Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực vượt khó

Hoàng Minh| 07/10/2017 07:11

(HNM) - Mặc dù còn gặp không ít khó khăn trong thực hiện Quyết định 12/2012/QĐ-UBND ngày 30-5-2012 của UBND TP Hà Nội về quy định phát triển và quản lý chợ trên địa bàn thành phố, nhưng với nỗ lực vượt khó đến nay huyện Thanh Trì đã cơ bản hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý chợ

Chợ Quang (xã Thanh Liệt) hoạt động hiệu quả, bảo đảm văn minh thương mại sau chuyển đổi.



Hiệu quả kép

Trước khi UBND TP Hà Nội ban hành Quyết định 12/2012/ QĐ-UBND, năm 2008, UBND huyện Thanh Trì đã thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn huyện”. Việc “đi trước đón đầu” này xuất phát từ thực trạng đa số chợ nông thôn trên địa bàn huyện xuống cấp nghiêm trọng, công tác vệ sinh môi trường, an toàn thực phẩm, phòng, chống cháy nổ không bảo đảm, chợ “cóc”, chợ tạm, gây mất an toàn giao thông, ô nhiễm môi trường…

Bà Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Thanh Trì cho biết: Trước năm 2008, trên địa bàn huyện có 1 trung tâm thương mại và 18 chợ nông thôn, trong đó 5 chợ hạng ba, 13 chợ tạm, với cơ sở vật chất xuống cấp, chật hẹp, khiến tiểu thương và người dân không mặn mà vào chợ kinh doanh, mua bán. Hơn nữa, việc quản lý chợ trước đây do UBND các xã, thị trấn đảm nhận theo hình thức “lấy thu bù chi” nên hầu hết các chợ không được cải tạo, sửa chữa. Đây chính là một trong những nguyên nhân phát sinh hơn chục điểm chợ “cóc”, họp rải rác trên địa bàn huyện, ảnh hưởng đến giao thông, vệ sinh môi trường.

Để các chợ phát huy hiệu quả, năm 2008, UBND huyện Thanh Trì đã chỉ đạo các phòng, ban chuyên môn và UBND các xã, thị trấn khảo sát, đánh giá thực trạng hoạt động của từng chợ, lập Đề án “Đầu tư xây dựng chợ trên địa bàn huyện”. Mục tiêu chính là kêu gọi xã hội hóa đầu tư xây dựng chợ theo mô hình chợ truyền thống, tạo mạng lưới chợ phù hợp với định hướng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của huyện và thành phố, bảo đảm văn minh thương mại... Theo đề án, huyện Thanh Trì có 21 chợ được cải tạo, sửa chữa và xây mới, trong đó giai đoạn 1 (2008-2010) xây dựng, cải tạo 14 chợ, giai đoạn 2 (2011-2012) gồm 7 chợ. Ngay sau khi phê duyệt đề án, UBND huyện Thanh Trì đã báo cáo và được UBND thành phố chấp thuận chủ trương thí điểm đầu tư 5 chợ theo cơ chế ngân sách nhà nước đầu tư phần hạ tầng; doanh nghiệp, hợp tác xã đầu tư phần nổi và quản lý, kinh doanh, khai thác chợ. Hoạt động thí điểm này sau đó sẽ được rút kinh nghiệm để triển khai tại các chợ còn lại.

Theo đánh giá của UBND huyện Thanh Trì, đề án được triển khai đã mang lại hiệu quả kép, đó là thực hiện được chủ trương của thành phố về chuyển đổi mô hình quản lý chợ, đồng thời góp phần hoàn thành tiêu chí chợ trong xây dựng nông thôn mới và giải tỏa, xóa bỏ nhiều chợ “cóc”, chợ tạm.

Tập trung khắc phục tồn tại

Ông Đặng Đức Quỳnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Thanh Trì cho biết: Thực hiện đề án, huyện gặp không ít khó khăn như cơ chế, chính sách, thủ tục đầu tư còn bất cập; quy hoạch vị trí xây dựng một số chợ thay đổi nên việc đầu tư bị chậm; hạ tầng giao thông ở một số địa phương chưa khớp nối với khu vực xây chợ. Song, với quyết tâm cao và nỗ lực vượt khó, đến nay huyện Thanh Trì đã hoàn thành chuyển đổi mô hình quản lý, kinh doanh và khai thác chợ. Sau chuyển đổi, hầu hết các chợ hoạt động ổn định, tạo ra trên 3.000 điểm kinh doanh, đáp ứng nhu cầu mua bán, trao đổi hàng hóa của nhân dân, điển hình là các chợ: Quang, Triều Khúc, Đại Áng, Cầu Bươu, Ngọc Hồi...

Tuy nhiên, việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn huyện Thanh Trì còn một số tồn tại cần khắc phục. Cụ thể, hoạt động của một số chợ chưa đạt hiệu quả cao, số hộ vào kinh doanh tại chợ ít, có chợ hoàn thành đầu tư nhưng chưa hoạt động (chợ Vĩnh Ninh, xã Vĩnh Quỳnh); công tác vệ sinh môi trường, phòng, chống cháy nổ ở một số chợ chưa thực hiện nghiêm, còn tình trạng tiểu thương tự ý căng bạt, ô, vi phạm quy định về phòng, chống cháy nổ... Nguyên nhân của tình trạng trên được xác định là các chợ xa khu dân cư, giao thông chưa thuận lợi; một số chợ xây dựng chưa phù hợp với vùng nông thôn, như chợ Liên Ninh xây 3 tầng nhưng đến nay tầng 2 và tầng 3 vẫn hoang vắng; việc giải tỏa chợ “cóc” ở một số xã chưa thực hiện thường xuyên, triệt để, người dân vẫn bán hàng trên vỉa hè, lòng đường...

Trên cơ sở xác định rõ nguyên nhân, UBND huyện Thanh Trì đã tìm giải pháp cụ thể cho từng trường hợp. Bà Nguyễn Thị Thu Hà cho biết, đối với chợ Liên Ninh, do tiểu thương không có nhu cầu sử dụng tầng 2 và 3 kinh doanh nên UBND huyện đã chỉ đạo chủ đầu tư lập lại phương án kinh doanh theo hướng bổ sung dịch vụ phụ trợ như làm nhà kho, các dịch vụ khác... trình cấp có thẩm quyền phê duyệt. Đối với chợ Vĩnh Ninh, huyện Thanh Trì tiếp tục chỉ đạo xã Vĩnh Quỳnh giải tỏa dứt điểm chợ “cóc” đang họp tại khu vực đình Vĩnh Ninh, đưa các hộ vào chợ kinh doanh, đồng thời bố trí, duy trì lực lượng cắm chốt sau khi giải tỏa, chống tái lấn chiếm. Ngoài ra, UBND huyện chỉ đạo các xã, thị trấn đẩy mạnh tuyên truyền, vận động để từng bước hình thành thói quen kinh doanh, mua bán của người dân đúng nơi quy định; tăng cường kiểm tra, thanh tra đột xuất và định kỳ việc quản lý, kinh doanh chợ, công tác thu, chi tài chính, vệ sinh môi trường, phòng cháy, chữa cháy theo quy định.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực vượt khó

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.