(HNM) - Trong khuôn khổ Hội nghị thường niên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB) năm 2020, diễn ra theo hình thức trực tuyến tại Washington (Mỹ) từ ngày 12 đến 18-10, hai định chế tài chính lớn nhất thế giới tiếp tục tìm cách ứng phó với những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19; đồng thời, hối thúc mọi nỗ lực hỗ trợ các nước nghèo vượt qua khó khăn.
Đây là lần đầu tiên cuộc họp thường niên này diễn ra theo hình thức trực tuyến dù trụ sở IMF và WB đều đặt tại thủ đô của xứ Cờ hoa.
Tại hội nghị, Chủ tịch WB David Malpass nhận định, đại dịch Covid-19 đã cùng lúc đẩy nhiều nền kinh tế vào suy thoái hơn bất kỳ cuộc khủng hoảng nào khác kể từ năm 1870 và có thể dẫn đến những biểu hiện đầu tiên của “một thập kỷ mất mát” - thời kỳ tăng trưởng chậm chạp với sự sụp đổ của nhiều hệ thống y tế, giáo dục và nợ nần chồng chất. Trong khi đó, IMF dự báo, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) toàn cầu sẽ giảm 4,4% trong năm nay cho dù chính phủ các nước đã chi tới hơn 12.000 tỷ USD để hỗ trợ nền kinh tế. Mặc dù, kinh tế thế giới được dự báo sẽ phục hồi và tăng trưởng ở mức 5,2% trong năm 2021 nhưng vẫn sẽ thiệt hại khoảng 28.000 tỷ USD trong vòng 5 năm tới. Trong bối cảnh đó, người dân tại các nước nghèo luôn là những đối tượng chịu ảnh hưởng sâu sắc và lâu dài nhất.
Vì vậy, hội nghị tập trung thảo luận việc duy trì Sáng kiến hoãn thanh toán nợ (DSSI) vốn được xem là liều tăng lực cần thiết dành cho các nền kinh tế thiếu sức đề kháng trước những tác động của đại dịch. Nỗ lực này đã thành công khi lãnh đạo hai định chế tài chính lớn nhất thế giới nhất trí gia hạn DSSI thêm 6 tháng, giúp các nước được giảm nợ có thêm khoảng 6,4 tỷ USD phục vụ các khoản chi về kinh tế, xã hội, y tế nhằm ứng phó với cuộc khủng hoảng hiện nay. Tổng Giám đốc IMF Kristalina Georgieva và Chủ tịch WB D.Malpass cũng hối thúc các chủ nợ và các thể chế cho vay tư nhân nỗ lực hành động để giảm gánh nặng nợ nần cho các quốc gia dễ bị tổn thương.
Tuy nhiên, việc sử dụng hiệu quả các khoản kinh phí từ hoãn nợ đang là thách thức lớn với nhiều quốc gia. Tới nay, mới chỉ có 43 nước trong tổng số 73 quốc gia đủ điều kiện được hưởng khoảng 5 tỷ USD từ DSSI, chưa bằng 50% mức dự kiến. Trong khi đó, dịch bệnh vẫn khiến nợ công và nợ doanh nghiệp tăng vọt trong khi lãi suất cơ bản tụt xuống mức thấp kỷ lục, đặt ra nhiều thách thức trong bài toán chi tiêu của chính phủ các nước. Vì vậy, IMF và WB khuyến nghị các chính phủ cần tiếp tục có những biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động bị mất việc làm do ảnh hưởng của đại dịch Covid-19.
Tổng Giám đốc IMF K.Georgieva bày tỏ lạc quan về khả năng kinh tế thế giới sẽ phục hồi khả quan hơn trong nửa cuối năm 2020, nhưng cảnh báo hành trình thoát khủng hoảng còn nhiều khó khăn bởi làn sóng mới của dịch Covid-19 đang diễn ra ở nhiều nước giữa lúc vắc xin phòng bệnh chưa thực sự sẵn sàng. Trước thực tế này, lãnh đạo IMF đề nghị, các nhà hoạch định chính sách xem xét cân đối nguồn thu thông qua việc tăng thuế ở một số lĩnh vực nhằm có đủ ngân sách chi bổ sung cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, dạy nghề và hỗ trợ những người chịu ảnh hưởng của dịch bệnh. Nhằm bảo đảm những nước đang phát triển có thể tiếp cận nhanh chóng với vắc xin ngừa Covid-19 ngay khi có thể, trong khuôn khổ hội nghị, WB đã phê duyệt kế hoạch hỗ trợ 12 tỷ USD cho mục tiêu này.
Trong bối cảnh thế giới gặp rất nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, những biện pháp mà IMF và WB đưa ra được kỳ vọng sẽ mang đến những tác động tích cực nhằm đưa nền kinh tế toàn cầu vượt qua thử thách hiện nay.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.