Theo dõi Báo Hànộimới trên

Nỗ lực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

Xuân lộc| 23/01/2020 07:11

(HNM) - Tình hình an toàn thực phẩm ngày càng có diễn biến phức tạp, đòi hỏi sự quản lý chặt chẽ từ thành phố đến cơ sở. Chính vì vậy, trong năm 2019, việc Hà Nội mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm đến 100% quận, huyện, thị xã, xã, phường, thị trấn đã giúp tăng cường hiệu lực, hiệu quả giám sát, quản lý, thanh tra ngay tại địa phương, góp phần ngăn chặn thực phẩm “bẩn” lưu thông trên thị trường, nhất là trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân 2020.

Kiểm tra cơ sở sản xuất bánh kẹo trên địa bàn huyện Mỹ Đức.

Từ những thành công bước đầu… 

Công tác thanh tra, kiểm tra là một trong bốn nội dung trọng tâm của kế hoạch tổ chức triển khai bảo đảm an toàn thực phẩm hằng năm của thành phố Hà Nội. Tuy nhiên, lực lượng thanh tra an toàn thực phẩm cả nước cũng như ở Hà Nội hiện nay quá mỏng, chưa đáp ứng được yêu cầu thực tế, nhất là ở tuyến xã, phường, thị trấn. Chính vì vậy, từ năm 2016, Hà Nội đã triển khai thí điểm thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 5 quận, huyện và 10 phường, xã, thị trấn. Đến tháng 7-2019, Hà Nội tiếp tục nhân rộng mô hình này trên toàn thành phố.

Ông Trần Ngọc Tụ, Chi cục trưởng Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội chia sẻ, việc thí điểm và mở rộng thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm tại 30 quận, huyện, thị xã và 584 xã, phường, thị trấn đã góp phần nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về lĩnh vực này của chính quyền địa phương, bước đầu tạo niềm tin cho người tiêu dùng trên địa bàn. Đặc biệt, trong dịp Tết Nguyên đán, lễ hội Xuân 2020, các quận, huyện, thị xã không chỉ ra quân thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thực phẩm tiêu thụ nhiều trong dịp Tết, mà còn đẩy mạnh tuyên truyền cho người dân cách chọn mua, chế biến, bảo quản và tiêu dùng thực phẩm an toàn.

Là địa bàn tập trung nhiều cơ sở kinh doanh thực phẩm, sau khi triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm, quận Nam Từ Liêm đã xây dựng kế hoạch thực hiện chuyên đề thanh tra cụ thể theo từng tháng tại các phường. Chẳng hạn như trong tháng 8-2019, quận triển khai chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm bếp ăn tập thể, tháng 10-2019 tập trung chuyên đề thức ăn đường phố, các quán lẩu nướng vỉa hè, đến tháng 12-2019 và tháng 1-2020 tập trung chuyên đề bảo đảm an toàn thực phẩm Tết Nguyên đán 2020. Theo Phó Trưởng phòng Y tế quận Nam Từ Liêm Nguyễn Thị Xuân Thu, khi quận tổ chức thanh tra đều có sự tham gia của cán bộ thanh tra cấp phường và khi thanh tra cấp phường triển khai có sự tham gia của cán bộ quận với mục đích “cầm tay chỉ việc”. Nhờ đó, hiệu quả công tác thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm được nâng lên, số cơ sở vi phạm bị phạt tiền tăng gấp 5-7 lần so với trước kia, giảm tình trạng “nể nang tình làng, nghĩa xóm”.

Với hơn 1.600 cơ sở kinh doanh thực phẩm, trong dịp Tết Nguyên đán 2020, quận Tây Hồ đã tập trung giám sát chất lượng các loại thực phẩm đóng gói sẵn, phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, nước uống đóng chai, nước khoáng thiên nhiên… Trưởng phòng Y tế quận Tây Hồ Nguyễn Minh Hải cho biết, trong quá trình thanh tra cấp cơ sở, quận đã triển khai một số xét nghiệm nhanh chất lượng thực phẩm như: Xét nghiệm về tinh bột, thực phẩm sống, thực phẩm chín, một số gia vị, phụ gia thực phẩm... Còn đối với các xét nghiệm chuyên sâu, Sở Y tế Hà Nội, Chi cục An toàn, vệ sinh thực phẩm Hà Nội có xe xét nghiệm cơ động chuyên về an toàn thực phẩm hỗ trợ quận để xét nghiệm và khi phát hiện vi phạm sẽ xử lý tại chỗ. Trong quá trình thanh tra, chúng tôi cũng tổ chức các đợt tuyên truyền, phổ biến cách nhận biết thực phẩm sạch, thực phẩm không bảo đảm an toàn thực phẩm để người tiêu dùng biết và lựa chọn.

Đoàn kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm thành phố đang test nhanh mẫu bát tại một nhà hàng trên địa bàn thành phố Hà Nội.

 … đến việc khắc phục khó khăn, bất cập 

Công tác thanh tra, kiểm tra an toàn thực phẩm được tăng cường từ cấp trung ương đến cơ sở trong dịp Tết, lễ hội Xuân 2020 với hàng nghìn đoàn thanh tra, nên dễ xảy ra tình trạng một doanh nghiệp phải tiếp nhiều đoàn thanh tra khác nhau. 

Trước mối lo ngại này, bà Hà Thu Hương, Thanh tra Sở Y tế Hà Nội cho biết, nếu một doanh nghiệp, cơ sở đã tiếp đón đoàn thanh tra của thành phố hoặc của sở, ngành rồi, nhưng lại có đoàn thanh tra của sở, ngành khác hoặc cấp quận, huyện, phường, xã… vào thanh tra, thì cơ sở đó có quyền báo cáo nội dung đã được thanh tra trước đó. Nếu trùng lặp về nội dung kiểm tra, đoàn thanh tra sau sẽ dừng lại và sử dụng kết luận thanh tra trước đó. Điều này sẽ tránh được sự chồng chéo, lạm quyền trong quá trình triển khai thanh tra chuyên ngành an toàn thực phẩm của chính quyền địa phương.

Theo ông Trần Văn Chung, Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, thành viên Ban Chỉ đạo công tác an toàn thực phẩm thành phố, để công tác bảo đảm an toàn thực phẩm phát huy hiệu quả, trong năm 2020, Sở Y tế Hà Nội tiếp tục tổ chức các lớp đào tạo chứng chỉ thanh tra, xét nghiệm về an toàn thực phẩm và các lớp bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ công tác thanh tra. Sở cũng đẩy mạnh phát triển hệ thống phát hiện, điều tra, giám sát phòng, chống ngộ độc thực phẩm và các bệnh truyền qua thực phẩm từ thành phố tới xã, phường, thị trấn. Ngoài ra, Sở sẽ khuyến khích các trung tâm thương mại, siêu thị, cửa hàng kinh doanh thực phẩm... ưu tiên nhập và kinh doanh các mặt hàng thực phẩm có mã số, mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc và có nhân viên hướng dẫn cho người tiêu dùng cách truy xuất nguồn gốc thực phẩm qua điện thoại thông minh.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Nỗ lực bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.