Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Nhuộm” tranh Katazome bằng sức sống Việt

Thụy Du| 13/12/2010 08:14

(HNM) - Đó là nỗ lực không ngừng nghỉ của Toba Mika đến từ đất nước Mặt trời mọc, một người nghệ sĩ quá mê đắm quá khứ và những điều vĩnh hằng. Triển lãm thứ 4 của chị tại Việt Nam

Phố Nhật Bản (Hội An).


Hoài cổ và hiện đại
Trưng bày tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám và Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, những bức tranh của Toba Mika lần này cùng mạch với triển lãm tại cố đô Nara, Nhật Bản vào tháng 11 vừa qua. Đó có lẽ là ý tưởng mang tính kết nối tuyệt vời, bởi một bên là Nara cổ kính ở tuổi 1300 và một bên là Hà Nội ở tuổi 1000.

Những bức tranh khổ lớn, được tác giả khéo léo trưng bày xen kẽ, nhấn nhá về một Việt Nam đậm chất cổ xưa và một Việt Nam vươn mình dữ dội cùng thời đại. Này đây, cảnh mưa phùn kỳ ảo trên mặt nước hồ Gươm huyền thoại chiều đông; một buổi sáng trầm lắng bên dòng sông Hương giữa kinh thành Huế, những chiếc xe cà tàng thời bao cấp dựng xiên góc phố cổ Hà Nội, là phố trưa Hội An, những cánh cửa hoa văn cầu kỳ hoài cổ, một đêm trăng bình lặng ở cố đô Hoa Lư… Còn kia, phía ồn ào là một Việt Nam rạng rỡ, khấp khởi chuyển mình: đường tàu xuyên qua phố xá Hà Nội lô nhô, những quán bia vỉa hè hút khách, rồi nhịp dựng xây của TP Hồ Chí Minh, Đà Nẵng rực sáng bên sông Hàn… Tất cả hòa nhịp, nhập nhòa ảo ảnh quá khứ và hiện tại, của xưa và nay, tạo nên chân dung đất nước. Màu sắc biến ảo đưa người xem đắm mình trong suy tưởng, nhớ nhung về tuổi thơ, cái thời xa lắm rồi nhẹ nhàng thức tỉnh, hòa dần vào cuộc sống hiện đại.

Điều đặc biệt là trong tranh của Toba Mika không hề có người. Duy có bức "Phố Nhật Bản" ở Hội An là chị vẽ bóng mình in lên tường. Họa sĩ lý giải với người xem rằng, chị muốn tái hiện những thành phố của Việt Nam không có điểm dừng, không có cái hữu hạn (là con người) - đó là một đất nước vĩnh hằng.

Hòa nhịp văn hóa
Cảm xúc mà họa sĩ Toba Mika đưa đến cho người xem rất tự nhiên, như phong thái, con người và cách theo đuổi nghệ thuật của chị: vừa hoài cổ vừa hiện đại. Chẳng thế mà chị đã chọn cách sáng tác cầu kỳ, nhờ kỹ thuật Katazome xa xưa của Nhật Bản để nhuộm cảnh sắc Việt Nam, tạo đường nét hội họa hiện đại. Chị được đánh giá là đã tạo ra một "trường phái" nghệ thuật độc đáo và mới mẻ.

Đặt chân đến Việt Nam từ năm 1994, đất nước sôi động nhưng vẫn giữ được nét yên bình, cổ kính phương Đông đã mê hoặc chị. Có đến 20 lần trở lại, mòn chân khắp các nẻo đường của đất nước Việt Nam, Toba Mika đã khám phá ra cách hòa nhịp hai nền văn hóa mà chị trân trọng. Sự kiên nhẫn lạ kỳ của nữ họa sĩ thể hiện qua kỹ thuật Katazome, vốn cần qua 18 công đoạn nhuộm. Toba Mika đã phải vẽ suốt 16 năm qua, sự đồng cảm tuyệt vời với đất và người Việt Nam đã giúp chị cho ra đời hơn 100 sáng tác về Việt Nam theo phong cách Nhật Bản. Bởi vậy, khán giả xem những cảnh sắc thân thuộc của nước mình mà vẫn thấy lạ: màu sắc tinh tế, không lặp lại, được nhuộm sâu, sắc nét trên chất liệu giấy vải chỉ riêng dùng với Katazome.

Có quá nhiều lần Toba Mika được hỏi tại sao lại chọn Việt Nam để thể hiện hầu hết sáng tác của mình. Ngay cả người Nhật Bản cũng băn khoăn vì sao chị sáng tác về Việt Nam đẹp và nhiều đến vậy. Toba Mika nói rằng, Việt Nam giống như Nhật Bản nhiều năm về trước, vươn mình đầy sức sống trong sự bao bọc của nền văn minh cổ xưa. Đắm chìm trong những cảnh sắc ở đây, chị có cảm giác mình được trở lại quá khứ, trở lại với cuộc sống không còn tìm thấy ở đất nước quá phát triển như Nhật Bản nữa.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
“Nhuộm” tranh Katazome bằng sức sống Việt

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.