(HNNN) - Chương trình số 04 của Thành ủy Hà Nội khóa XVII đã đi được một nửa chặng đường của nhiệm kỳ 2020 - 2025 với nhiều kết quả tích cực. Các cấp, ngành, địa phương đang tiếp tục nỗ lực để tạo bứt phá, hoàn thành mục tiêu đề ra, xây dựng nông thôn mới ngày càng bền vững, toàn diện. Hà Nội Ngày nay ghi lại một số ý kiến về vấn đề này.

Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội Nguyễn Xuân Đại:
Tạo bứt phá cho xây dựng nông thôn mới

Với số lượng khoảng hơn 4,2 triệu người, diện tích gần 200.000ha (chiếm gần 60% diện tích tự nhiên), nông nghiệp, nông dân, nông thôn có vai trò, vị trí quan trọng trong phát triển kinh tế - xã hội của Hà Nội. Trong nhiệm kỳ 2020 - 2025, thực hiện nghị quyết trung ương, Thành ủy Hà Nội đã ban hành Chương trình số 04. Chương trình được quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo tập trung, quyết liệt của cấp ủy, chính quyền từ thành phố đến cơ sở và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, sự đồng lòng, chung sức của người dân.

Đến nay, nhiều kết quả nổi bật trong thực hiện Chương trình 04 đã làm thay đổi bộ mặt nông thôn của thành phố với 100% số xã đã đạt chuẩn nông thôn mới; trong đó có 111 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 20 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đối với cấp huyện, có 15/18 huyện đạt chuẩn nông thôn mới, trong đó có 4 huyện có cơ sở để hoàn thiện hồ sơ xét đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Việc cơ cấu lại ngành nông nghiệp, phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao đời sống nông dân có những bước tiến vượt bậc, vững chắc.

Phát huy những kết quả đạt được, với vai trò là Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo Chương trình số 04 của Thành ủy, thời gian tới, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tham mưu UBND thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Chương trình hành động của Thành ủy Hà Nội trong thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương về nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045; triển khai xây dựng Đề án xây dựng nông thôn mới thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 và Đề án nông nghiệp đô thị thành phố Hà Nội giai đoạn 2022 - 2026.

Ngành Nông nghiệp cũng hướng dẫn các địa phương xây dựng các mô hình sản xuất ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp kết hợp với du lịch, nông nghiệp theo hướng đô thị... Đẩy mạnh công tác tuyên truyền; đôn đốc các địa phương tổ chức các cuộc thi về bảo vệ môi trường, vệ sinh đường làng, ngõ xóm, đồng ruộng... nhằm tạo bước chuyển về diện mạo khu vực nông thôn theo hướng sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn. Xây dựng các mô hình điển hình về sản xuất nông nghiệp, bảo vệ môi trường, phát huy bản sắc văn hóa các vùng miền; xây dựng, củng cố và phát triển các thiết chế văn hóa, thể thao cơ sở...

Về lâu dài, cần xác định rõ không gian và phạm vi phát triển nông nghiệp; xây dựng các chính sách thúc đẩy phát triển sản xuất nói chung và một số chính sách mang tính đặc thù, đột phá để tạo đà cho nông nghiệp đổi mới; kiến nghị sửa đổi, tháo gỡ đối với các quy định của các luật liên quan, trong đó tập trung hoàn thiện, cụ thể hóa các quy định của Luật Thủ đô để có thể giúp nông nghiệp bứt phá.

Bí thư Huyện ủy Mỹ Đức Nguyễn Anh Dũng:
Người dân vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng lợi

Là huyện xa trung tâm Thủ đô, hạ tầng kinh tế - xã hội còn nhiều khó khăn, sản xuất nông nghiệp là chủ đạo... nên quá trình xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện Mỹ Đức gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đến nay, huyện Mỹ Đức đã có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao. Mỹ Đức đã đạt đủ tiêu chí của huyện nông thôn mới và được Đoàn thẩm định của Thành phố thẩm định hồ sơ, góp ý để hoàn thiện báo cáo trình UBND Thành phố và Chính phủ xét, công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022. Hiện nay, Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố Hà Nội đã phối hợp với huyện Mỹ Đức triển khai lấy ý kiến thể hiện sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới của huyện để hoàn thiện hồ sơ công nhận Mỹ Đức đạt chuẩn nông thôn mới năm 2022.

