(HNM) - Cùng với Hoài Đức và Thanh Trì đang được Hội đồng thẩm định trung ương hoàn thiện hồ sơ trình Chính phủ xét công nhận huyện đạt chuẩn nông thôn mới, nhiều địa phương khác của Hà Nội cũng đang nỗ lực để
Hoài Đức là một trong hai huyện đã được trình Chính phủ xét công nhận nông thôn mới. Trong ảnh: Một góc làng quê Lại Yên (huyện Hoài Đức). Ảnh: Bá Hoạt |
Tập trung hoàn thành các tiêu chí
Huyện Phúc Thọ hiện có 20/22 xã được công nhận đạt chuẩn nông thôn mới. Huyện phấn đấu 2 xã còn lại là Thượng Cốc và Xuân Phú hoàn thành xây dựng nông thôn mới trong năm 2017 để đạt điều kiện xét công nhận huyện nông thôn mới. Và đến tháng 6-2017, 2 xã cơ bản hoàn thành 19/19 tiêu chí nông thôn mới.
Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú cho biết: Đạt được kết quả trên, huyện đã xây dựng kế hoạch từ sớm, chỉ đạo các xã đẩy mạnh triển khai bài bản, đồng bộ, hiệu quả. Ban Thường vụ Huyện ủy thường xuyên làm việc với các ngành, xã để nghe báo cáo tiến độ; huyện thành lập các tổ công tác theo dõi, nắm tình hình, tháo gỡ khó khăn cho cơ sở. Đặc biệt, để xây dựng tiêu chí nông thôn mới bền vững, trong tháng 6-2017, huyện phát động phong trào “ba sạch” (môi trường sạch, nông nghiệp sạch, nước sạch), phấn đấu đến năm 2020, 100% dân cư nông thôn được sử dụng nước sạch; mỗi năm tăng thêm 50ha rau an toàn; mỗi xã, thị trấn cải tạo, nạo vét ao hồ, trồng thêm vườn hoa trong mỗi năm...
Không riêng Phúc Thọ, các huyện: Gia Lâm, Thạch Thất và Quốc Oai cũng đặt mục tiêu trong năm 2017 hoàn thành xây dựng nông thôn mới ở 100% số xã. Qua kiểm tra tiến độ nông thôn mới của Tổ công tác giúp việc Ban Chỉ đạo Chương trình 02-CTr/TU về “Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, nâng cao đời sống nông dân giai đoạn 2016 - 2020” của Thành ủy Hà Nội (Chương trình 02) ở các huyện, thị xã mới đây, cho thấy sự quyết tâm của các địa phương trong triển khai từng phần việc xây dựng nông thôn mới.
Tại huyện Gia Lâm, 3 xã còn lại đăng ký xây dựng nông thôn mới đã đạt từ 16 đến 17 tiêu chí và đang tiếp tục hoàn thành các tiêu chí còn lại. Đối với tiêu chí huyện nông thôn mới, Gia Lâm đã có 7/9 tiêu chí đạt; 2 tiêu chí chưa đạt là thủy lợi và môi trường đang được huyện đề ra nhiều giải pháp tích cực để nỗ lực thực hiện...
Tăng cường hỗ trợ các địa phương
Theo Phó Chánh văn phòng Thường trực Văn phòng Điều phối nông thôn mới Hà Nội Lê Thiết Cương, theo quy định tại Quyết định số 558/QĐ-TTg về việc ban hành Tiêu chí huyện nông thôn mới và Quy định thị xã, thành phố trực thuộc cấp tỉnh hoàn thành nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới, của Thủ tướng Chính phủ ban hành ngày 5-4-2016, huyện nông thôn mới phải có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới và đáp ứng 9 tiêu chí khác là: Quy hoạch; giao thông; thủy lợi; điện; y tế - văn hóa - giáo dục; sản xuất; môi trường; an ninh, trật tự xã hội và chỉ đạo xây dựng nông thôn mới. Hiện nay, một số huyện phấn đấu đến hết năm 2017, có 100% số xã đạt chuẩn nông thôn mới, đây là cơ sở quan trọng để các huyện đạt chuẩn nông thôn mới trong thời gian tới.
