Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nơi đất và người lan tỏa những tinh hoa

Hiền Lương| 31/05/2016 06:39

(HNM) - Cơ duyên trời đất và sự nỗ lực của con người đã trao cho Hoàn Kiếm một vị trí đặc biệt trong lịch sử nghìn năm Thăng Long - Hà Nội.


Vị trí đặc biệt

Truyền thuyết vua Lê trả gươm báu cho thần Kim Quy đã trở thành tên quận luôn là một trong những câu chuyện đẹp nhất, tiêu biểu nhất về tinh thần yêu chuộng hòa bình của dân tộc Việt Nam. Từ hơn một nghìn năm trước, Hoàn Kiếm đã là nơi tụ hội tinh hoa trăm nghề. Người tài bốn phương tụ hội về đây lập nên những phố phường sầm uất. Quận từng chiếm phần lớn trong 61 phường thời Lý - Trần cũng như 36 phố phường từ thời Lê đến đầu thời Nguyễn. Với những giá trị lịch sử, văn hóa, giá trị không gian đô thị, quần thể kiến trúc tiêu biểu qua các thời kỳ, Hoàn Kiếm mang trong mình bản sắc văn hóa tiêu biểu của Hà Nội. Chính vì vậy, "Hoàn Kiếm" - cái tên mà chỉ cần đọc lên đã thấy gắn bó chặt chẽ, đại diện tiêu biểu của Thăng Long - Hà Nội, "nơi lắng hồn núi sông ngàn năm", "trái tim của cả nước", "Thành phố Vì hòa bình"...

Hồ Hoàn Kiếm - trái tim của Thủ đô. Ảnh: Nam Khánh


Trong thời đại Hồ Chí Minh, Hoàn Kiếm gắn bó mật thiết với những mốc son lịch sử của Thủ đô và đất nước. Đây là nơi Chi bộ Đảng Cộng sản đầu tiên được thành lập tại số 5D phố Hàm Long; có Quảng trường Cách Mạng Tháng Tám lịch sử; có di tích cách mạng 48 Hàng Ngang - nơi Bác Hồ viết Tuyên ngôn Độc lập... Cách đây 55 năm, ngày 31-5-1961, Chính phủ đã ra quyết định tổ chức hành chính TP Hà Nội với 4 khu phố nội thành, gồm: Hoàn Kiếm, Đống Đa, Ba Đình, Hai Bà Trưng và 4 huyện là Từ Liêm, Thanh Trì, Gia Lâm, Đông Anh. Kể từ khi thành lập, cán bộ và nhân dân khu phố sau này là quận Hoàn Kiếm (từ năm 1981) luôn đoàn kết một lòng, thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị.

Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước, giai đoạn 1961-1975, Hoàn Kiếm đã thực hiện tốt hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam; kiên cường tham gia đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc của đế quốc Mỹ. Kết thúc hai cuộc kháng chiến chống Pháp, chống Mỹ cứu nước, quận Hoàn Kiếm có 69 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 1.555 liệt sĩ, 1.008 thương binh và hàng trăm bệnh binh, 25 gia đình có công với cách mạng và hơn 20.000 người tham gia cách mạng. Nhân dân quận đã tự nguyện đóng góp cho kháng chiến 57.547 chỉ vàng và nhiều tài sản quý giá khác... Truyền thống yêu nước, khí phách anh hùng mãi mãi là niềm tự hào của quân và dân quận Hoàn Kiếm.

Xây dựng quận ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh

Đất nước thống nhất, vượt lên khó khăn, gian khổ, Hoàn Kiếm với truyền thống tài hoa tiếp tục tạo nên những phố nghề, phố hàng nhộn nhịp, cung cấp hàng hóa tỏa đi khắp cả nước. Sau 30 năm đổi mới, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân quận Hoàn Kiếm đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, nhất là giai đoạn 2010-2015. Quận đã tập trung lãnh đạo chỉ đạo đồng bộ các giải pháp nhằm phát triển dịch vụ - thương mại - du lịch theo hướng văn minh, hiệu quả. Hoạt động dịch vụ, thương mại, du lịch có tốc độ tăng trưởng ổn định, bình quân hằng năm 18,21%, chiếm tỷ trọng 97,01% trong cơ cấu kinh tế của quận. Thu ngân sách đạt kết quả cao, với tốc độ tăng hằng năm bình quân là 10,2%, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn bình quân hằng năm đạt trên 3.500 tỷ đồng. Năm 2015, con số này là 4.236 tỷ đồng.

Xác định là đô thị có vị trí đặc biệt, quận đã tập trung đầu tư, đổi mới công tác quản lý đô thị và xây dựng, coi đây là nhiệm vụ quan trọng thường xuyên. Quận tập trung đầu tư cải tạo hạ tầng kỹ thuật đô thị, kết hợp tốt việc cải tạo hè phố và thoát nước với hạ ngầm và thanh thải, sắp xếp đường dây đi nổi trên các tuyến phố, tăng cường chiếu sáng, chỉnh trang, trang trí các tuyến phố mà trọng tâm là khu vực hồ Hoàn Kiếm và khu phố cổ. Nhiều năm qua, quận đã chủ động, tích cực, chỉ đạo quyết liệt và đồng bộ với nhiều mô hình mới sáng tạo như "khoán quản", "tự quản" ở địa bàn dân cư; duy trì tốt các tuyến phố văn minh đô thị. Công tác bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị lịch sử, văn hóa khu phố cổ từng bước triển khai gắn với dự án giãn dân phố cổ… Hoàn Kiếm đang thay đổi từng ngày theo hướng ngày sạch hơn, đẹp hơn và văn minh hơn.

Quận Hoàn Kiếm đã vinh dự được Đảng và Nhà nước trao tặng các danh hiệu cao quý như: Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới năm 2010, Huân chương Độc lập hạng Nhì, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huân chương Quân công hạng Nhất, Huân chương Lao động hạng Nhất. Nhiều năm liền, quận được Thủ tướng Chính phủ tặng cờ "Đơn vị thi đua xuất sắc dẫn đầu khối quận". Với niềm vinh dự và tự hào đó, các thế hệ cán bộ và nhân dân quận Hoàn Kiếm quyết tâm thực hiện thắng lợi mục tiêu Đại hội lần thứ XXV Đảng bộ quận nhiệm kỳ 2015-2020 đã đề ra, đặc biệt là mục tiêu "Xây dựng quận Hoàn Kiếm ngày càng giàu đẹp, thanh lịch, văn minh".
(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nơi đất và người lan tỏa những tinh hoa

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.