(HNM) - Tại SEA Games 27 năm 2013, Đội tuyển (ĐT) Điền kinh Việt Nam đã xuất sắc giành được 11 HCV, lập công lớn vào thành tích chung của Đoàn Thể thao Việt Nam (TTVN). Nhưng trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực đều đầu tư rất mạnh cho môn thể thao Nữ hoàng, nhiệm vụ lập lại và phấn đấu vượt thành tích
Đỗ Thị Thảo (352) - VĐV có nhiều triển vọng của Điền kinh Việt Nam. |
- Thưa ông, điền kinh nằm trong số các môn thuộc nhóm Olympic cơ bản được TTVN đầu tư trọng điểm, vì vậy, kỳ vọng huy chương ở SEA Games 28 đối với đội tuyển chắc chắn rất lớn?
- Môn thể thao Nữ hoàng luôn nhận được sự quan tâm và kỳ vọng rất lớn của ngành và người hâm mộ. Trong danh sách đoàn TTVN dự SEA Games 28, điền kinh có lực lượng đông nhất, gồm 63 thành viên, trong đó có 47 VĐV, tranh tài ở 38 trong tổng số 46 nội dung thi đấu, phấn đấu giành từ 11 HCV như SEA Games 27 trở lên. Đây là một nhiệm vụ tương đối khó khăn, đòi hỏi sự tập trung cao độ và nỗ lực rất lớn của các VĐV.
- Ông có thể cho biết rõ hơn về những khó khăn này?
- Hiện nay, các quốc gia trong khu vực đều đầu tư rất mạnh cho điền kinh; đặc biệt, họ có nhiều VĐV triển vọng ở chính những nội dung mà Việt Nam có khả năng tranh chấp HCV. Tại Giải Điền kinh Đài Loan (Trung Quốc) mở rộng kết thúc mới đây, nội dung nhảy xa và nhảy cao đều xuất hiện những gương mặt rất mạnh. Cụ thể: Nội dung nhảy cao, có VĐV người Thái Lan nhảy qua mức xà 1m86, trong khi đó, tại SEA Games 27, chỉ số thành tích của VĐV Việt Nam giành HCV ở nội dung này là 1m84 (Dương Thị Việt Anh), còn HCĐ Nguyễn Thị Diễm nhảy 1m80. Nội dung nhảy xa cũng xuất hiện nhiều đối thủ rất mạnh. Ngay đến VĐV Bùi Thị Thu Thảo - giành HCB ASIAD 2014 với mức nhảy 6m44, nhưng cũng sẽ rất khó khăn để giành được huy chương ở kỳ SEA Games 28 tới đây, vì thành tích của VĐV người Indonesia giành HCV ASIAD 2014 luôn ổn định ở mức 6m50 - 6m55. Đó là chưa kể sự trở lại của VĐV người Philippines với mức nhảy 6m53 (SEA Games 27, VĐV này không tham dự vì chấn thương).
- Thưa ông, sự chuyển giao lực lượng ở một số nội dung trọng điểm có thể ảnh hưởng đến kết quả thi đấu của đội?
- Đó là nhân tố đáng lưu ý. Những cựu binh xuất sắc như Vũ Thị Hương, Trương Thanh Hằng… đều có thành tích rất ổn định, cơ hội giành HCV rất rõ ràng trước mỗi kỳ Đại hội. Các VĐV trẻ có thể đạt chỉ số rất tốt lúc tập luyện nhưng khi vào cuộc đấu, yếu tố tâm lý, bản lĩnh, kinh nghiệm có ảnh hưởng rất lớn, đòi hỏi BHL phải có giải pháp phù hợp. Ví như Đỗ Thị Thảo, được coi là kế cận xứng đáng cho Trương Thanh Hằng ở nội dung chạy 800m và 1.500m, nhưng cũng sẽ phải đối đầu với đối thủ người Myanmar có chỉ số thành tích rất tốt thời gian gần đây.
- Nhưng chúng ta có rất nhiều nội dung có khả năng tranh chấp huy chương…?
- Nếu nhìn chỉ số tập luyện, chúng ta có khả năng tranh chấp HCV ở khoảng 14-16 nội dung. Nhưng cơ hội không chắc chắn như khi các VĐV Hương, Hằng, Phạm Thị Bình… còn thi đấu, mà mang tính chất "5 ăn 5 thua". Vì vậy, càng đòi hỏi rất lớn nỗ lực, sự tập trung, tinh thần thi đấu của các VĐV ở giờ phút quyết định.
- Thời gian diễn ra SEA Games 28 trùng với thời gian tổ chức Giải Điền kinh vô địch Châu Á, điều này có khiến chúng ta phải phân chia lực lượng ở hai đấu trường không, thưa ông?
- Giải Điền kinh vô địch Châu Á sẽ diễn ra từ ngày 1 đến 8-6 tại Trung Quốc, quy tụ những VĐV hàng đầu châu lục. Tuy nhiên, nhằm dồn lực cho SEA Games 28, điền kinh Việt Nam sẽ cử lực lượng trẻ tham dự giải này với mục tiêu cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Đặc biệt, theo thông báo mới nhất của Liên đoàn Điền kinh thế giới, trong năm nay, có 20 VĐV gốc Phi đăng ký nhập tịch vào các nước Châu Á, chủ yếu ở Qatar, Bahrain. Chúng ta cần nắm tình hình thông qua giải đấu này để có sự chuẩn bị lực lượng phù hợp cho ASIAD 18-2018.
- Trân trọng cảm ơn ông!.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.