(HNM) - Trong những ngày qua, nhân dân Thủ đô Hà Nội đã có nhiều kiến nghị, ý kiến đóng góp đối với Đảng nhân dịp Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI. Báo Hànộimới tiếp tục chuyển đến Đại hội một số tâm tư, nguyện vọng tâm huyết của người dân.
Ông Trần Xuân Cung (phường Thịnh Quang, quận Đống Đa): Xây dựng đời sống văn hóa cần đi vào chiều sâu
Tôi rất tâm đắc với Báo cáo của BCH Trung ương Đảng khóa X tại phiên khai mạc Đại hội XI, trong đó nhấn mạnh nội dung "Phát triển văn hóa, xã hội hài hòa với phát triển kinh tế…; tiếp tục củng cố và xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh, đưa phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa" đi vào chiều sâu, thiết thực, hiệu quả". Có thể nói, phong trào xây dựng đời sống văn hóa đã được triển khai sâu rộng trên mọi địa bàn dân cư, có nơi tỷ lệ hộ gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa chiếm đến hơn 90%. Thế nhưng, việc đánh giá một gia đình văn hóa hiện nay, chủ yếu vẫn do các gia đình tự chấm điểm và dựa trên những tiêu chí về điều kiện sống, trình độ học vấn, mà chưa chú trọng nhiều đến lời ăn tiếng nói, lối ứng xử hằng ngày. Một khu dân cư đạt danh hiệu văn hóa thì ở đó không thể tồn tại tình trạng môi trường bị ô nhiễm, xây dựng không phép, lấn chiếm đất công… Không thể đạt gia đình văn hóa nếu con cái nói năng không lễ phép, không hiếu thảo với cha mẹ…
Bà Nguyễn Thúy Nga (xã Xuân Đỉnh, huyện Từ Liêm): Thường xuyên bồi dưỡng đội ngũ cán bộ nữ
Đại hội Đảng toàn quốc lần này có 150 đại biểu nữ tham dự, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng của đội ngũ cán bộ nữ nước ta cũng như sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đến công tác phát triển cán bộ nữ thời gian qua. Tuy nhiên, trên thực tế vẫn còn có một số doanh nghiệp, đơn vị chưa công bằng trong công tác tuyển dụng phụ nữ vào làm việc. Phụ nữ chúng tôi mong muốn Đảng, Nhà nước ban hành thêm những quy định, chính sách mới trong tuyển dụng, đề bạt nữ, nhất là những vị trí lãnh đạo chủ chốt.
Ông Trịnh Tuyên (phường Phúc Xá, quận Ba Đình): Mỗi đảng viên luôn phải tự rèn luyện
Ngày nay, khoa học công nghệ phát triển mạnh mẽ, mọi vấn đề đều mang tính toàn cầu, mỗi cán bộ, đảng viên đều phải tự học hỏi, rèn luyện mình để làm chủ các phương tiện hiện đại. Bên cạnh đó, cũng cần cập nhật mọi lĩnh vực thông tin của đời sống chính trị, xã hội trên thế giới để nắm bắt những diễn biến phức tạp của các thế lực thù địch, từ đó tự nâng cao bản lĩnh chính trị, ý thức và tinh thần trách nhiệm. Bản lĩnh vững vàng bên cạnh chuyên môn nghiệp vụ giỏi là hai yêu cầu không thể thiếu của mỗi đảng viên, góp phần đưa đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại vào năm 2020.
