Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những ý kiến tâm huyết vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô

Thành Tâm| 09/11/2015 06:23

Yêu cầu của nhân dân đối với chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao hơn. Những yếu tố đặc thù đó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Y tế Thủ đô.

Đồng chí Lê Xuân Rao, Giám đốc Sở KH&CN Hà Nội:
Biến nhu cầu và cạnh tranh thị trường thành động lực phát triển khoa học và công nghệ

Để thực hiện mục tiêu phát triển thị trường khoa học, công nghệ, cần đổi mới cơ chế kinh tế nhằm tạo ra áp lực của thị trường với doanh nghiệp, biến nhu cầu và cạnh tranh thị trường thành nhân tố quan trọng, động lực chủ yếu để các doanh nghiệp quan tâm đến khoa học và công nghệ. Chúng ta cần xây dựng môi trường cạnh tranh bình đẳng trong hoạt động sản xuất - kinh doanh nhằm thúc đẩy ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật và đổi mới công nghệ trong các doanh nghiệp. Bên cạnh đó, cần hỗ trợ khuyến khích các doanh nghiệp trên địa bàn tham gia tích cực vào thị trường khoa học và công nghệ thông qua hoạt động mua bán, đặt hàng, trao đổi công nghệ, ký kết các hợp đồng đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho doanh nghiệp. Cao hơn, chúng ta phải tạo dựng hành lang pháp lý thuận lợi để doanh nghiệp tiếp cận với các nguồn vốn đầu tư; có chính sách thuế, chính sách vay ưu đãi để các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp vừa và nhỏ có điều kiện đổi mới công nghệ, trang bị công nghệ mới hiện đại... Về giải pháp kích cung công nghệ, thành phố cần từng bước chuyển các tổ chức khoa học và công nghệ thực hiện nhiệm vụ nghiên cứu ứng dụng và phát triển công nghệ sang cơ chế tự trang trải kinh phí, hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp. Sắp tới, chúng ta cần thiết lập, phát triển mô hình liên kết các trường đại học - viện nghiên cứu - doanh nghiệp trên địa bàn bảo đảm hoạt động hợp tác theo cơ chế thị trường gắn kết chặt chẽ công tác đào tạo, nghiên cứu với sản xuất kinh doanh...

Đồng chí Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Tim Hà Nội:
Đưa chất lượng dịch vụ y tế tiếp cận nhanh với các nước tiên tiến

Thời gian tới, ngành Y tế Thủ đô sẽ phải đối mặt với những thách thức ngày càng lớn. Yêu cầu của nhân dân đối với chất lượng khám, chữa bệnh ngày càng cao hơn. Những yếu tố đặc thù đó đòi hỏi sự nỗ lực, quyết tâm cao của ngành Y tế Thủ đô. Hệ thống chăm sóc sức khỏe và nâng cao chất lượng phục vụ y tế trên địa bàn cần được quan tâm, phát triển; đẩy mạnh xã hội hóa, huy động mọi nguồn lực, thu hút các dự án đầu tư về lĩnh vực y, dược; khuyến khích các thành phần kinh tế thành lập các cơ sở y tế chuyên khoa chất lượng cao để phát triển nhanh hệ thống y tế Thủ đô song song với củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động của mạng lưới y tế cơ sở. Bên cạnh đó, cần đổi mới cơ chế hoạt động của các cơ sở y tế công lập theo hướng tự chủ, công khai, minh bạch, bảo đảm cung cấp dịch vụ y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả theo hướng chuẩn hóa chất lượng dịch vụ, đưa chất lượng dịch vụ y tế ở Hà Nội từng bước tiếp cận nhanh với chất lượng dịch vụ y tế của các nước tiên tiến trong khu vực; nâng cao năng lực các cơ sở y tế xã, phường, đẩy mạnh phát triển y tế dự phòng, để chủ động phòng chống và kịp thời phát hiện, đẩy lùi dịch bệnh. Các cấp, ngành cần tăng cường công tác truyền thông giáo dục sức khỏe cộng đồng, tạo thói quen tự phòng ngừa và chăm sóc sức khỏe của nhân dân...