Tuy đạt kết quả khả quan, nhưng chặng đường để trở thành huyện nông thôn mới ở các địa phương vẫn phải đối mặt nhiều khó khăn. Theo hướng dẫn thực hiện tiêu chí huyện đạt chuẩn nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020 tại Thông tư 35/2016/TT-BNN&PTNT của Bộ NN&PTNT ban hành ngày 26-12-2016, tiêu chí y tế, văn hóa, giáo dục không dễ thực hiện. Cụ thể, chỉ tiêu giáo dục yêu cầu phải có từ 60% trở lên số trường trung học phổ thông trên địa bàn huyện đạt chuẩn quốc gia nhưng hiện các trường đạt chuẩn trên địa bàn thành phố còn rất thấp.
"Huyện Phúc Thọ mới có 1/3 trường đạt chuẩn. Trường trung học phổ thông do Sở Giáo dục và Đào tạo quản lý và không thuộc thẩm quyền đầu tư của huyện. Do vậy, nếu không được thành phố "giúp sức" thì tiêu chí này khó đạt" - Bí thư Huyện ủy Phúc Thọ Hoàng Mạnh Phú băn khoăn...
Đối với tiêu chí sản xuất, quy định yêu cầu huyện nông thôn mới phải có vùng sản xuất nông nghiệp hàng hóa tập trung; có các sản phẩm nông nghiệp chủ lực của huyện hoặc mô hình liên kết sản xuất gắn với chế biến, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp và thực hiện tiêu thụ ít nhất 10% sản lượng nông sản chủ lực của huyện theo quy hoạch, cũng đặt ra cho các địa phương không ít khó khăn. Vì thực tế, nền sản xuất nông nghiệp của Hà Nội còn manh mún, việc liên kết trong sản xuất và tiêu thụ còn hạn chế...
"Môi trường cũng là tiêu chí có yêu cầu cao, bởi vậy, bên cạnh phát triển kinh tế - xã hội, tiêu chí môi trường cần được các huyện quan tâm thường xuyên hơn" - ông Lê Thiết Cương nhận định.
Tại Hội nghị giao ban quý II-2017 của Ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy Hà Nội vừa diễn ra, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, Trưởng ban Chỉ đạo Chương trình 02 của Thành ủy khẳng định: Mặc dù trong bối cảnh ngân sách còn nhiều khó khăn nhưng thành phố vẫn ưu tiên nguồn lực cho chương trình xây dựng nông thôn mới, không cắt giảm đầu tư trong lĩnh vực này. Đồng chí Ngô Thị Thanh Hằng yêu cầu các sở, ngành tập trung hỗ trợ để trong năm 2017, ít nhất Hà Nội có thêm 2 huyện là Phúc Thọ và Gia Lâm đạt đủ các tiêu chí huyện nông thôn mới.
Mới đây, UBND TP Hà Nội cũng đã ban hành Công văn số 6368/VP-KT về giao dự toán bổ sung từ nguồn ngân sách trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới năm 2017. UBND thành phố giao Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với các sở: Kế hoạch và Đầu tư, NN&PTNT cùng các đơn vị liên quan thực hiện; đồng thời tham mưu, đề xuất báo cáo UBND thành phố theo quy định.
Những chỉ đạo sát sao, cụ thể và kịp thời của thành phố sẽ là điều kiện tiên quyết cho các địa phương sớm cán đích nông thôn mới theo kế hoạch đã đề ra.
TP Hà Nội đặt mục tiêu duy trì và nâng cao chất lượng các tiêu chí ở các xã đã đạt chuẩn nông thôn mới, nhất là các tiêu chí về y tế, giáo dục, văn hóa, môi trường và thu nhập; phấn đấu đến năm 2020, thành phố có 80% số xã trở lên và 10 huyện, thị xã trở lên đạt chuẩn nông thôn mới. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.