(HNM) - Lần đầu sau nhiều năm, Hà Nội đã có tỷ lệ giải ngân vốn XDCB từ ngân sách cao hơn bình quân chung cả nước.
Xã hội hóa để thu hút mọi nguồn lực
Giám đốc Kho bạc Nhà nước TP Hà Nội Đào Thái Phúc cho biết, các dự án nguồn vốn ngân sách phân cấp cho địa phương thường có tỷ lệ giải ngân XDCB rất thấp. Tuy nhiên, tính đến cuối tháng 12-2014, tỷ lệ giải ngân của nhóm này đã đạt 80-82%, cao hơn trung bình những năm trước khá nhiều. Mặc dù vậy, ông Đào Thái Phúc cũng thống kê nhiều đơn vị, địa phương có tỷ lệ giải ngân chưa đạt yêu cầu như các sở: Tài nguyên và Môi trường, Thông tin - Truyền thông, các quận Nam - Bắc Từ Liêm, Thanh Xuân, Hoàng Mai, Long Biên… "Thậm chí, có đơn vị, nguồn vốn, tỷ lệ giải ngân dưới 50%. Thời điểm cuối năm rồi mà tỷ lệ như vậy khó đạt được kế hoạch" - ông Đào Thái Phúc nói.
Đẩy mạnh xã hội hóa là một trong những biện pháp giải quyết hệ lụy phát sinh từ nợ đọng vốn xây dựng cơ bản. Ảnh: Huy Hùng |
Lý giải nguyên nhân còn một số địa phương có tỷ lệ giải ngân thấp, đặc biệt là với nguồn vốn hỗ trợ, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Gia Phương nêu, việc đầu tư của không ít địa phương dàn trải nên số lượng dự án nhiều nhưng khối lượng thực hiện, tỷ lệ giải ngân không cao. Cùng với đó, công tác giải phóng mặt bằng chậm, cản trở tiến độ thực hiện dự án hoặc khó khăn về nguồn lực dẫn đến dự án dở dang, thậm chí là những dự án trọng điểm, dân sinh bức xúc như nghĩa trang, môi trường, nước sạch cũng không có nguồn để bố trí. Về chủ quan, ban quản lý dự án có năng lực thấp, không ít dự án có khối lượng hoàn thành nhưng chưa giải ngân do vướng thủ tục hay phải chờ phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu, chậm nhất đến ngày 31-1-2015, hệ thống kho bạc sẽ "khóa sổ" giải ngân XDCB. Vì vậy, các đơn vị, địa phương tập trung trong những ngày còn lại giải quyết các vướng mắc thủ tục thanh toán, nghiệm thu, điều chỉnh tổng mức đầu tư, dự toán… Đơn vị nào chậm trễ, lãnh đạo đơn vị đó chịu trách nhiệm trước thành phố. Cũng theo Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu, quý I-2015, thành phố dự kiến phát hành trái phiếu xây dựng Thủ đô để bổ sung nguồn vốn ngân sách. Tuy nhiên, các đơn vị, địa phương lưu ý kế hoạch phân bổ vốn XDCB ngân sách ưu tiên cho dự án trọng điểm, công trình hạ tầng khung, môi trường… Vì vậy, cần đẩy mạnh xã hội hóa nhằm thu hút mọi nguồn lực. Ngân sách chưa bố trí được thì tính toán tập trung cho 1-2 dự án, còn lại kêu gọi xã hội hóa. Hà Nội tới đây sẽ có nhiều cơ chế, chính sách mới thu hút các nguồn lực cùng tham gia đầu tư - Phó Chủ tịch Nguyễn Văn Sửu nhấn mạnh.
Giải quyết dứt điểm nợ
Liên quan đến xử lý nợ đọng XDCB, UBND TP Hà Nội đã yêu cầu Chủ tịch UBND các quận, huyện, thị xã tập trung chỉ đạo quyết liệt, có kế hoạch triển khai và bố trí vốn năm 2015 để xử lý dứt điểm nợ XDCB trong năm 2015 và tuyệt đối không phát sinh nợ XDCB mới. Nguồn vốn trả nợ XDCB được lấy từ nguồn vốn XDCB của thành phố phân cho các quận, huyện, thị xã năm 2015; nguồn đấu giá quyền sử dụng đất trên địa bàn; nguồn kết dư ngân sách, thưởng vượt thu và nguồn huy động khác ngoài ngân sách của quận, huyện, thị xã. Sau khi giao kế hoạch vốn năm 2015, các quận, huyện, thị xã phải báo cáo phương án xử lý nợ, gửi về các Sở Kế hoạch - Đầu tư, Tài chính trước ngày 10-1-2015, để các sở tổng hợp báo cáo UBND thành phố.
Xử lý nợ đọng XDCB là một nhiệm vụ trọng tâm của thành phố với tinh thần chỉ đạo quyết liệt, nghiêm túc, khẩn trương, bảo đảm tiến độ. Năm 2014, trên cơ sở số liệu của Thanh tra thành phố, Hà Nội đã bố trí hơn 3.255 tỷ đồng trả nợ XDCB. Trong đó, bố trí từ đầu năm 2014 là 2.136 tỷ đồng, bố trí bổ sung 1.118 tỷ đồng; một số dự án dân sinh được ứng trước vốn năm 2015. Theo Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư Nguyễn Gia Phương, ngoài việc đẩy nhanh nghiệm thu khối lượng thực hiện và giải ngân kế hoạch XDCB, Sở đã đề xuất thành phố trường hợp không giải ngân được sẽ có phương án điều hòa, xem xét bố trí vốn cho dự án có khối lượng nợ XDCB. Như vậy, vừa giảm được số dự án không giải ngân, vừa xử lý dự án còn nợ đọng.
Trước đó, theo thống kê của Sở Kế hoạch - Đầu tư, đã có 15 đơn vị cấp huyện, xã xây dựng phương án trả hết nợ XDCB trong năm 2015; còn 3 đơn vị có phương án chưa trả hết nợ trong năm 2015 (huyện Phúc Thọ còn 68,5 tỷ đồng thuộc ngân sách huyện, Sóc Sơn còn 27,3 tỷ đồng thuộc trách nhiệm ngân sách xã và Ba Vì còn 20,9 tỷ đồng thuộc trách nhiệm ngân sách xã). Ngay lập tức, UBND thành phố đã có văn bản yêu cầu lãnh đạo 3 địa phương phải chịu trách nhiệm toàn diện trước HĐND, UBND thành phố và xây dựng phương án xử lý hết nợ.
Riêng các dự án nguồn vốn ngân sách cấp thành phố, khối lượng thực hiện bằng 10.139 tỷ đồng, bằng 110% kế hoạch, giá trị giải ngân đạt 9.501 tỷ đồng, bằng 103% kế hoạch. Trong đó, các công trình trọng điểm, nếu tính cả vốn ODA, có giá trị giải ngân hơn 6.200 tỷ đồng, bằng 113% kế hoạch. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.