(HNM) - Những thế hệ thứ hai, thứ ba sinh ra và lớn lên tại Nga luôn được các bậc cha mẹ hướng cho học tiếng Việt để nhớ về cội nguồn, hiểu biết truyền thống của đất nước. Một số lớp dạy tiếng Việt tại Nga đã đạt những thành quả nhất định. Tuy nhiên, với số lượng bà con kiều bào đang sinh sống tại xứ sở Bạch dương khá đông (từ 80.000 đến 100.000 người), cần nhiều nỗ lực hơn nữa để thúc đẩy hoạt động ý nghĩa này.
Những lớp học thu hút nhiều học sinh
Ông Đoàn Phan Thường, cán bộ Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại thành phố Ekaterinburg - thủ phủ miền Trung nước Nga chia sẻ, phần lớn các gia đình người Việt có con đến tuổi đi học đều cho đến trường Nga. Với mong muốn duy trì tiếng Việt cho những thành viên trẻ tuổi của cộng đồng, ông Đoàn Phan Thường và các cán bộ tại Tổng Lãnh sự quán đã cùng bà con mở một lớp dạy tiếng Việt trên vùng núi Ural này.
Năm 2018, lớp học mang tên "Quê hương" đã chính thức ra đời. Ngay trong những tháng đầu, lớp đã thu hút gần 30 em ở nhiều lứa tuổi tham gia. Chương trình học được giảng dạy theo giáo trình do Ủy ban Nhà nước về Người Việt Nam ở nước ngoài (Bộ Ngoại giao) cung cấp. Đến nay, sau 2 năm, khả năng đọc, viết và hiểu tiếng Việt của các em đã tốt hơn rất nhiều.
Trong khi đó, tại thành phố Kazan, hai lớp dạy tiếng Việt cho con em trong cộng đồng với khoảng 15 cháu mỗi lớp đã được duy trì 3 năm nay. Hai lớp đang ngày càng được nâng cao chất lượng, tạo sự thích thú, thu hút nhiều học sinh theo học.
Chủ tịch Hội Người Việt tại Kazan Đàm Danh Lam cho biết, cộng đồng người Việt ở các thành phố của Nga đều có nhu cầu học tiếng Việt nhưng để tổ chức được lớp học không dễ.
Không phải là lớp học tiếng Việt chính thức nhưng Trung tâm Mầm non Thần đồng Á - Âu tại Tổ hợp đa chức năng Hà Nội - Mátxcơva được coi là địa điểm dạy tiếng Việt lớn nhất ở thủ đô Mátxcơva. Được thành lập từ năm 2015, trung tâm nhận dạy trẻ từ 12 tháng đến 6-7 tuổi. Dù quy mô không lớn, nhưng đến nay, trung tâm đã có hàng chục học sinh mầm non “tốt nghiệp" để bước vào tiểu học.
Thúc đẩy phong trào học tiếng Việt
Những nỗ lực của các bậc cha mẹ, cộng đồng cũng như từng học sinh trong việc học tiếng Việt đều hướng đến đích chung là các thế hệ trẻ người Việt ở nhiều thành phố của nước Nga thành thạo tiếng mẹ đẻ, hiểu biết, trân trọng giá trị lịch sử, truyền thống văn hóa của dân tộc. Tuy nhiên, theo thống kê, hiện trên toàn lãnh thổ Nga, chỉ ở hai thành phố Ekaterinburg và Kazan mới có lớp dạy tiếng Việt chính thức dành cho con em kiều bào.
Anh Nguyễn Ngọc Cương, Phó Chủ tịch Hội đồng hương Hải Phòng ở Mátxcơva cho biết, vì đi học tại các trường Nga, chủ yếu sử dụng tiếng bản xứ và không thường xuyên sử dụng tiếng Việt nên con em người Việt rất dễ quên tiếng mẹ đẻ. Trong khi đó, Chủ tịch Hội Người Việt tại Kazan Đàm Danh Lam cho rằng, dạy tiếng Việt ở Nga không dễ, đặc biệt là cần sự chuyên nghiệp của giáo viên. Nhân sự tại chỗ thì thiếu thốn trong khi nguồn quỹ của cộng đồng lại hạn chế nên rất khó chi trả cho việc đưa giáo viên từ Việt Nam sang. Do vậy, nếu nhận được sự hỗ trợ từ trong nước về nâng cao trình độ chuyên môn cho đội ngũ giáo viên dạy tiếng Việt, trang thiết bị, dụng cụ dạy học… thì phong trào học tiếng Việt sẽ phát triển sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam ở nơi đây.
Chia sẻ kinh nghiệm tổ chức lớp dạy tiếng Việt, theo ông Ngô Phương Nghị, Tổng Lãnh sự Việt Nam tại Ekaterinburg, cơ quan đại diện ngoại giao phải quan tâm hơn đến công tác này trên địa bàn thông qua hỗ trợ thường xuyên về thông tin, động viên, tìm cách tháo gỡ khó khăn về tài chính, cơ sở vật chất.
Đại sứ Việt Nam tại Nga Ngô Đức Mạnh cho rằng, để việc học tiếng Việt trở thành phong trào sâu rộng trong cộng đồng người Việt Nam tại Nga cần áp dụng đồng bộ 4 giải pháp. Cụ thể là nâng cao nhận thức của phụ huynh và giới trẻ về tầm quan trọng, lợi ích của việc học tiếng Việt; khảo sát nhu cầu học tiếng Việt ở từng tỉnh, thành phố; Đại sứ quán có trách nhiệm liên hệ với các cơ quan chức năng ở trong nước để nhận những tài liệu liên quan, các chương trình giảng dạy tiếng Việt cho người Việt ở nước ngoài; kêu gọi các hội đoàn và Mạnh Thường Quân tham gia vào việc thúc đẩy phong trào học tiếng Việt.
"Đến nay, nhiều bên liên quan đã vào cuộc để hỗ trợ trẻ em Việt Nam tại Nga thành thạo tiếng Việt. Tôi tin rằng, sự nỗ lực của các cơ quan chức năng, sự ủng hộ của các bên liên quan, thế hệ trẻ người Việt Nam sinh ra và lớn lên tại Nga sẽ thành thạo tiếng mẹ đẻ, qua đó trở thành cầu nối vững chắc giúp tăng cường mối quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Liên bang Nga", Đại sứ Ngô Đức Mạnh nhấn mạnh.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.