(HNM) - Là một trong những vở kịch đầu tiên của Nhà hát Kịch quốc gia Việt Nam,
Lấy bối cảnh là gia đình Thượng nghị sĩ Harry, thuộc một gia tộc nổi tiếng của Mỹ, vở kịch diễn ra với các nhân vật đến từ các đất nước, chủng tộc khác nhau. Tác giả kịch bản - Đại tá Phan Gia Liên - cùng đạo diễn NSND Lê Hùng đã khéo léo đưa hai quốc gia tới gần nhau bằng chi tiết "lời nguyền".
Cảnh trong vở “Lời nguyền”. |
Harry (Đình Chiến đóng) là chiến binh từng tham gia cuộc chiến tại Việt Nam. Harry có nỗi ám ảnh ghê gớm, bởi trong quá khứ ông đã cùng đồng đội rải chất độc dioxin trên dải đất hình chữ S và mang về một đầu lâu của người lính Việt Nam làm chiến lợi phẩm. Chiếc đầu lâu ấy là của nữ bác sĩ quân y Diệu Hoa (Quỳnh Hoa đóng) - cháu 5 đời của quan Tổng đốc Hoàng Diệu, được để bên cạnh chiếc đầu lâu của Tecu - con trai của thủ lĩnh người da đỏ Tecumsech. Hai chiếc đầu lâu ấy kết bạn với nhau, và cùng mang ẩn ức phải ở lại gia đình nhà Harry mà không được về với gia đình, dòng tộc của mình. Kết quả là Joahn (Lưu Hoàng thủ vai) - con trai của Harry, một người sinh ra với hình hài khiếm khuyết đã phải gánh chịu lời nguyền, thiệt thòi mà dòng họ anh đã mắc phải.
Trên thực tế, nước Mỹ tồn tại lời nguyền của thủ lĩnh Tecumsech, liên quan đến sinh mạng của tổng thống. Còn người Việt Nam cũng có một lời nguyền "kẻ nào gieo gió ắt gặp bão". Lịch sử quan hệ hai nước cũng có giai đoạn bất ổn, theo ý nghĩa đối đầu. Tuy nhiên, trong vở kịch, anh chàng Joahn với hình hài kỳ dị chính là "thiên sứ" hóa giải lời nguyền, khi anh hiểu được và cùng trò chuyện với các linh hồn.
Chi tiết kịch tính nhất là Joahn bị bắt cóc bởi chính tay quản gia Phillips (một thành viên của hội phân biệt chủng tộc), một hành động nhằm cảnh báo, ngăn cản gia đình Harry không ủng hộ việc làm của Hội Nạn nhân chất độc da cam Việt Nam. Việc làm đó cuối cùng bị phát giác, gia đình Diệu Hoa đã đến đón linh hồn cô về Việt Nam. Khi đó, linh hồn Tecu đã nảy sinh tình cảm với Diệu Hoa, nên cũng theo về Việt Nam. Joahn cũng được hóa giải khỏi lời nguyền, anh khỏe mạnh và tình nguyện sang Việt Nam dạy học. Một cái kết đẹp sau hàng loạt các thông điệp tố cáo chiến tranh và hậu quả khủng khiếp từ nó.
Những thông điệp lớn đã được lồng ghép tài tình vào một câu chuyện giả định. Tuy nhiên, "Lời nguyền" trong buổi diễn ra mắt vẫn có những "hạt sạn" đáng tiếc. Khai màn vở kịch, Joahn xuất hiện trên chiếc xe lăn, di chuyển bằng chiếc xe ấy, nhưng bỗng nhiên anh đứng phắt dậy và đi lại được. Đến đoạn kết, Joahn bỗng nhiên khỏi bệnh, thoát khỏi hình hài méo mó khi gia tộc đã hiểu, sám hối về những việc từng làm. Khi bị bắt cóc, thiên sứ Joahn cũng được các linh hồn bảo vệ, một người giúp việc bị giết đã nhập vào Joahn và vạch trần tội ác của Phillips cho con trai của mình là Ken hiểu rõ… Sử dụng nhiều chi tiết có phần hoang đường, mê tín, câu chuyện dễ rơi vào sự thiếu logic, thiếu thuyết phục.
"Lời nguyền" có cốt truyện khá sâu sắc và giàu sức ám ảnh. Không biết có phải vì thời gian dựng vở quá gấp, gần như song song với việc dựng vở "Báo hiếu" - cũng do NSND Lê Hùng đạo diễn - hay không mà "Lời nguyền" chưa tạo được hiệu quả mong muốn. Hy vọng êkíp thực hiện vở kịch sẽ xem xét lại, để trong những lần công diễn tới, "Lời nguyền" có sức thuyết phục hơn.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.