(HNM) - Ngày "cá" tháng tư đã đi qua nhưng những gì còn đọng lại về ngày này là gì đối với em?
Em Nguyễn Đức Minh, lớp 10 Trường THPT Chu Văn An
- Đối với học sinh chúng em hoặc lớn hơn nữa như các anh chị sinh viên thì đây là ngày rất vui bởi nói dối trong ngày 1-4 là... được phép. Chúng em nói dối đủ chuyện và "lừa" được khối người tin đến... sái cổ. Chẳng hạn, em đã nói dối bạn em: "Hôm nay, sinh nhật em tớ. Mẹ tớ tổ chức một bữa cơm để mời những người thân của gia đình. Trong số ấy, có cậu. Nhớ đến nhé". Thế là tối hôm đó, bạn em mua một con gấu bông, mà có lẽ bạn ấy đã phải xin không ít tiền của mẹ, để mua tặng em của em. Nhưng sau khi đến nhà em, thấy vắng lặng chẳng có ai ngoài những người trong gia đình em, chẳng có bữa tiệc sinh nhật nào mà chỉ có một bữa cơm bình thường nhà em đang ăn, bạn ấy ôm con gấu sững sờ đứng giữa nhà em, đầy xấu hổ, lúng túng. Lúc ấy, không nhịn được, em mới phá lên cười và giải thích: "Không nhớ hôm nay là 1-4 à?". Lúc ấy bạn ớ ra và vừa lắc đầu vừa cười, nói: "Hôm nay, mình bị "lừa" quả đậm quá. Nhưng không sao, mình vẫn tặng em cậu con gấu này". Nói thật, lúc ấy, em cũng thấy ngại với bạn và thấy trò đùa của mình có vẻ hơi quá. Vậy là để xoa dịu và khỏa lấp sự xấu hổ của bạn, em và mẹ mời bằng được bạn ấy ăn cơm. Có lẽ, sang năm em sẽ không đùa như vậy mà phải nghĩ cách khác chỉ để vui chứ không làm ai "mất mặt".
Chị Nguyễn Kim Thoa, giáo viên Trường Đại Từ
- Ôi! "Cá" tháng tư đâu chỉ có trẻ con mà ngay người lớn cũng "chơi" trò này. Vừa rồi, tôi "lĩnh đủ" cảm giác bị lừa, cảm giác bị "ê" mặt... Chả là tôi nhận được một tin nhắn từ người bạn thân của tôi với nội dung: "Tối nay, đúng 19h30 mời các bạn tới nhà hàng Sen quen thuộc của chúng ta để dự buổi liên hoan nhân dịp tôi chuẩn bị đi công tác nước ngoài. Không ai vắng mặt". Để có thể tham dự "buổi tiệc", tôi sấp ngửa sắp xếp công việc ở nhà như đón con về từ trường mẫu giáo, chuẩn bị cơm nước cho chồng con, rồi vội vàng tắm rửa cho các cháu... Sau đó mới chuẩn bị cho mình để đến "điểm hẹn". Nào ngờ đến nơi, tôi không thấy một ai, kể cả cô bạn thân đã nhắn tin. Tôi nhấc điện thoại gọi cho cô bạn. Lúc nghe tôi hỏi xong, cô cười giòn tan trong máy và trả lời: "Thôi, ngồi đấy gọi gì ăn đi mừng Ngày "cá" tháng tư...". Lúc đó, tôi mới nhận ra mình bị... lừa. Tôi "cúp" máy, xấu hổ. Tôi không biết nói thế nào với cô bạn đã "lừa" tôi. Bởi cô quá vui tính. Còn tôi quá thờ ơ với ngày... "cá" tháng tư. Nhưng sau "vụ" này, tôi chợt nhận ra, dù có ý nghĩa như thế nào thì trò đùa của Ngày "cá" tháng tư nếu biến người khác thành... thằng hề, thành trò đùa thì không thể chấp nhận được. Đó không phải là ứng xử có văn hóa. Văn hóa đó không thuộc về... Việt Nam!
Bà Nguyễn Hồng Vân, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch
- "Cá" tháng tư thực ra là một văn hóa của các nước phương Tây. Sau đó, du nhập vào Việt Nam và mấy năm gần đây, đặc biệt là giới trẻ mới quan tâm đến. Tôi chưa bao giờ là "nạn nhân" của Ngày "cá" tháng tư. Nhưng nói chung, với tôi cũng không đồng tình với trò đùa này. Nó là sinh hoạt của phương Tây chứ không phải của chúng ta. Chúng ta chỉ nên tiếp nhận những gì phù hợp với văn hóa, con người Việt Nam. Vậy thôi.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.