(HNM) - Một trong những nội dung chủ yếu của kỳ họp thứ ba HĐND thành phố khóa XIV là bài toán giao thông, vì đây là vấn đề ảnh hưởng rất lớn tới đời sống xã hội và kinh tế của Thủ đô trong nhiều năm qua.
Những giải pháp, những dự án mới là cần thiết nhưng thiết nghĩ cũng nên xem xét lại những gì đang có, đang áp dụng để thấy những gì cần làm tốt hơn; những gì không còn phù hợp, cản trở giao thông cần loại bỏ.
Để được an toàn, thông thoáng dòng lưu thông, cũng như nhiều hoạt động xã hội khác, cần 3 yếu tố cơ bản: công cụ thực hiện; con người điều hành; cơ sở pháp lý.
Một trong những công cụ chủ yếu là hệ thống biển báo. Biển báo ở Hà Nội rất nhiều nhưng không phải loại nào cũng được đặt đúng nơi, đúng lúc. Và đó là một trong những nguyên nhân gây nên những vi phạm, ách tắc, thậm chí cả tai nạn.
Phố Lê Văn Hưu, đoạn giữa Ngô Thì Nhậm và phố Huế, có một biển Cấm rẽ trái đặt cách nơi phải thực hiện (ngã tư Lê Văn Hưu - phố Huế) hơn 50m, lại ở chỗ khó để ý, nên rất nhiều người không hiểu nó báo cái gì, cấm ở đâu? Đường Giải Phóng, từ phố Kim Đồng tới phố Nguyễn Hữu Thọ, nếu rẽ trái rất dễ bị phạt vì nhiều biển Cấm rẽ trái đặt ở bên phải, cách dòng xe cần rẽ tới mấy chục mét và ở vị trí rất khó thấy! Phố Lê Đại Hành, đoạn từ chợ Đuổi ngày xưa tới ngã tư Trần Khát Chân, trước có biển cấm ô tô nhằm điều tiết lượng xe dồn đến ngã tư. Giờ đây, hiện tượng dồn ứ đã được giải tỏa, nhưng biển cấm không dỡ bỏ dù không còn tác dụng, nên nhiều người bị phạt mà không hiểu tại sao...?
Trách nhiệm chính của CSGT không chỉ điều khiển mà còn điều tiết, giải tỏa giao thông. Hiện tại mới chỉ thấy CSGT điều khiển, còn điều tiết hình như chỉ trong những trường hợp đặc biệt hoặc thông qua chương trình giao thông của Đài Tiếng nói Việt Nam, với nội dung chủ yếu là thông báo, cảnh báo hơn là điều tiết.
Luật Giao thông đường bộ thực hiện nhiều năm nên một số quy định không còn phù hợp. Như đèn đỏ cấm rẽ phải, bất kể phù hợp thực tế hiện trường hay không, mặc! Hay xe buýt quá tự do, dẫn tới tình trạng xe đua chen, tắc nghẽn ngã tư...
Hà Nội hiện có chừng 3 triệu xe máy, 400 nghìn ô tô. Theo một chuyên gia, lượng xăng xe cơ giới tiêu thụ khi chạy trong thành phố gấp rưỡi trên đường trường. Cứ cho mỗi ngày 1/3 phương tiện (1 triệu xe máy và hơn 100 nghìn ô tô) bị tắc nghẽn nửa giờ thì mỗi xe máy đốt 0,7 lít xăng, ô tô là 3 lít, tính ra mỗi ngày "đốt" ít nhất 1 triệu lít xăng, tương đương hơn 20 tỷ đồng (thực tế có thể gấp rưỡi hay gấp đôi). Đó mới chỉ là tiền của dân. Và chưa tính lãng phí thời gian, ô nhiễm không khí...
Chỉ cần xem xét lại, quy định lại, tổ chức lại, điều hành lại những gì chưa hợp lý, những gì đã lạc hậu, chưa làm đúng chức năng, đã có thể mang lại những hiệu quả như vậy. Làm thế có khó không?
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.