(HNM) - Đúng quy định, trước kỳ tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 22 của HĐND TP, UBND TP Hà Nội đã hoàn tất báo cáo trả lời 223 kiến nghị của cử tri tại Kỳ họp thứ 21 diễn ra tháng 7 vừa qua.
Đồng quan điểm về ô nhiễm môi trường
Công nhân Công ty Thoát nước Hà Nội thi công nạo vét, cải tạo môi trường sông Kim Ngưu. Ảnh: Nhật Nam
Trong số 223 phần trả lời kiến nghị cử tri của UBND TP, có 16 phần trả lời kiến nghị chung, 16 phần trả lời ý kiến phản hồi của cử tri với nội dung trả lời của UBND TP đối với kiến nghị cử tri với Kỳ họp thứ 19, còn lại 190 phần trả lời kiến nghị các vấn đề cụ thể tại 29 quận, huyện, thị xã. Ngoài ra, điểm mới là UBND TP cũng đồng thời báo cáo kết quả sau gần 4 tháng thực hiện 12 chất vấn trực tiếp của đại biểu tại Kỳ họp thứ 21 diễn ra giữa tháng 7 vừa qua.
Nội dung dễ nhận thấy nhất trong tài liệu trên là về ô nhiễm môi trường. UBND TP đã dành phần trả lời khá dài đối với những kiến nghị của cử tri về vấn đề này. Ô nhiễm sông, hồ vẫn là mối quan tâm hàng đầu của cử tri TP. Sông Tô Lịch, sông Nhuệ, sông Đáy… đang ô nhiễm nghiêm trọng. Trong phần trả lời về giải pháp giải quyết tình trạng của các con sông này, UBND TP cho biết đã chỉ đạo các sở, ngành triển khai đề án tổng thể bảo vệ môi trường lưu vực sông Nhuệ - sông Đáy đến năm 2020 theo Quyết định 57/2008 đã được Thủ tướng phê duyệt, triển khai dự án "Tiếp nước, cải tạo và khôi phục sông Tích"… Các nội dung công việc, khối lượng công việc triển khai cụ thể cũng được thông tin. Tuy nhiên, phần trả lời có lẽ khó có thể làm thỏa mãn cử tri.
Các cử tri ở khu vực làng nghề cũng nêu nhiều kiến nghị về ô nhiễm môi trường. Trong đó phải kể đến là cử tri huyện Hoài Đức khi phản ánh, việc xử lý ô nhiễm nước thải chế biến nông sản và nước thải của doanh nghiệp trên địa bàn vượt quá năng lực của huyện. Trước đề nghị TP hỗ trợ việc này, UBND TP cho biết đã giao nhiệm vụ cho Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp triển khai 2 dự án đầu tư xây dựng trạm xử lý nước thải tập trung đặt tại 2 xã Dương Liễu và Vân Canh. Cùng ở huyện Hoài Đức, UBND TP cũng phải giải đáp thắc mắc của cử tri xã Dương Liễu về tình trạng ô nhiễm do xưởng sản xuất cồn ở đây gây ra. Liên quan đến vấn đề ô nhiễm môi trường, UBND TP đã trả lời một loạt kiến nghị cử tri các quận, huyện Hai Bà Trưng, Hoàng Mai, Long Biên, Đống Đa, Thanh Oai, Gia Lâm… Trong đó cử tri nhiều nơi phản ánh tình trạng vì nguồn nước ngầm bị ô nhiễm, nên đời sống sinh hoạt, sức khỏe bị tác động xấu. UBND TP cho rằng, đây là vấn đề đang được tập trung giải quyết, trong đó TP đang mở rộng mạng lưới cung cấp nước sạch cho các quận, huyện còn chưa được dùng nước sạch hoặc tỷ lệ được dùng còn thấp.
Tập trung phát triển hạ tầng
Kiến nghị sửa chữa, cải tạo, nâng cấp đường giao thông, hệ thống cấp, thoát nước, hệ thống thủy lợi có mật độ lớn trong bản báo cáo. Qua phần trả lời các kiến nghị này, UBND TP khẳng định, chủ trương của TP trong các năm tới đây là dành ưu tiên cho đầu tư, phát triển hạ tầng trong đó có hạ tầng kỹ thuật như giao thông, điện, nước và hạ tầng xã hội như trường, trạm, nhà văn hóa… Xét về khu vực ưu tiên đầu tư, TP sẽ hướng về khu vực nông thôn, ngoại thành nhiều hơn để giảm sự chênh lệch giữa các khu vực. UBND TP cho biết, hiện nay, đường liên xã đã trải nhựa hoặc bê tông đạt 71%, đường liên thôn bê tông đạt 61%, đường ngõ xóm bê tông hoặc xây gạch đạt 56%.
Trong những năm gần đây, TP dã dành tới 34,42% ngân sách để đầu tư phát triển nông nghiệp, nông thôn, trong đó tỷ lệ đầu tư cho giao thông nông thôn chiếm 24%, thủy lợi là 6,7%. Hiện nay, chính sách phát triển giao thông nông thôn của TP được cụ thể hóa theo đề án xây dựng nông thôn mới đến năm 2020. Theo đó, đến năm 2015, cơ bản hoàn thành cứng hóa đường liên xã, trục xã và trục thôn xóm, hoàn thành 40% đường ngõ xóm và trục chính nội đồng.
Hầu hết cử tri các quận, huyện đều có kiến nghị sửa chữa, cải tạo đường giao thông, các công trình thoát nước như mương, cống. UBND TP đã phân định khá rõ trách nhiệm trong việc sửa chữa, cải tạo các công trình này qua các quyết định phê duyệt chủ trương và giao trách nhiệm làm chủ đầu tư cho các địa phương, đơn vị... Tuy nhiên, nổi lên trong đó là các vấn đề liên quan đến kinh phí và việc triển khai đồng bộ giữa các dự án đơn lẻ với chương trình chung của TP. Chẳng hạn, UBND TP đồng ý giao cho quận Thanh Xuân làm chủ đầu tư nâng cấp 3 tuyến phố (Quan Nhân, Chính Kinh, Nhân Hòa), nhưng để bố trí vốn thực hiện vẫn gặp nhiều khó khăn vì khâu thủ tục chưa hoàn thành.
Ngoài ra, UBND TP cũng đã trả lời cụ thể nhiều kiến nghị liên quan đến việc chậm triển khai các dự án, những vấn đề thắc mắc về sử dụng, quản lý đất đai, nhà ở, vấn đề cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà hay các tranh chấp liên quan đến đất đai, nhà ở.
Bản báo cáo này sẽ được các đại biểu HĐND TP thông báo trực tiếp tới cử tri tại các cuộc tiếp xúc cử tri chuẩn bị cho Kỳ họp thứ 22 (dự kiến tổ chức từ ngày 6 đến 10-12) bắt đầu diễn ra từ ngày 15-11.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.