm Bảo tàng với hy vọng, các con sẽ yêu lịch sử dân tộc hơn, hiểu hơn tấm gương giản dị của Bác Hồ”, chị Hạnh chia sẻ.
Chị Nguyễn Minh Hạnh cùng hai con gái.
Anh John Cena, một du khách đến từ Anh đứng ngắm nhìn khá lâu chiếc máy đánh chữ của Chủ tịch Hồ Chí Minh được bảo quản trong hộp kính. Anh nói: “Tôi ngạc nhiên vì một lãnh tụ lại có cách sống bình dị như vậy. Các bạn đã có những trang sử hào hùng và có những vĩ nhân được cả thế giới ngưỡng mộ”.
Chị Nông Thu Hiền, cán bộ Bảo tàng cho biết, số lượng khách tham quan vào những ngày lễ, ngày nghỉ cuối tuần thường đông hơn, cao điểm có ngày lên tới 2 vạn người. Bảo tàng cũng đã đón tiếp nhiều đoàn cán bộ, học sinh, sinh viên đến tìm hiểu về sự nghiệp, tư tưởng, đạo đức và tác phong của Bác thông qua những tư liệu, hiện vật cụ thể ở đây.
Lưu bút của khách tham quan thể hiện tình cảm với Bác.
Để phục vụ nhân dân được tốt hơn, Bảo tàng đã tập trung mở rộng các hình thức và nâng cao chất lượng tuyên truyền. Liên tục 7 ngày trong tuần, kể cả những ngày lễ, tết và chủ nhật, Bảo tàng luôn là “giảng đường” mở rộng cửa đón và hướng dẫn khách tham quan một cách chu đáo hiệu quả.
Như Tiến sĩ Vũ Mạnh Hà - Giám đốc Bảo tàng Hồ Chí Minh chia sẻ, gần nửa thế kỷ qua, Bảo tàng đã trở thành nơi trao gửi những tình cảm thiêng liêng của đồng bào cả nước đối với Bác Hồ kính yêu. Từ đây, cuộc đời, sự nghiệp, tư tưởng, tấm gương đạo đức của Chủ tịch Hồ Chí Minh đã lan tỏa, cổ vũ các thế hệ người Việt Nam trong sự nghiệp bảo vệ, xây dựng và phát triển đất nước.
Các em thiếu nhi và du khách tham quan Bảo tàng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Hà Nội đang vào thu. Tấm lòng của mỗi người dân đất Việt những ngày này đều hướng về Bác với tình cảm đặc biệt. Ngày nối ngày, tại Quảng trường Ba Đình, Lăng Bác, Khu di tích Chủ tịch Hồ Chí Minh (Phủ Chủ tịch) hay tại Bảo tàng nơi đây, hàng vạn lượt người dân và khách quốc tế thành kính đến với Người bằng những tình cảm sâu nặng.
Đứng giữa không gian xanh ngập tràn sắc hoa trong vườn Bác, tôi chợt nhớ đến câu thơ của Tố Hữu:
“Còn những ai chưa được một lần
Trong đời, gặp Bác? Hãy nhanh chân
Tiến lên phía trước! Trên cao ấy
Bác vẫn đưa tay đón lại gần...”
(Theo chân Bác)
Bác đã đi xa nhưng cuộc sống hôm nay vẫn chứa chan ánh sáng và ấm áp muôn vàn tình thương yêu của Người.