Đồng chí Nguyễn Trọng Đông, Thành ủy viên, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường:
Cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên và môi trường

Trong giai đoạn tới, công tác quản lý tài nguyên và môi trường cần tập trung nâng cao năng lực, hiệu quả thực thi pháp luật, tổ chức thực hiện tốt các nghị quyết, chỉ thị của Trung ương, thành phố về lĩnh vực này. Ngoài việc chú trọng tuyên truyền chính sách pháp luật, phát huy quyền giám sát thường xuyên của nhân dân đối với công tác quản lý nhà nước về tài nguyên và môi trường, thành phố cần bảo đảm nguồn tài nguyên được giao cho các chủ thể có nhu cầu, có năng lực để phát huy tối đa tiềm năng cho phát triển kinh tế, tạo việc làm, giải quyết tốt vấn đề an sinh cho người có đất bị thu hồi. Trong nhiệm kỳ này, thành phố cần xây dựng, hoàn thiện hệ thống tổ chức quản lý tài nguyên và môi trường từ thành phố đến cơ sở đủ năng lực; tiếp tục nâng cao kỷ luật kỷ cương hành chính, xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường có trình độ chuyên môn cao, nghiệp vụ vững vàng và ứng xử có văn hóa trong thực thi công vụ. Bên cạnh đó, cần tập trung điều tra cơ bản về tài nguyên và môi trường; triển khai đăng ký đất đai, lập hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất; hoàn thành dự án tổng thể xây dựng hệ thống hồ sơ địa chính và cơ sở dữ liệu quản lý đất đai hiện đại trên địa bàn thành phố vào năm 2018; phát triển các mô hình tăng trưởng xanh, bền vững; chỉ đạo thực hiện tốt phòng ngừa và kiểm soát các nguồn gây ô nhiễm môi trường...

Đồng chí Khuất Văn Thành, Thành ủy viên, Giám đốc Sở LĐ-TB&XH:
Huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề

Để nâng cao chất lượng đào tạo nghề góp phần phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao của Thủ đô, thành phố cần tiếp tục đẩy mạnh công tác xã hội hóa, huy động và đa dạng hóa các nguồn lực đầu tư cho đào tạo nghề; mở rộng và đầu tư phát triển các cơ sở dạy nghề với mô hình liên kết giữa doanh nghiệp và các cơ sở dạy nghề; liên kết đào tạo với các cơ sở đào tạo nước ngoài có uy tín. Việc đào tạo nghề phải gắn với sử dụng lao động theo yêu cầu thực tiễn sản xuất - kinh doanh, đẩy mạnh việc đào tạo theo địa chỉ, theo đơn đặt hàng, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, với thị trường lao động. Thời gian tới, thành phố cần tiếp tục tập trung nguồn lực đầu tư cơ sở vật chất trang thiết bị dạy nghề cho các trường dạy nghề công lập theo hướng hiện đại, bảo đảm năng lực cạnh tranh với các trường trong khu vực về cả quy mô đào tạo, ngành nghề đào tạo, trong đó ưu tiên đầu tư các trường cao đẳng nghề có đào tạo về công nghệ tự động hóa, công nghệ sinh học, công nghệ vật liệu mới..., các nghề trọng điểm, nghề mũi nhọn gắn với quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô. Dần dần, Hà Nội cần hình thành, hoàn thiện hệ thống cơ sở dữ liệu kết nối thông tin cung - cầu của thị trường lao động thành phố để phân tích, đánh giá và xây dựng kế hoạch đào tạo nghề đáp ứng nhu cầu của xã hội từng giai đoạn. Bên cạnh đó, thành phố cần đẩy mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng chuẩn hóa đội ngũ giáo viên, cán bộ quản lý của các cơ sở dạy nghề trên toàn thành phố; nâng cao chất lượng giáo viên dạy nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những ý kiến tâm huyết vì sự vững mạnh của Đảng bộ Thủ đô

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.