(HNM) - Khủng hoảng nợ công đang là vấn đề phức tạp của các nền kinh tế trên thế giới, đặc biệt là ở Liên minh Châu Âu.
Hệ số ICOR (đánh giá hiệu quả đầu tư) cao là một trong những điểm đáng lo ngại của nền kinh tế. Ảnh: Trung Kiên |
Nợ công, thâm hụt ngân sách và nợ xấu
Mặc dù nước ta cán đích, có thu nhập trung bình trước hai năm nhưng nền kinh tế Việt Nam tăng trưởng vẫn chủ yếu dựa vào xuất khẩu, đầu tư nước ngoài và phát triển theo chiều rộng, hiệu quả tăng trưởng thấp nên việc tăng vay nợ Chính phủ là điều tất yếu. Theo thống kê của Tổ chức Phân tích thông tin kinh tế Economist Intelligence Unit (EIU), trong vòng 10 năm từ 2001 đến 2010, GDP của Việt Nam đã tăng gấp 3 lần, từ 32,7 tỷ USD lên 102 tỷ USD. Tuy nhiên, cũng trong giai đoạn này, nợ công của Việt Nam đã tăng lên gấp 5 lần, từ 11,5 tỷ USD năm 2001 lên 55,2 tỷ USD năm 2010. Cũng theo số liệu của EIU, tổng mức nợ công của Việt Nam năm 2012 là khoảng 67,6 tỷ USD, tương đương với 50% GDP. Tỷ lệ nợ này nếu so với tỷ lệ nợ công trên GDP của Liên hợp quốc là dưới 60% GDP vẫn được coi là nằm trong vùng an toàn. Tuy nhiên, con số này là cao so với mức phổ biến được khuyến cáo ở các nền kinh tế đang phát triển (từ 30 đến 40%). Theo dự đoán của EIU, nợ công của Việt Nam sẽ tăng lên mức 75,7 tỷ USD vào năm nay.
Một chỉ tiêu khác gắn với nợ công và sự ổn định kinh tế vĩ mô là mức thâm hụt ngân sách. Trong thời kỳ 2005-2011, mức thâm hụt ngân sách của Việt Nam đều cao, vượt qua giới hạn an toàn (3%), cụ thể: Năm 2005 là 5,05%, năm 2011 là 5,5%. Đồng thời, hiệu quả đầu tư của nền kinh tế Việt Nam lại tỷ lệ nghịch với các khoản vốn vay ngày một lớn. Hệ số ICOR (đánh giá hiệu quả đầu tư) tăng nhanh qua các năm. Hệ số này tăng vọt từ 3,5 (giai đoạn 1991-1995) lên 8 (năm 2009). GS, TS Đỗ Đức Bình, Trường Đại học Kinh tế quốc dân, nhận định: "Mặc dù hệ số này đã giảm xuống còn 6,2 vào năm 2010 nhưng so với mức ICOR là 3 mà Ngân hàng Thế giới khuyến cáo cho các nước đang phát triển cần duy trì để đạt mức đầu tư có hiệu quả thì chỉ số ICOR của Việt Nam ở mức cao. Điều này có nghĩa là đầu tư sử dụng vốn vay kém hiệu quả. Gắn liền với hiệu quả đầu tư thấp, tình trạng giải ngân vốn cho các dự án chậm trễ cũng là nguyên nhân dẫn đến tình hình nợ công và xử lý nợ công của Việt Nam kém hiệu quả".
Một bất cập khác tiếp tục nổi lên mà Việt Nam đang phải đối mặt là nợ xấu. Tính đến tháng 9-2012, tỷ lệ nợ xấu là 8,82% tổng dư nợ của nền kinh tế. Theo tính toán, tỷ lệ nợ xấu này sẽ làm cho các ngân hàng Việt Nam thiệt hại khoảng 7 tỷ USD (5% GDP). Theo dự báo, trong thời gian tới, nợ xấu có khả năng tiếp tục tăng.
