(HNM) - UBND thành phố Hà Nội đã ban hành Công văn số 2542/UBND-SNV ngày 5-8-2021 về việc tăng cường các giải pháp cải thiện, nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước năm 2021. Dư luận đánh giá, đây là nỗ lực của thành phố nhằm nâng cao chất lượng phục vụ tổ chức, cá nhân trong thực hiện các dịch vụ hành chính công.
Bí thư Quận ủy Thanh Xuân Nguyễn Việt Hà:
Đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính
Để cải thiện chất lượng giải quyết thủ tục hành chính, việc thành phố Hà Nội chỉ đạo tăng cường các giải pháp nâng cao chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước là hết sức cần thiết. Thực hiện chủ trương này của thành phố, cùng với việc khẳng định quan điểm lấy người dân, tổ chức là trung tâm phục vụ, quận đang triển khai nhiều giải pháp duy trì Chỉ số cải cách hành chính; tiếp tục cải thiện và nâng cao Chỉ số hiệu quả quản trị và hành chính công. Trong đó, Quận ủy Thanh Xuân đã và đang chỉ đạo đơn giản hóa, cắt giảm thời gian giải quyết thủ tục hành chính; đồng thời triển khai các giải pháp liên quan đến các nội dung như: Trách nhiệm tham gia của người dân ở cấp cơ sở; công khai, minh bạch trong hoạch định chính sách; trách nhiệm giải trình với người dân...
Phó Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức Nguyễn Trung Thuận:
Thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông”
Nhằm tăng cường các giải pháp nâng cao Chỉ số hài lòng của người dân, tổ chức đối với sự phục vụ của các cơ quan nhà nước năm 2021 và các năm tiếp theo, thực hiện Công văn số 2542/UBND-SNV của UBND thành phố Hà Nội, huyện Hoài Đức tiếp tục tập trung chỉ đạo thực hiện tốt cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để không xảy ra tình trạng quá hạn trong giải quyết hồ sơ thủ tục hành chính. Huyện cũng tập trung mở rộng các hình thức thông tin và đầu tư trang thiết bị hiện đại, dễ sử dụng để người dân, tổ chức tiếp cận dịch vụ công của các cơ quan một cách dễ dàng, nhanh chóng. Cùng với đó là tăng cường đối thoại, tạo điều kiện để người dân, doanh nghiệp giám sát hoạt động tiếp nhận, giải quyết thủ tục hành chính của các cơ quan nhà nước.
Phó Chủ tịch UBND huyện Phú Xuyên Nguyễn Mạnh Huy:
Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra
Trên cơ sở mục tiêu của UBND thành phố Hà Nội trong năm 2021, huyện Phú Xuyên tập trung tìm biện pháp tạo thuận lợi, nâng cao sự hài lòng của tổ chức, cá nhân trong giải quyết các thủ tục hành chính, đặc biệt là những việc liên quan tới sinh kế người dân. Huyện đang duy trì hệ thống quản lý chất lượng theo tiêu chuẩn quốc gia TCVN ISO 9001:2015 tại 100% cơ quan, đơn vị của huyện và UBND các xã, thị trấn; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm vi phạm trong quá trình giải quyết thủ tục hành chính, nhất là trong cấp phép xây dựng, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, chứng thực cho người dân. Đồng thời, huyện tiếp tục quan tâm bồi dưỡng kỹ năng văn hóa giao tiếp, ứng xử, phối hợp làm việc nhóm, giải quyết hồ sơ trực tuyến..., để tạo chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương, ý thức, trách nhiệm, chất lượng, hiệu quả công tác của đội ngũ cán bộ.
Bà Nguyễn Thu Huyền, phường Ngọc Lâm, quận Long Biên:
Giúp đội ngũ cán bộ ngày càng tiến bộ
Chỉ số hài lòng là thước đo chính xác đánh giá chất lượng dịch vụ, hiệu quả cải cách hành chính công cũng như tinh thần trách nhiệm, trình độ, đạo đức và thái độ làm việc của đội ngũ cán bộ. Dịch vụ hành chính công là dịch vụ rất quan trọng và thiết yếu đối với mỗi công dân. Vì vậy, việc không ngừng hoàn thiện, đánh giá và nâng cao chỉ số hài lòng của người dân đối với sự phục vụ của cơ quan nhà nước là điều tiên quyết cần phải thực hiện. Việc “đo” và đề cao chỉ số hài lòng của người dân sẽ tạo nên "sức ép vô hình" giúp đội ngũ cán bộ đang làm việc tại các cơ quan, đơn vị ngày càng tiến bộ, thay đổi theo hướng liên tục trau dồi nghề nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng phục vụ và thái độ làm việc để tổ chức, cá nhân hài lòng hơn.
Ông Nguyễn Văn Tín, phường Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng:
Góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô
Việc thực hiện hiệu quả dịch vụ công trực tuyến mang đến nhiều tiện ích cho cả cơ quan quản lý và người dân, như: Tính chính xác cao; giảm chi phí, thời gian đi lại cho việc gửi hồ sơ và nhận kết quả của các tổ chức, cá nhân; hạn chế nạn nhũng nhiễu, quan liêu, phiền hà; nâng cao trách nhiệm của cán bộ, công chức được phân công xử lý công việc. Hiện trên Cổng dịch vụ công quốc gia đã tích hợp rất nhiều dịch vụ công trực tuyến mức độ 4. Tôi tin tưởng, với sự chỉ đạo quyết liệt của UBND thành phố cùng sự vào cuộc nghiêm túc, thực chất của các sở, ngành và chính quyền các địa phương sẽ tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người dân, doanh nghiệp trong giải quyết thủ tục hành chính, qua đó xây dựng môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng, thân thiện, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.