Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực nâng cao Chỉ số PAPI

Phong Thu| 24/03/2018 06:35

(HNM) - Với nỗ lực cao của TP Hà Nội, nhiều chỉ số đánh giá chất lượng hoạt động của bộ máy chính quyền đã có bước tiến rõ rệt. Năm qua, TP Hà Nội đã triển khai nhiều giải pháp cụ thể, thiết thực nhằm nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh (PAPI).

Quận Tây Hồ trang bị máy tính, niêm yết công khai thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân tìm hiểu thông tin. Ảnh: Viết Thành



Những chuyển biến tích cực

Trước kết quả đáng báo động về Chỉ số PAPI năm 2016 chỉ xếp thứ 58/63 tỉnh, thành phố trong cả nước, ngày 25-7-2017, TP Hà Nội đã ban hành Kế hoạch 177/KH-UBND về cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI của thành phố. Ngay sau đó, nhiều quận đã triển khai Kế hoạch 177/KH-UBND. Trong đó, đề ra những nội dung rất cụ thể như: 100% người dân địa phương được biết, hiểu và nắm vững các quy định pháp luật; 100% quy định hành chính, thủ tục hành chính được niêm yết, công khai, minh bạch, rõ ràng, dễ tiếp cận, tra cứu... tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính (bộ phận “một cửa”); mở lớp bồi dưỡng ở phường với ban thanh tra nhân dân, ban giám sát đầu tư của cộng đồng ít nhất 1 lần/năm…

Nhìn lại kết quả Chỉ số PAPI năm 2016 có thể thấy, ngoài chỉ số “thủ tục hành chính công” của TP Hà Nội có bước tiến tốt thì còn nhiều tiêu chí đạt điểm thấp như “công khai, minh bạch”, “trách nhiệm giải trình”, “kiểm soát tham nhũng”… Trong khi đó, năm 2017 được TP Hà Nội chọn là “Năm kỷ cương hành chính” nên càng thôi thúc các đơn vị triển khai hiệu quả.

Phó Chủ tịch UBND phường, Trưởng bộ phận “một cửa” của phường Trung Liệt (quận Đống Đa) Lê Ngọc Bích cho biết: “Ngoài lịch tiếp dân định kỳ của lãnh đạo phường, chúng tôi luôn sẵn sàng tiếp dân khi họ có nhu cầu. Chính vì thế, toàn bộ số điện thoại của chủ tịch và hai phó chủ tịch UBND phường đều được niêm yết công khai tại bộ phận “một cửa” và tại nhà sinh hoạt cộng đồng các khu dân cư”. Nhiều đơn vị cũng duy trì tốt việc tổ chức hội nghị đối thoại với dân để lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của dân, kịp thời giải quyết các vướng mắc phát sinh.

Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu phát triển kinh tế - xã hội Hà Nội, năm 2017, người dân nhận xét về trách nhiệm giải trình của cơ quan hành chính là: 38% đánh giá tương đối tốt; 13% đánh giá tốt; 49% đánh giá chưa tốt và bình thường. Tương tự, việc công khai, minh bạch về công nhận hộ nghèo, mức đền bù thu hồi đất… cũng được tăng thêm hình thức như cử cán bộ tới tiếp xúc trực tiếp, phát thanh trên hệ thống truyền thanh địa phương... Công tác phòng ngừa tham nhũng của thành phố cũng chuyển biến trên nhiều lĩnh vực. Trong nội bộ các cơ quan, tổ chức, đơn vị, việc công khai hoạt động tài chính, quy chế chi tiêu nội bộ cơ bản đi vào nền nếp.

Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam phường Trung Liệt, Trưởng ban Thanh tra nhân dân phường Hoàng Mạnh Tùng cho biết: “Thời gian qua, chúng tôi được tham gia giám sát nhiều công trình trên địa bàn như: Nhà sinh hoạt cộng đồng tại khu dân cư 12, Dự án cống hóa mương Tây Sơn T5A1... Điều này giúp người dân được giám sát từ đầu đến cuối và các ý kiến đóng góp của Ban Thanh tra nhân dân đều được tiếp thu, mang lại sự tin tưởng cho nhân dân”.

Chỉ số PAPI do Chương trình Phát triển Liên hợp quốc; Trung tâm Nghiên cứu phát triển và hỗ trợ cộng đồng; Trung tâm Bồi dưỡng cán bộ và nghiên cứu khoa học MTTQ Việt Nam thực hiện khảo sát. 6 tiêu chí đánh giá Chỉ số PAPI gồm: Tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch; trách nhiệm giải trình với dân; kiểm soát tham nhũng trong khu vực công; thủ tục hành chính công; cung ứng dịch vụ công.



Triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền

Dù đã có chuyển biến, song nhìn lại việc triển khai Kế hoạch 177/KH-UBND vẫn còn hạn chế. Hầu hết các xã, phường, thị trấn thực hiện chưa đủ, chưa tốt việc xây dựng, lấy ý kiến người dân và công khai kế hoạch sử dụng đất của địa phương... Nguyên nhân được chỉ ra là chính quyền, lãnh đạo các địa phương, đơn vị chưa thực sự quan tâm nghiên cứu về Chỉ số PAPI, nhận thức vấn đề này chưa đầy đủ dẫn tới máy móc trong xây dựng kế hoạch và lúng túng trong triển khai thực hiện. Chỉ 19/30 quận, huyện, thị xã và 13/24 sở, cơ quan tương đương sở xây dựng kế hoạch triển khai, đạt 59,26%. Đặc biệt là chế độ thông tin, báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch 177/KH-UBND ở cả cấp huyện và sở, cơ quan tương đương sở chưa tốt (chỉ 5/54 đơn vị gửi báo cáo cuối năm, đạt 9,25%).

Dự kiến, đầu tháng 4-2018 mới diễn ra lễ công bố Chỉ số PAPI năm 2017, nhưng rút kinh nghiệm về việc triển khai kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI năm 2017 nên tháng 3-2018, thành phố đã ban hành Kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số Hiệu quả quản trị và hành chính công cấp tỉnh của TP Hà Nội năm 2018 (năm 2017 ban hành vào tháng 7). Trong đó, thành phố nêu rõ mục đích, phấn đấu Chỉ số PAPI của Hà Nội năm 2018 xếp trong nhóm trung bình của các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương. Thành phố cũng yêu cầu kế hoạch được triển khai đồng bộ ở các cấp chính quyền, đặc biệt ở 100% các xã, phường, thị trấn.

Quá trình thực hiện có sự kết hợp chặt chẽ với thực hiện nhiệm vụ chuyên môn của sở, ngành và nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Nội dung triển khai, thực hiện kế hoạch cũng sẽ được đưa vào là một trong những tiêu chí xác định Chỉ số Cải cách hành chính cấp huyện năm 2018. Đây cũng là yếu tố để thành phố thực hiện tốt chủ đề năm 2018: “Nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị”.

Để đáp ứng yêu cầu đặt ra, thành phố yêu cầu từng cơ quan, đơn vị cần sớm xây dựng kế hoạch cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI. Trong kế hoạch phải bám sát 6 tiêu chí đánh giá của Chỉ số PAPI để xác định nội dung phù hợp, trên cơ sở đó quyết liệt triển khai, tạo chuyển biến mạnh mẽ và hiệu quả cao trong thực tiễn. 

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực nâng cao Chỉ số PAPI

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.