(HNM) - 22.500 tỷ đồng là tổng số tiền nợ thuế mà Cục Thuế TP Hà Nội phải thu hồi trong năm 2016. Thế nhưng, danh sách doanh nghiệp (DN) chây ỳ nợ thuế trên địa bàn Hà Nội vẫn liên tục được nối dài khiến áp lực thu hồi nợ đọng vẫn chưa
Cán bộ Chi cục Thuế Hà Đông hướng dẫn doanh nghiệp kê khai thuế.Ảnh: Bá Hoạt |
Áp lực nợ thuế gia tăng
Báo cáo mới nhất của Cục Thuế TP Hà Nội cho thấy, tổng số nợ thuế mà Cục Thuế TP Hà Nội đã thu hồi trong những tháng đầu năm là 8.481 tỷ đồng/22.500 tỷ đồng tiền nợ thuế phải thu hồi trên địa bàn Hà Nội. Trong đó, sau 9 đợt công khai danh sách DN nợ thuế năm 2016, đã có 629/1.268 DN nộp 332,793 tỷ đồng/2.250 tỷ đồng tiền nợ thuế vào ngân sách nhà nước (NSNN). Mới nhất, 145 đơn vị nợ thuế, phí và tiền thuê đất (đợt 10 - năm 2016) lại nối dài danh sách DN nợ đọng thuế trên địa bàn Hà Nội, với tổng số tiền nợ gần 150,5 tỷ đồng. Trong đó, không ít đơn vị nợ thuế lớn, từ 9 tỷ tới 20 tỷ đồng.
Theo nhận định của Cục Thuế TP Hà Nội, mặc dù nền kinh tế đã có dấu hiệu hồi phục, song hoạt động sản xuất, kinh doanh của cộng đồng DN vẫn gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng trực tiếp tới công tác thu NSNN. Chia sẻ về nguyên nhân nợ thuế, ông Vũ Hiếu Trung, giám đốc một DN kinh doanh vật liệu xây dựng tại quận Thanh Xuân cho biết, nền kinh tế chưa thực sự phục hồi khiến DN khá chật vật. Có những thời điểm, DN rất khó khăn về nguồn vốn, về tiêu thụ hàng hóa, dẫn tới chậm nộp tiền thuế vào NSNN. Song, với những DN làm ăn chân chính, việc thi hành nghiêm pháp luật thuế chính là “thước đo” để khẳng định uy tín trên thương trường. Vì vậy, DN luôn cố gắng cân đối tài chính để nộp thuế đúng thời hạn.
Thực tế, bên cạnh những DN thực sự khó khăn trong kinh doanh, vẫn có một bộ phận người nộp thuế không chấp hành nghiêm túc quy định pháp luật thuế, tìm cách trốn tránh nghĩa vụ thuế, chây ỳ khoản tiền thuế phải nộp vào NSNN. Thực trạng này đã gây khó khăn cho việc thu hồi nợ đọng của cơ quan Thuế. Mặc dù áp dụng nhiều biện pháp thu hồi nợ thuế, kể cả việc công khai tên DN nợ thuế, song số nợ do Cục Thuế TP Hà Nội đã thu hồi sau 9 đợt công khai 1.268 DN chỉ đạt hơn 10%.
Lý giải vấn đề này, ông Mai Sơn, Phó Cục trưởng Cục Thuế TP Hà Nội cho biết, ngoài một bộ phận DN chây ỳ, không nộp, cũng có một số khoản nợ thuế của các DN đã giải thể, phá sản... và không có khả năng thu hồi. Chính những khoản thuế nợ tồn đọng qua nhiều năm, kèm theo tiền phạt chậm nộp tăng dần đã góp phần đẩy tỷ lệ nợ đọng thuế không ngừng tăng cao.
Sẽ hỗ trợ doanh nghiệp thực sự khó khăn
Tại cuộc họp báo thường kỳ quý III-2016 của Bộ Tài chính vừa diễn ra tại Hà Nội, ông Nguyễn Đại Trí, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế cho biết, tổng số tiền nợ thuế tính đến ngày 30-9-2016 trên cả nước là khoảng 74.140 tỷ đồng, tăng 245 tỷ đồng so với thời điểm 31-12-2015. Trong đó, tiền thuế nợ không có khả năng thu ước là 14.970 tỷ đồng (chiếm 20,2% tổng số tiền thuế nợ). Để thu hồi nợ đọng thuế, những tháng cuối năm, Tổng cục Thuế đã yêu cầu các cục thuế địa phương rà soát tổng thể dữ liệu nợ thuế, kiểm soát chặt việc phân loại nợ, từ đó phản ánh đúng bản chất của khoản tiền thuế nợ.
"Ngành Thuế sẽ phân tích nguyên nhân nợ của từng đối tượng để có giải pháp đôn đốc thu nợ hiệu quả. Sẽ áp dụng biện pháp cứng rắn với những DN chây ỳ, có dòng tiền nhưng không nộp trả nợ thuế. Đồng thời, cơ quan Thuế sẽ hướng dẫn giải quyết kịp thời, đúng quy định các hồ sơ gia hạn nộp thuế, xóa nợ, không tính tiền phạt chậm nộp... để hỗ trợ DN thực sự khó khăn" - ông Nguyễn Đại Trí nói.
Theo ông Mai Sơn, quản lý, thu hồi nợ thuế là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của Ngành Thuế Hà Nội để góp phần hoàn thành nhiệm vụ thu NSNN những tháng cuối năm. Cục Thuế TP Hà Nội đã chỉ đạo 30 chi cục thuế trực thuộc thành lập Ban Chỉ đạo thu hồi nợ đọng, phân tích và làm rõ nguyên nhân của từng khoản thuế nợ đọng để đưa ra những biện pháp xử lý phù hợp. Với DN chây ỳ nợ đọng, cùng với việc công khai danh tính trên phương tiện thông tin đại chúng, cơ quan Thuế sẽ áp dụng biện pháp phong tỏa tài khoản, thông báo hóa đơn không còn giá trị sử dụng...
Đồng tình quan điểm này, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội Mạc Quốc Anh cho rằng, cần thực hiện nghiêm pháp luật thuế để bảo đảm công bằng giữa các DN. Nếu không, DN chấp hành tốt nghĩa vụ thuế sẽ thiệt thòi hơn các đối tượng cố tình không thực hiện nghĩa vụ với NSNN. Cùng với những biện pháp cứng rắn, cơ quan Thuế nên nghiên cứu, đề xuất những giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN, như cắt giảm thời gian kê khai hồ sơ, nộp thuế, hoàn thuế đúng quy trình, đồng thời nghiên cứu, đề xuất giãn, giảm thuế cho những DN thực sự khó khăn.
Chủ trương kiên quyết thu hồi những khoản nợ thuế, kết hợp với giải pháp xóa nợ tiền phạt chậm nộp cho các trường hợp đủ điều kiện, sẽ góp phần tạo sự bình đẳng trong cộng đồng người nộp thuế.
Liên quan đến vấn đề nợ thuế, mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Vương Đình Huệ đã bác đề xuất của Bộ Tài chính xóa khoản nợ khoảng 8.000 tỷ đồng cho các DN, cá nhân kinh doanh đã giải thể, phá sản hoặc bỏ kinh doanh. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng đồng ý về chủ trương xóa nợ tiền chậm nộp đối với người nộp thuế cung ứng hàng hóa, dịch vụ được thanh toán bằng vốn NSNN, có nguồn từ NSNN nhưng không được Nhà nước thanh toán theo đúng tiến độ, dẫn đến phát sinh tiền chậm nộp, tiền phạt chậm nộp. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.