(HNMO) - Chiều 14-9, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 15, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về báo cáo của Chính phủ về tình hình thi hành Hiến pháp, luật, nghị quyết của Quốc hội.
Trình bày báo cáo của Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Tư pháp Lê Thành Long cho biết, từ tháng 10-2021 đến nay, Chính phủ đã xem xét, cho ý kiến 24 đề nghị xây dựng và 19 dự án luật, dự thảo nghị quyết. Quy trình cho ý kiến thông qua các dự án, dự thảo được Chính phủ xem xét chặt chẽ hơn. Các dự án, dự thảo được các bộ chuẩn bị kỹ lưỡng, có dự thảo văn bản quy định chi tiết kèm theo. Tuy nhiên, quá trình thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh vẫn còn tồn tại hạn chế như tình trạng xin lùi thời hạn trình hoặc chưa thực sự bảo đảm chất lượng…
Ngay sau các kỳ họp của Quốc hội khóa XV, Chính phủ đã chỉ đạo Bộ Tư pháp phối hợp với Văn phòng Chính phủ, các bộ rà soát các luật, pháp lệnh, nghị quyết được Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội thông qua; xác định đầy đủ nội dung giao quy định chi tiết, lập danh mục văn bản quy định chi tiết trình Thủ tướng Chính phủ ban hành và phân công cơ quan chủ trì soạn thảo.
Tính từ ngày 1-10-2021 đến ngày 1-8-2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ có nhiệm vụ xây dựng, ban hành 110 văn bản quy định chi tiết. Đối với 70/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực trước ngày 1-8-2022 đã ban hành được 59/70 văn bản, còn lại 11/70 văn bản nợ, chưa ban hành; đối với 40/110 văn bản quy định chi tiết các luật, nghị quyết có hiệu lực sau ngày 1-8-2022, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã và đang chỉ đạo các bộ xây dựng, trình ban hành.
Công tác chỉ đạo, hướng dẫn phổ biến, giáo dục pháp luật các luật, pháp lệnh, nghị quyết đã được Chính phủ chú trọng tổ chức, triển khai kịp thời. 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đã lồng ghép nhiệm vụ phổ biến các luật, pháp lệnh, nghị quyết mới được ban hành trong năm 2022 trong kế hoạch công tác phổ biến, giáo dục pháp luật hằng năm của địa phương.
Thẩm tra báo cáo, Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của Quốc hội Hoàng Thanh Tùng đề nghị, Chính phủ cần làm rõ nguyên nhân và giải pháp khắc phục việc so với năm 2021, việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh đã có hiệu lực tăng mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm trước. Từ kết quả rà soát văn bản quy phạm pháp luật cho thấy, số văn bản kiến nghị xử lý rất cao nhưng số văn bản được xử lý sau rà soát lại thấp.
Một số tồn tại, hạn chế đã được chỉ ra trong các năm trước đây nhưng chưa được khắc phục triệt để, cụ thể là một số hồ sơ đề nghị xây dựng luật chưa bảo đảm chất lượng, chưa đầy đủ, chưa gửi đúng thời hạn theo quy định; tính dự báo, “gối đầu” của Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh còn thấp; vẫn còn tình trạng dự án đã được đưa vào Chương trình nhưng không chuẩn bị kịp để trình Quốc hội theo đúng tiến độ; chất lượng một số dự án trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội chưa bảo đảm; tình trạng nợ đọng văn bản quy định chi tiết chưa được khắc phục hiệu quả.
Thảo luận về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, từ khi Quốc hội thông qua 1 luật sửa 9 luật tại phiên họp bất thường lần thứ nhất (tháng 1-2022) đến nay, 3 nghị định hướng dẫn thi hành luật còn nợ đọng chưa ban hành, điều đó đã tạo ra khoảng trống pháp lý, chưa đáp ứng được yêu cầu cấp bách của dự án luật.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng - An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới đề nghị Chính phủ đề xuất các luật, chính sách cần thực hiện sớm và có sự đồng thuận cao, bảo đảm chất lượng của các dự án.
Phát biểu ý kiến chỉ đạo, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị làm rõ nguyên nhân và trách nhiệm trong việc nợ ban hành văn bản quy định chi tiết luật, pháp lệnh tăng mặc dù số văn bản cần ban hành ít hơn so với cùng kỳ năm 2021. Bên cạnh đó, một số nghị định hướng dẫn chưa tuân thủ đúng các quy định của luật.
Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị Chính phủ chỉ đạo tiếp tục siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đề cao trách nhiệm, nhất là trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác xây dựng pháp luật, hoàn thiện thể chế, bảo đảm tuân thủ chặt chẽ quy trình, thủ tục ban hành văn bản quy phạm pháp luật.
Đồng chí Vương Đình Huệ cũng yêu cầu quan tâm tổ chức tốt Ngày Pháp luật Việt Nam 9-11 nhằm tăng cường công tác tuyên truyền, giáo dục chính sách, pháp luật đến người dân.
Kết luận nội dung này, Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ và các cơ quan liên quan tiếp thu các ý kiến nhằm hoàn thiện báo cáo để trình Quốc hội tại kỳ họp thứ tư sắp tới.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.