Một vài năm trở lại đây, lãi suất không ổn định, có lúc ở mức rất cao đã khiến hàng loạt doanh nghiệp khốn đốn. Ảnh: Đàm Duy |
Nguyên nhân từ mô hình kinh tế?
TS Bùi Trường Giang, nguyên Phó Viện trưởng Viện Kinh tế học Việt Nam cho rằng: "Nguyên nhân của tình trạng trên là mô hình kinh tế dựa nhiều vào vốn đầu tư, trong khi đầu tư công dàn trải, kém hiệu quả. Trong giai đoạn 2001-2010, tổng đầu tư toàn xã hội của Việt Nam vào diện cao nhất thế giới, trung bình ở mức hơn 40% GDP và có tốc độ tăng trên 18%/năm. Trong đó, tỷ trọng đầu tư công luôn đứng ở mức cao, xấp xỉ 40% trong tổng đầu tư toàn xã hội. Trong bối cảnh tiết kiệm trong nước chỉ đạt 28,5% và chỉ tăng với tốc độ xấp xỉ 16% thì chênh lệch giữa tiết kiệm và đầu tư trong nền kinh tế được bù đắp bởi sự gia tăng nhanh vay nợ nước ngoài và tăng cung tiền trong nước. Cùng với quy mô lớn là sự dàn trải của đầu tư công trên tất cả các lĩnh vực, từ những hoạt động công ích như an ninh quốc phòng, y tế, giáo dục... đến các hoạt động mang tính kinh doanh thuần túy như công nghiệp khai khoáng, chế biến, dịch vụ, giải trí... Đặc biệt, tỷ trọng đầu tư công trong lĩnh vực kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, xây dựng tăng mạnh, từ 1,9% năm 2006 lên 4,8% năm 2010".
Một nguyên nhân khác là khu vực DNNN hoạt động kém hiệu quả. Trong số 91 tập đoàn, tổng công ty nhà nước, có 8 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ nợ phải trả trên vốn chủ sở hữu là 3-5 lần; có 5 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ 5-10 lần; đặc biệt, có 8 tập đoàn, tổng công ty có tỷ lệ trên 10 lần. Bên cạnh hiệu quả đầu tư thấp, DNNN còn yếu kém trong khả năng tạo việc làm cho nền kinh tế. Nguyên nhân chính của tình trạng này được xác định là do buông lỏng công tác quản lý, cơ chế giám sát đối với DNNN, khiến các tập đoàn kinh tế nhà nước thay vì tập trung vào hoạt động kinh doanh cốt lõi, nhằm tạo ra những mũi nhọn cho nền kinh tế, lại đầu tư dàn trải vào các ngành nghề kinh doanh không phải thế mạnh của mình như đầu tư tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bất động sản...
Theo nhận định của TS Bùi Trường Giang, nền kinh tế Việt Nam hiện đang có một số đặc điểm giống với các nước Châu Âu có tỷ lệ nợ cao như Hy Lạp, Ailen… khi lâm vào khủng hoảng nợ công là tăng trưởng GDP giảm, thâm hụt ngân sách và nợ công lớn, lạm phát có xu hướng tăng mạnh.
Các chuyên gia cũng đưa ra một số giải pháp nhằm hạn chế sự gia tăng của nợ công như vấn đề xử lý DNNN gồm: Chấm dứt việc đầu tư tràn lan vào DNNN và chỉ giữ lại 10-20 DNNN, chấm dứt toàn bộ việc đầu tư ngoài ngành. Bên cạnh đó, cần nâng cao tỷ lệ vốn tự có trong doanh nghiệp để bảo đảm phát triển bền vững. Hiện nay, tại Việt Nam, tỷ lệ vốn vay trên vốn tự có của DNNN là 1,77, quá cao so với ở Mỹ và Châu Âu (khoảng 0,7). Các chuyên gia cũng cảnh báo, nếu để tỷ lệ vốn vay quá cao, trong trường hợp lãi suất tăng có thể nhanh chóng đẩy doanh nghiệp tới chỗ mất khả năng thanh toán.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.