Anh Bùi Văn Hiên (xã Tuy Lai, huyện Mỹ Đức): Nền giáo dục cần phát triển bền vững
Báo cáo của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về các văn kiện Đại hội XI của Đảng có nêu: "Phát triển, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao là một trong những yếu tố quyết định sự phát triển nhanh, bền vững đất nước. Đổi mới căn bản, toàn diện nền giáo dục theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa; đổi mới chương trình, nội dung, phương pháp dạy và học; đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý giáo dục, đào tạo"… Là một nhà giáo, tôi rất quan tâm đến lĩnh vực này và mong mỏi những quyết sách lớn để mang lại sự thay đổi tích cực trong sự nghiệp giáo dục, tạo ra nguồn nhân lực có chất lượng cao và mang đến sự thay đổi cơ bản về tư duy. Bên cạnh đó, để tạo được nguồn nhân lực chất lượng cao, nền giáo dục phải bảo đảm cả vấn đề dạy người và dạy nghề.
Ông Nguyễn Quốc Ân (xã Phú Châu, huyện Ba Vì): Chú trọng đến vùng sâu, vùng xa
Tôi cũng như hàng vạn người dân huyện Ba Vì, thuộc vùng miền núi của Thủ đô đang háo hức, gửi trọn niềm tin vào Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XI của Đảng. Huyện Ba Vì có diện tích rộng, dân số 26 vạn, trong đó có 2,5 vạn dân là người dân tộc thiểu số ở 7 xã miền núi, trình độ mọi mặt còn hạn chế, kết cấu hạ tầng chưa đồng bộ, chậm phát triển, dẫn đến không khai thác có hiệu quả các tiềm năng của địa phương như: nguồn lao động, tài nguyên, đất đai… Chúng tôi kỳ vọng Đại hội Đảng lần này sẽ có đường lối, chủ trương, giải pháp để đưa vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số tiến kịp các vùng khác.
Bà Nguyễn Thị Nhâm (xã Phù Linh, huyện Sóc Sơn): Quan tâm hơn nữa đến nông dân
Thời gian qua, những người nông dân chúng tôi luôn được Đảng, Nhà nước quan tâm, nhờ đó đời sống ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, hiện nay số đất nông nghiệp trên địa bàn cả nước đang ngày càng bị thu hẹp, nhiều nông dân không còn ruộng để canh tác, tiềm ẩn nguy cơ mất ổn định xã hội. Do vậy, chúng tôi mong muốn Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI sẽ có những quyết sách đúng đắn về các vấn đề nông dân - nông nghiệp - nông thôn; khoanh vùng bảo vệ những khu vực đất màu mỡ để phát triển sản xuất nông nghiệp; đồng thời có những chính sách ưu đãi, tạo điều kiện thuận lợi cho người dân chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi, nâng cao giá trị thu nhập trên một diện tích canh tác.
Thạc sỹ Nguyễn Thị Kim Chi, giảng viên Đại học Tài chính - Marketing TP Hồ Chí Minh: Ngành giáo dục cần tiếp tục đổi mới nhiều hơn nữa Trong các văn kiện của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X trình Đại hội XI, nội dung "Phát triển văn hóa, giáo dục và đào tạo nguồn lực con người" được đội ngũ trí thức, nhà khoa học TP Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm. Vấn đề này đặt ra tại Đại hội cho thấy sự quan tâm sâu sắc của các lãnh đạo Đảng và Nhà nước đối với sự phát triển đội ngũ trí thức, đặc biệt là trí thức trẻ trong 5 năm tới, tạo dấu ấn đột phá, hình thành chiến lược lâu dài, xây dựng các đề án cụ thể, chọn lọc những quyết sách phù hợp với thực tiễn đất nước. Tôi mong rằng những quyết sách từ Đại hội Đảng lần này sẽ đổi mới ngành giáo dục nhiều hơn nữa. Trong đó việc thực hiện đổi mới cơ chế tài