Theo dõi Báo Hànộimới trên

Niềm vui chưa trọn

Người tiêu dùng| 07/05/2012 06:28

(HNM) - Trong ngày đầu tháng 5 - ngày của người lao động trên toàn thế giới, người lao động Việt Nam, với tư cách là người tiêu dùng nhận liền hai tin vui: Tăng lương và giảm giá gas.

Đây là ngày Nghị định 31/2012/NĐ-CP về điều chỉnh mức lương tối thiểu, tăng thêm 26,5% cho cán bộ, công chức, viên chức, các đối tượng thuộc lực lượng vũ trang và người lao động (nói chung) có hiệu lực; đồng thời cũng là ngày các công ty gas trong nước thông báo giảm giá gas bán lẻ 2.917 đồng/kg, tức là, nếu cách đây nửa tháng, người tiêu dùng phải bỏ ra tới nửa triệu đồng để mua một bình gas 13kg thì bây giờ sẽ bớt đi được khoảng 100.000 đồng - một số tiền không nhỏ.

Phải thấy rằng, người tiêu dùng không quan tâm bản chất việc điều chỉnh lương gọi là tăng lương hay là gì, giá gas bán lẻ giảm là do giá gas trên thị trường thế giới hạ hay việc miễn thuế nhập khẩu gas của Bộ Tài chính vừa qua đã có tác dụng… chỉ biết, việc hằng tháng có thêm được một khoản thu nhập đáng kể và ổn định từ lương, làm đầy thêm túi tiền có hạn lại đang phải chi tiêu đủ thứ. Hơn nữa một mặt hàng thiết yếu trong đời sống như gas giảm giá, là cuộc sống thêm niềm phấn khởi rồi!

Có điều, đại đa số người tiêu dùng vẫn mong đợi một sự thay đổi tích cực, bao quát hơn để hết được mối lo thường trực trong cuộc sống hằng ngày. Hiện tại, tăng lương đang đi kèm tăng giá hàng hóa, dịch vụ, bởi từ khi lương chưa được điều chỉnh, giá nhiều hàng hóa, dịch vụ đã tăng rồi. Từ đầu năm đến nay, người tiêu dùng đã phải đối mặt với nhiều đợt tăng giá các mặt hàng thiết yếu như xăng, dầu, dịch vụ vận chuyển, thực phẩm, rau xanh, sữa các loại… gây ảnh hưởng trực tiếp tới đời sống của mỗi gia đình. Thực tế này còn lâu mới thỏa mãn được nhu cầu chi tiêu, mua sắm… cho một cuộc sống tốt hơn của người dân.

Như thế cũng có nghĩa là, niềm vui chỉ trọn vẹn khi thu nhập tăng đi liền với giá hàng hóa - dịch vụ ổn định. Việc này là ước mong của người tiêu dùng nhưng cũng đòi hỏi Nhà nước, các cơ quan chức năng, doanh nghiệp phải có những nhiệm vụ, giải pháp, biện pháp phát triển sản xuất, quản lý, kiểm tra, kiểm soát thị trường phù hợp. Chỉ có thế, mục tiêu góp phần bảo đảm an sinh xã hội mới thực hiện được một cách đầy đủ và hiệu quả.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Niềm vui chưa trọn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.