(HNMO) - Vào hồi 18h20’ ngày 16/11/2010 (tức 22 giờ 20’ Việt Nam) tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Hội Gióng là di sản thứ 3 của Hà Nội được vinh danh trong năm 2010. |
(HNMO) - Vào hồi 18 giờ 20’ ngày 16/11/2010 (tức 22 giờ 20’ Việt Nam) tại Thành phố Nairobi (Thủ đô của Kenya), trong kỳ họp thứ 5 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO (Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hiệp quốc) đã chính thức công nhận Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.
Cùng với 82 Bia tiến sĩ ở Văn Miếu Quốc Tử Giám được công nhận là Di sản Tư liệu thuộc Chương trình Ký ức Thế giới; Khu di tích Trung tâm Hoàng thành Thăng Long được công nhận là Di sản văn hóa thế giới, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc là di sản thứ 3 của Thành phố Hà Nội được UNESCO vinh danh trong năm 2010.
Tin vui này làm nức lòng đồng bào cả nước nói chung, đồng bào Thủ đô Hà Nội nói riêng. Đây là món quà vô giá để chúng ta tri ân tổ tiên, các thế hệ tiền nhân trong năm Đại lễ kỷ niệm Thăng Long – Hà Nội tròn 1000 năm tuổi.
Thực hiện sự chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo Quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long, Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội đã phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Ngoại giao, Ủy ban quốc gia UNESCO Việt Nam xây dựng bộ hồ sơ Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc để đệ trình UNESCO xem xét đưa di sản văn hóa phi vật thể này vào Danh sách Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Viện Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch) và Văn phòng Ban chỉ đạo quốc gia kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội được giao là cơ quan xây dựng hồ sơ.
Đợt xem xét hồ sơ năm 2010, Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO đã nhận được 147 hồ sơ từ 32 quốc gia trong 113 quốc gia là thành viên của UNESCO. Vòng thẩm định nghiêm ngặt của các chuyên gia của UNESCO và Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO đã chọn ra 54 hồ sơ,trong số 147 hồ sơ của các quốc gia gửi đến UNESCO để thẩm định,đánh giá ở vòng hai. Tháng 6/2010, Ủy ban liên chính phủ lại quyết định 07 hồ sơ không đưa ra xem xét trong kỳ họp tại Nairobi từ 15-19/11/2010, còn lại có 46 hồ sơ được đưa ra xem xét,đánh giá. Tại phiên họp ngày 16/11/2010 của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO đã công nhận 46 di sản văn hóa phi vật thể của các quốc gia để ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại, trong đó có Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc của Việt Nam.
Trong số 46 di sản được công nhận năm nay của 29 quốc gia thành viên có 06 di sản là nghề thủ công truyền thống; 12 di sản là lễ hội; 06 di sản là tri thức dân gian; 20 di sản là nghệ thuật biểu diễn; 03 di sản là ẩm thực dân gian.
Đợt công nhận này của Ủy ban liên chính phủ theo Công ước năm 2003 của UNESCO, đã nâng tổng số di sản văn hóa phi vật thể của thế giới được vinh danh là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại là 212. Trong số này có 04 di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại ở Việt Nam.
Như vậy, từ sau ngày 16/11/2010, Hội Gióng ở đền Phù Đổng và đền Sóc đã là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Được sự công nhận của UNESCO, trước hết là bởi bản thân Hội Gióng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí của UNESCO với một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại. Đây là một lễ hội được cộng đồng bảo tồn, truyền từ thế hệ này qua thế hệ khác, coi như một phần bản sắc của họ, chứa đựng những sáng tạo mang tầm nhân loại, thể hiện khát vọng về một cuộc sống thịnh vượng cho mỗi gia đình,về một nền hòa bình cho đất nước v.v…
Đồng thời, có được sự vinh danh của UNESCO còn là sự quyết tâm và nỗ lực rất lớn của Thành ủy; Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Ủy ban Quốc gia UNESCO Việt Nam; Hội đồng di sản văn hóa quốc gia; sự đóng góp hết mình của các nhà khoa học, nhà nghiên cứu lịch sử của người dân các huyện Gia Lâm, Sóc Sơn, quận Long Biên v.v… để xây dựng một bộ hồ sơ tốt đáp ứng đầy đủ các yêu cầu của một hồ sơ đệ trình để UNESCO ghi danh vào Danh sách di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại./.
Hội Gióng - Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam * Hội Gióng được UNESCO ghi nhận, ngắn gọn mà không thể đầy đủ hơn: "Một bảo tàng văn hóa của Việt Nam, lưu giữ nhiều lớp phù sa văn hóa, tín ngưỡng". Hội Gióng tưởng nhớ công đức Phù Đổng Thiên vương (Thánh Gióng), từ lâu đã trở thành biểu tượng, thể hiện phẩm chất và hành động của người anh hùng chống ngoại xâm, bảo vệ mùa màng, được nhân dân tôn là vị thần đứng đầu trong "Tứ bất tử"… Hội Gióng là hệ thống diễn xướng mang tính biểu tượng, thể hiện sự sáng tạo của dân gian mà không lễ hội nào sánh kịp. Cho đến nay, Hội Gióng được cử hành ở nhiều nơi với nghi lễ khá tương đồng, tâm điểm là làng Phù Đổng (Gia Lâm), tương truyền là nơi Thánh Gióng sinh ra và Phù Linh (Sóc Sơn) - nơi Thánh bay về trời. * Ngay sau khi nhận được tin vui, GS Lưu Trần Tiêu, Chủ tịch Hội DSVH Việt Nam nói với Hànộimới: "Khối DSVH đồ sộ của Thủ đô ngàn năm văn hiến ngày càng được thế giới biết đến, tôn vinh nhiều hơn, đồng nghĩa với việc các ngành chức năng phải có trách nhiệm bảo tồn, phát huy các DS đó ngày một tốt hơn mà Hội Gióng là một ví dụ". Theo GS Ngô Đức Thịnh, Ủy viên Hội đồng Di sản quốc gia: "Cái lõi ban đầu của Hội Gióng là lễ hội nông nghiệp nhưng đến thời Lý - Trần, Hội Gióng bắt đầu thay đổi, trở thành hội trận mang tính biểu tượng, tái hiện cuộc chiến chống ngoại xâm của cha ông ta, từ lúc chuẩn bị vũ khí, lực lượng, lương thảo cho đến khi kết thúc trận đánh. Sự phát triển đã giúp Hội Gióng sống mãi, được chính người dân bồi đắp, tạo nên tính cộng đồng độc đáo". PGS - TS Đặng Văn Bài, Phó Chủ tịch Hội Di sản văn hóa Việt Nam lưu ý: Hội Gióng với tư cách là một loại hàng hóa đặc biệt, phải mang lại lợi ích kinh tế, nhưng vẫn phải quan tâm tới giá trị tinh thần là chính, chứ không phải là lợi nhuận. Phần lõi của nó vẫn là tín ngưỡng, vui chơi, giải trí lành mạnh, còn dịch vụ phụ trợ chỉ là yếu tố làm thỏa mãn nhu cầu của khách tham quan mà thôi. Minh Ngọc |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.