(HNM) - Bên lề Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao Liên minh châu Âu (EU) vừa diễn ra tại thủ đô Brussels (Bỉ), Ngoại trưởng các nước Anh, Pháp, Đức đã có cuộc hội đàm và các cuộc tiếp xúc song phương với người đồng cấp Mỹ Mike Pompeo...
Các cuộc thảo luận diễn ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng thời gian gần đây đe dọa sự tồn tại của thỏa thuận hạt nhân ký kết năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức), còn được gọi là Kế hoạch hành động chung toàn diện (JCPOA), đồng thời gây lo ngại về xung đột có thể bùng phát giữa Washington và Tehran.
Iran tuyên bố sẽ khởi động lại lò phản ứng nước nặng Arak nếu căng thẳng tiếp tục gia tăng. |
Bất đồng xung quanh JCPOA bị đẩy lên nấc thang căng thẳng mới sau khi Iran chính thức thông báo quyết định đình chỉ thực hiện một số cam kết trong khuôn khổ thỏa thuận. Động thái diễn ra đúng thời điểm tròn 1 năm sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump rút xứ Cờ hoa khỏi văn kiện này và áp đặt trở lại các biện pháp gây sức ép toàn diện về kinh tế, quân sự, ngoại giao đối với Tehran. Trong bức thư gửi tới đại sứ Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và Đức, Tổng thống Iran Hassan Rouhani thúc giục các đối tác trong vòng 60 ngày, phải giảm bớt áp lực với nước Cộng hòa Hồi giáo và thúc đẩy đàm phán các điều khoản của thỏa thuận mới, nếu không nước này sẽ nối lại hoạt động làm giàu uranium và hiện đại hóa lò phản ứng nước nặng Arak. Trong khi đó, việc Washington liên tiếp điều nhiều khí tài quân sự tới Trung Đông trong những ngày gần đây càng khiến châu Âu lo ngại về nguy cơ thỏa thuận đổ vỡ và Mỹ có thể phát động chiến dịch quân sự nhằm tung đòn phủ đầu Iran.
Sự kiện Ngoại trưởng Mỹ M.Pompeo hoãn chuyến đi dự kiến tới Nga vào phút chót để có chuyến thăm “chớp nhoáng” tới Brussels gặp những người đồng cấp châu Âu bàn về Iran cũng cho thấy tính cấp thiết của vấn đề. Người đứng đầu ngành Ngoại giao Mỹ nhấn mạnh sự cần thiết phải chia sẻ với các đồng minh thông tin tình báo về tình hình Iran khi các mối đe dọa từ quốc gia này ngày càng tăng. Trước đó, vào ngày 13-5, nhiều quan chức Mỹ cho rằng Iran có liên quan tới vụ 4 tàu chở dầu bị hư hại trong vụ nổ tại lãnh hải của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE). Tuy nhiên, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Iran Abbas Mousavi đã ngay lập tức bác bỏ cáo buộc và khẳng định đây là thông tin giả để Washington tiến hành một cuộc chiến tranh tâm lý.
Xuyên suốt các cuộc thảo luận, các quan chức ngoại giao châu Âu đều nhấn mạnh sự ủng hộ đối với JCPOA và coi đây là giải pháp tốt nhất trong việc ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ khí hạt nhân tại Trung Đông. Các nhà ngoại giao nhất trí cho rằng, chương trình phát triển tên lửa đạn đạo của Iran là một vấn đề, song điều đó không đồng nghĩa với việc thỏa thuận hạt nhân lịch sử vốn được xem là di sản quan trọng trong chính sách đối ngoại của Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Barack Obama sẽ bị loại bỏ. Giới chức ngoại giao châu Âu kêu gọi Washington “kiềm chế tối đa”, tránh bất kỳ sự leo thang nào về quân sự trong cuộc đối đầu với Tehran.
Ngoại trưởng Anh Jeremy Hunt lo ngại, căng thẳng hiện nay giữa Mỹ và Iran có thể vô tình làm bùng phát xung đột tại khu vực vốn đã là điểm nóng của thế giới, với kịch bản tồi tệ là Tehran tự rút khỏi JCPOA. Các chuyên gia nhận định, đối thoại hiện vẫn là biện pháp tốt nhất để giải quyết sự khác biệt của các bên trong nỗ lực cứu vãn thỏa thuận, tránh đẩy quốc gia này quay lại con đường theo đuổi vũ khí nguyên tử. Trong đó, các nước châu Âu tham gia thỏa thuận cần duy trì cam kết, sự đoàn kết và thống nhất để đi tới một giải pháp hiệu quả, đồng thời đóng vai trò tích cực trong việc kêu gọi Mỹ không có những động thái làm gia tăng xung đột.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.