Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗi ám ảnh trên "phòng tuyến" Hy Lạp

Thùy Dương| 06/03/2016 06:22

(HNM) - Trong bối cảnh cuộc khủng hoảng di cư tồi tệ nhất tại Châu Âu kể từ Chiến tranh Thế giới thứ II chưa có dấu hiệu lắng dịu, việc kiểm soát biên giới chặt chẽ hơn của các nước thuộc khu vực Balkan và Áo đã khiến gần 32.000 người, trong đó có nhiều trẻ em bị mắc kẹt tại Hy Lạp.



Và, con số này có thể tăng lên hơn 70.000 người trong tháng tới khi người di cư vượt biển Aegean từ Thổ Nhĩ Kỳ dồn về đây vẫn không có dấu hiệu giảm. Cuộc di cư "thế kỷ" đang gây áp lực rất lớn lên "phòng tuyến" Hy Lạp và đặt Châu Âu vào tình thế khó xử.

Ước tính có khoảng 50.000 - 70.000 người tị nạn mắc kẹt tại biên giới Hy Lạp vào tháng tới.


Theo Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn, hầu hết người di cư đến Hy Lạp là để chạy trốn cuộc xung đột ở Syria. Số người này ngày càng dồn lại nhiều hơn do các nước trong Liên minh Châu Âu (EU) đã siết chặt kiểm soát biên giới. Macedonia, láng giềng của Hy Lạp chỉ chấp nhận vài chục người "nhập cảnh" mỗi ngày. Do đó, tại biên giới Hy Lạp - Macedonia hiện nay có tới 11.500 người đang sống vạ vật. Hàng trăm người tị nạn đã cố phá hàng rào thép gai trên biên giới Hy Lạp - Macedonia để "mở đường" cho hàng nghìn người đang "ăn chực nằm chờ" ở Idomeni được đến Châu Âu. Liên hợp quốc cảnh báo, các nước khu vực Balkan dựng hàng rào dây thép gai, đóng cửa biên giới làm hàng nghìn người di cư bị mắc kẹt tại Hy Lạp có nguy cơ dẫn đến một cuộc khủng hoảng nhân đạo trong những ngày tới.

Sau động thái "mạnh ai nấy làm" của các nước Balkan, Thủ tướng Đức Angela Merkel tuyên bố, Châu Âu không thể cho phép Hy Lạp rơi vào "hỗn loạn" khi các nước EU đóng cửa biên giới với người tị nạn. Ngày 4-3, Tổng thống Pháp Francois Hollande và Thủ tướng Đức A.Merkel đã hội đàm tại điện Elysée, Paris để thống nhất quan điểm trước khi diễn ra Hội nghị Thượng đỉnh EU - Thổ Nhĩ Kỳ nhằm tìm kiếm các biện pháp đối phó với cuộc khủng hoảng di cư. Hai nhà lãnh đạo Pháp và Đức muốn có quan điểm thống nhất tại Hội nghị Thượng đỉnh EU vào ngày 7-3 tại Brussels (Bỉ) để thuyết phục các đối tác cùng đối phó với cuộc khủng hoảng tồi tệ đang làm chia rẽ Châu Âu. Paris và Berlin muốn gây sức ép buộc Thổ Nhĩ Kỳ thực hiện các cam kết kiểm soát biên giới, đặc biệt là con đường dẫn sang Hy Lạp và việc nhận trở lại người di cư bất hợp pháp. Pháp yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ cải thiện các cơ sở tiếp nhận người di cư, hạn chế làn sóng người di cư tới Hy Lạp để đổi lấy khoản hỗ trợ 3 tỷ euro của EU.

Trong khi đó, Thủ tướng A.Merkel đã cảnh báo những hậu quả của việc kiểm soát biên giới: Nếu Châu Âu "bị xé ra thành những nước nhỏ, điều đó sẽ cực kỳ khó khăn" với đồng tiền chung của châu lục. Do vậy, theo bà A.Merkel, mỗi thành viên EU phải cùng nhau bảo vệ tốt khu vực biên giới bên ngoài của mình. Cũng vì vậy, mới đây EU đã công bố "lộ trình" nhằm chấm dứt hoạt động kiểm soát biên giới mà các nước thành viên áp đặt do cuộc khủng hoảng di cư và khôi phục Khu vực Tự do đi lại Châu Âu (Schengen), trước cuối năm nay. Brussels đã kêu gọi thiết lập một biên giới và lực lượng bảo vệ bờ biển của EU trước mùa hè này. Thêm vào đó, liên minh sẽ hỗ trợ Hy Lạp củng cố đường biên giới bên ngoài của nước này - lối vào chính của những người di cư tới Châu Âu.

Có thể thấy, cuộc khủng hoảng người di cư tại Châu Âu tiếp tục là một điểm nóng của thế giới trong khi Hiệp ước Schengen đã, đang và có thể vẫn sẽ tiếp tục bị chính các thành viên vi phạm. Hình ảnh người di cư tuyệt vọng không thể tiếp tục hành trình tới Tây Âu qua con đường Balkan cho thấy sự cấp bách phải giải quyết cuộc khủng hoảng tại Hội nghị Thượng đỉnh của EU vào đầu tuần tới tại Bỉ.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗi ám ảnh trên "phòng tuyến" Hy Lạp

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.