(HNM) - Từ nhiều năm nay, Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội được gọi vui là
Một sáng đầu hè, khi cái nóng oi ả chưa kịp về, chúng tôi đã có mặt ở Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội. Ngay từ sáng sớm, không khí làm việc của nhân viên tại "bệnh viện" của động vật hoang dã cũng đã rất tất bật. Người dọn vệ sinh chuồng trại, người nấu thức ăn, người chuẩn bị thực phẩm... Giám đốc Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội Lương Xuân Hồng sau cái bắt tay thật chặt và trao chiếc khẩu trang rồi dẫn chúng tôi bước qua chậu hóa chất khử trùng để vào khu chuồng, trại động vật hoang dã đang được cứu chữa.
Khu nuôi cứu hộ động vật hoang dã là những chiếc chuồng sắt, xung quanh có mắt lưới chi chít, phía trong gác ngang dọc những thân cây để động vật leo trèo. Cạnh đó, một khu chuồng rộng là nơi trú của chú chim công, khu nuôi thả rùa, các loài động vật bò sát. Mới sáng sớm, cả khu vực náo động bởi tiếng "chít... chít" của mấy con khỉ mặt đỏ, tiếng gáy muộn của gà rừng ở chuồng bên cạnh, đàn hổ ở dãy chuồng phía trong cùng...
Môi trường sống của động vật hoang dã tại Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội luôn được vệ sinh sạch sẽ. |
Ðội cứu hộ, chăm sóc động vật hoang dã ở đây có gần 20 người, công việc hằng ngày là chăm sóc tỉ mỉ từng miếng ăn, giấc ngủ của những loài thú hoang dã. Hơn 7h, việc đầu tiên của các anh, các chị là kiểm tra sức khỏe của động vật để thông báo lại với bác sĩ, vệ sinh sạch sẽ để bảo đảm môi trường sống cho chúng. Mọi việc thường kết thúc vào lúc 17h, nhưng nhiều hôm kéo dài đến khuya vì trực chăm sóc động vật bị ốm.
Tất cả các cá thể động vật được cứu hộ tại đây có thức ăn hoa quả tươi: Chuối, dưa chuột, cà rốt, bí đỏ... bảo quản trong tủ lạnh đến các loại cháo nấu từ động vật... Lịch ăn mỗi ngày hai hoặc ba bữa. Cá thể nào ốm sẽ theo dõi hàng giờ để có phương pháp chữa trị tốt nhất. Mỗi tháng, chi phí thức ăn, thuốc chữa bệnh cho động vật không nhỏ, song vượt lên trên hết là lợi ích môi trường và sự cân bằng của tự nhiên.
Gắn bó với trung tâm từ ngày đầu thành lập, bác sĩ Nguyễn Thị Hằng có rất nhiều kỷ niệm với nghề cứu hộ, chữa trị bệnh cho động vật hoang dã. Nghề bác sĩ của động vật nuôi vốn đã khó, với động vật hoang dã càng khó và dễ phát sinh tai nạn nghề nghiệp hơn.
Ðiều quan trọng là cứu chữa, chăm sóc nhưng không làm mất đi bản tính hoang dã để thả chúng lại môi trường tự nhiên. Những cá thể bị nuôi nhốt lâu không đủ điều kiện sinh tồn, như mất tập tính hoang dã, mất chức năng vận động được chuyển vào khu phục hồi chức năng.
Tại đây, chúng tôi có những cách thức để phục hồi tập tính sinh thái và chức năng vận động cho chúng, rồi đưa ra khu thả bán hoang dã một thời gian để thích nghi dần, sau đó mới thả ra môi trường tự nhiên.
Chị nhớ lại, mấy năm trước, khi trung tâm tiếp nhận những chú khỉ mặt đỏ từ các đối tượng buôn bán trái phép. Chỉ ít ngày sau, nhiều con khỉ bị sốt siêu vi, chúng tôi đã cho uống thuốc tây, truyền dịch nhưng bệnh tình của chúng không giảm. Chúng tôi phải thay phiên nhau chăm sóc không quản ngày đêm, nhờ vậy đã cứu sống được con khỉ nhỏ, sau đó, cá thể này được thả trở lại rừng. Vốn là loài nhanh nhẹn, hiếu động và khá gần gũi với con người, nên khi đưa đi tái thả, chúng "buồn thiu" nhìn lại nơi "bệnh viện", "gia đình" đã chăm sóc chúng một thời gian dài...
Công việc vất vả, trong khi đó, mặt bằng của trung tâm luôn trong tình trạng quá tải vì số lượng động vật hoang dã phải cứu hộ rất nhiều. Chỉ tính riêng những tháng đầu năm 2019, đơn vị đã tiếp nhận và chăm sóc gần 300 cá thể động vật hoang dã, chưa kể một số lượng lớn rắn các loại. Tuy nhiên, khó khăn không làm cho hoạt động của trung tâm bó hẹp mà nơi đây vẫn trở thành một trong bốn trung tâm cứu hộ động vật hoang dã có uy tín và hiệu quả cao trong cả nước.
Nhiều lần đến thăm, chứng kiến công việc của các cán bộ, nhân viên "bệnh viện động vật hoang dã" - Trung tâm Cứu hộ động vật hoang dã Hà Nội càng làm cho chúng tôi cảm phục, bởi phải có tình thương với động vật, trách nhiệm với nghề nghiệp mới giúp họ vượt qua khó khăn để làm tốt nhiệm vụ.
Chia tay chúng tôi, Giám đốc Trung tâm Lương Xuân Hồng nói thêm: "Nhiều loài động vật thông minh, cũng cần tình cảm như con người. Khi được chữa trị, chăm sóc, nó cảm nhận được bằng ánh mắt, chúng tôi cũng vui rồi. Làm trong môi trường này, chúng tôi tự ngấm, tự yêu quý các loài động vật hoang dã, nên các khái niệm sử dụng động vật hoang dã làm thuốc bổ, làm quà biếu... chúng tôi coi là phản cảm".
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.