Để có được kết quả đó, cùng với sự quan tâm, chỉ đạo sát sao và hỗ trợ của thành phố, quá trình triển khai thực hiện Chương trình, huyện đã có rất nhiều nỗ lực, cố gắng. Thực hiện Chương trình số 04 của Thành ủy, đến quý I-2023, huyện Mỹ Đức đã huy động được tổng nguồn lực cho xây dựng nông thôn mới là hơn 4.579 tỷ đồng từ ngân sách thành phố, huyện, xã và vốn ngoài ngân sách.

Đặc biệt, để có thêm nguồn lực đầu tư xây dựng nông thôn mới, huyện Mỹ Đức đã tổ chức phong trào thi đua “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới” giai đoạn 2021 - 2025; UBND huyện đã xây dựng kế hoạch triển khai cuộc thi “Giữ gìn ngõ, phố xanh - sạch - đẹp - an toàn” năm 2023; kế hoạch tổ chức Chương trình truyền thông về bảo vệ môi trường trên địa bàn năm 2023... Các hoạt động này đã góp phần khơi gợi để mỗi người dân tích cực tham gia vào công cuộc xây dựng nông thôn mới, vừa là chủ thể, vừa là đối tượng hưởng lợi của Chương trình. Huyện cũng phát huy vai trò, trách nhiệm của người đứng đầu trong quá trình triển khai tổ chức thực hiện xây dựng nông thôn mới. Sự phối hợp chặt chẽ của các cấp, các ngành với các địa phương đã giúp Mỹ Đức kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình.

Trong năm 2023, Mỹ Đức phấn đấu có thêm 4 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao, 3 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; hoàn thiện báo cáo, hồ sơ, thủ tục về huyện nông thôn mới để trình thành phố và Trung ương xét, công nhận. Huyện cũng phấn đấu đến năm 2025 sẽ có 6 đến 10 xã đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao; 3 đến 5 xã đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu.

Chủ tịch UBND xã Hồng Hà (huyện Đan Phượng) Nguyễn Mạnh Hà:
Giữ vững và nâng cao chất lượng các tiêu chí

Năm 2022, xã Hồng Hà đã hoàn thành xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu trong 2 lĩnh vực: Y tế; Giáo dục và Đào tạo.

Để đạt kết quả trên, ngay sau khi hoàn thành xây dựng nông thôn mới nâng cao (năm 2020), Đảng ủy, UBND xã Hồng Hà đã tiếp tục chỉ đạo thực hiện đồng bộ các giải pháp nhằm giữ vững và nâng cao hơn nữa các tiêu chí. Xây dựng nông thôn mới theo phương châm dựa vào nội lực của cộng đồng dân cư là chính, có sự hỗ trợ từ ngân sách nhà nước, đồng thời khuyến khích các thành phần kinh tế cùng tham gia.

Tính từ năm 2021 đến nay, xã đã huy động được gần 96 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí; trong đó, nguồn lực xã hội hóa do tổ chức, doanh nghiệp và người dân địa phương đóng góp vào khoảng 13,4 tỷ đồng. Bên cạnh đó, nhân dân còn tích cực tham gia chỉnh trang đường làng, ngõ xóm, chăm sóc vườn hoa, cây xanh, cải tạo ao, môi trường, tạo cảnh quan nông thôn sáng - xanh - sạch - đẹp... Với sự vào cuộc tích cực của người dân, diện mạo nông thôn xã Hồng Hà ngày một khang trang, sạch đẹp hơn. Năm 2022, các cụm dân cư trên địa bàn xã đã giành 1 giải đặc biệt, 2 giải nhất (tháng 1 và tháng 5) khi tham gia cuộc thi Giữ gìn thôn, tổ dân phố sáng - xanh - sạch - đẹp - an toàn do UBND huyện tổ chức. Nhờ giữ vững và thường xuyên nâng cao chất lượng các tiêu chí nên năm 2022, khi rà soát, đánh giá lại, Hồng Hà đáp ứng đầy đủ yêu cầu đặt ra đối với xã nông thôn mới nâng cao theo quy định hiện hành.

Đối với xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu, xã Hồng Hà đã chọn 2 lĩnh vực kiểu mẫu là y tế, giáo dục và đào tạo để tập trung đầu tư. Đây là 2 lĩnh vực mà địa phương có nhiều lợi thế bởi thời gian qua, các công trình y tế và trường học đều đã được huyện và xã chăm lo đầu tư cơ sở vật chất đạt chuẩn quốc gia, trong đó, Trường THCS Hồng Hà đã được đầu tư xây dựng mới, đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực tạo bứt phá

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.