chính cho giáo dục đại học sẽ tạo điều kiện chủ động để đổi mới, nâng cấp cơ sở dạy và học, đổi mới chương trình theo hướng chuẩn hóa hiện đại, hội nhập quốc tế, tạo điều kiện cho các thầy, cô giáo nâng cao trình độ, đáp ứng nhu cầu đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao. Chất lượng đào tạo cũng cần được kiểm định, công bố kết quả, tiến tới xếp hạng các trường đại học minh bạch, công khai. Giảng viên Cao Minh Công, Khoa Lý luận cơ sở - Học viện Hành chính quốc gia: Vấn đề dân chủ vừa là mục tiêu, vừa là động lực phát triển kinh tế - xã hội Trước ĐH VI, quan điểm về quần chúng nhân dân luôn được Đảng ta xác định là một trong những vấn đề mấu chốt của cách mạng. Đến ĐH VI, Đảng đề ra quan điểm "lấy dân làm gốc" với phương châm "dân biết, dân bàn, dân kiểm tra". Ngày 18-2-1998, Bộ Chính trị (khóa VIII) ban hành Chỉ thị số 30-CT/TƯ về xây dựng và thực hiện Quy chế dân chủ cơ sở đã mở ra giai đoạn mới về thực hiện các quyền công dân trong đời sống xã hội. Văn kiện ĐH VII-VIII thì vấn đề dân chủ được thể hiện trên nhiều lĩnh vực, tiêu biểu là kinh tế và quyền công dân đã ngày càng được bảo đảm. Trong văn kiện ĐH IX, vấn đề dân chủ được đưa vào với tư cách là mục tiêu phát triển "dân giàu, nước mạnh, công bằng, dân chủ, văn minh" nhưng vẫn quy định là đảng viên không được làm kinh tế tư nhân. Tới ĐH X, quan điểm về dân chủ của Đảng ngày càng được rộng mở, cụ thể là thực hiện "dân chủ hóa" tất cả các mặt của đời sống xã hội, trước hết là dân chủ về kinh tế. Theo đó đảng viên được làm kinh tế tư nhân, góp phần làm cho nền kinh tế nước ta phát triển nhanh và mạnh hơn. Trong văn kiện trình ĐH XI, tôi thấy Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung, phát triển năm 2011), quan điểm về dân chủ của Đảng ta có sự thay đổi căn bản, thể hiện ở đặc trưng "Dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh". Đây không chỉ là vấn đề câu chữ, thay đổi trật tự từ ngữ mà thể hiện quan điểm rõ ràng của Đảng trong việc coi vấn đề dân chủ vừa là mục tiêu vừa là động lực trong phát triển kinh tế - xã hội, từng bước xây dựng xã hội ngày càng giàu mạnh. GS-TS Vũ Hoan, Chủ tịch Liên hiệp Các hội KHKT Hà Nội: Đại hội thể hiện sự lớn mạnh, trưởng thành của Đảng ta ĐH XI đứng trước nhiều thử thách của thời đại mới đòi hỏi bản lĩnh của Đảng phải cao hơn. Mấu chốt trong vấn đề này là đoàn kết trong Đảng, đoàn kết toàn dân vì cả dân tộc đặt niềm tin vào Đảng, đòi hỏi Đảng phải có bản lĩnh để bảo vệ quyền lợi dân tộc. Tôi tin rằng ĐH XI sẽ bầu được tập thể Ban Chấp hành là những người có tài, đức mà điều thể hiện trước hết là biết đặt lợi ích dân tộc lên trên hết. Tôi cũng mong muốn, để nước ta đến năm 2020 trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại thì việc đầu tiên là cần đặt ra tiêu chí, tiêu chuẩn, định mức thế nào là hiện đại, là công nghiệp... từ đó mà đề ra chủ trương, giải pháp phù hợp. Mặt khác, Đảng cũng cần có chính sách phát triển nguồn nhân lực, quan trọng là phát huy tối đa nguồn lực của trí thức. Trí thức nước ta luôn yêu nước, một lòng đi theo Đảng, muốn cống hiến, phụng sự cho đất nước. Vì vậy, Đảng cần phải tin, tôn trọng họ, có chủ trương quyết sách để họ yên tâm phát huy tài năng; chủ trương tốt phải đi đôi với hành động cụ thể. Bình Minh - Trà My |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.