(HNM) - Biến đổi khí hậu khiến Đồng bằng sông Cửu Long đối diện nhiều thách thức. Làm thế nào để thích ứng với biến đổi khí hậu đang trở thành nhiệm vụ ưu tiên của Chính phủ hiện nay.
Đồng bằng sông Cửu Long là vùng đất rộng lớn chiếm 12% diện tích, 19% dân số cả nước. Với mạng lưới sông, kênh, rạch dày đặc, khu vực này có nhiều lợi thế phát triển nông nghiệp, công nghiệp thực phẩm, du lịch, năng lượng tái tạo. Nhiều năm qua, Đồng bằng sông Cửu Long là trung tâm sản xuất nông nghiệp lớn nhất của Việt Nam: Đóng góp 50% sản lượng lúa, 65% sản lượng nuôi trồng thủy sản; 70% các loại trái cây; 95% lượng gạo xuất khẩu; 60% sản lượng cá xuất khẩu… Tuy nhiên, biến đổi khí hậu khiến vùng kinh tế trọng điểm này đang đứng trước nhiều thách thức.
Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường, từ năm 2010 đến nay, trên địa bàn 13 tỉnh, thành phố khu vực Đồng bằng sông Cửu Long xảy ra 562 điểm sạt lở bờ sông, bờ biển, với tổng chiều dài 786km; trong đó có 40 điểm sạt lở đặc biệt nguy hiểm, uy hiếp trực tiếp đến tính mạng, tài sản của nhân dân, ảnh hưởng nghiêm trọng đến an toàn các công trình phòng, chống thiên tai. Tính bình quân, mỗi năm khu vực này bị mất khoảng 300ha đất ở và sản xuất nông nghiệp… Còn Bộ Tài nguyên và Môi trường cảnh báo đến năm 2100, biến đổi khí hậu có thể khiến mực nước biển tăng thêm 1m. Khi đó, 13 tỉnh, thành phố trong vùng Đồng bằng sông Cửu Long bị ngập sâu, như: Hậu Giang ngập hơn 80% diện tích, Kiên Giang hơn 76%, Cà Mau gần 60%…
Để phát triển kinh tế - xã hội gắn với ứng phó biến đổi khí hậu, hiện nay, các cấp, các ngành, địa phương trong vùng đã lập hơn 2.500 quy hoạch. Tuy nhiên, theo Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng, chất lượng các bản quy hoạch bộc lộ nhiều yếu kém, như: Thiếu tính liên kết và tầm nhìn; không gắn với khả năng cân đối nguồn lực, thiếu tính khả thi… Việc huy động và sử dụng nguồn lực còn bất cập, chưa phân bổ thỏa đáng cho các nhiệm vụ, chương trình dự án cần được ưu tiên, có tác động lan tỏa, phát triển bền vững của vùng. Nhiều địa phương trong vùng chưa nhận thức đầy đủ tầm quan trọng của vấn đề biến đổi khí hậu đối với tương lai của vùng, coi việc đầu tư các dự án biến đổi khí hậu là trách nhiệm của trung ương.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để Đồng bằng sông Cửu Long phát triển bền vững, thích ứng với biến đổi khí hậu, trong quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội cần thực hiện trên các quan điểm: Tôn trọng sự vận hành tự nhiên của hệ sinh thái và chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu; coi nước, đất và đa dạng sinh học là ba trụ cột chính để phân vùng hợp lý; coi kinh tế biển là động lực quan trọng cho sự phát triển của vùng; xác định nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo, làm cơ sở để phát triển các lĩnh vực công nghiệp, chế biến, dịch vụ, du lịch…
Gần đây, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết 120/NQ-CP, trong đó, giao các bộ, ngành, địa phương liên quan lập Quy hoạch tổng thể phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 thích ứng với biến đổi khí hậu theo phương pháp tích hợp đa ngành; rà soát quy hoạch thủy lợi phòng chống thiên tai đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050 phù hợp với bối cảnh mới, bảo đảm giảm nhẹ thiệt hại khi có thiên tai, chủ động ứng phó với kịch bản bất lợi nhất; xây dựng Đề án bảo vệ bờ biển, củng cố, nâng cấp hệ thống đê biển, phòng chống xói lở bờ biển; tập trung đầu tư xử lý ngay những đoạn xói lở, sạt lở bờ sông, bờ biển nghiêm trọng… Thủ tướng cũng chỉ đạo các cấp, các ngành cần khẩn trương nâng cấp và hiện đại hóa hệ thống quan trắc, giám sát, cảnh báo và dự báo về tài nguyên và môi trường; kiểm soát chặt chẽ việc khai thác cát, bảo đảm không làm tăng nguy cơ xói lở bờ sông, bờ biển…
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.