Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những văn nghệ sĩ tuổi Mèo

Hằng Thu| 25/01/2023 07:23

(HNM) - Người tuổi Mão được cho là thông minh, mềm mỏng và có nhiều vận may. Đa số mọi người đều thừa nhận điều này, nhưng nhấn mạnh: “Cũng phải trải qua nhiều thử thách thì mới thành công được”. Rõ ràng, tuổi tác có những ảnh hưởng nhất định nào đó đối với số phận con người, trong đó có nhiều văn nghệ sĩ, song điều quan trọng vẫn là nội lực vận động của họ.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh (Quý Mão - 1963):
Vẫn khao khát được trải nghiệm nhiều vai diễn mới

Trên hành trình nghệ thuật, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh như một ngọn lửa bùng cháy, khát khao khám phá, chinh phục, đồng thời truyền đi nhiệt huyết dành cho lớp trẻ kế cận.

Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh có một quá trình phấn đấu không mệt mỏi cho sân khấu. Chị có bản năng xây dựng hình tượng nhân vật và năng lực biểu hiện tâm lý nhân vật một cách tinh tế. Thế nên, chị mới sở hữu nhiều vai diễn để đời, như: Lý Chiêu Hoàng trong vở “Rừng trúc”, Đan Thiềm trong vở “Vũ Như Tô”, Thúy trong “Bến bờ xa lắc”, Juliet trong vở “Romeo và Juliet”, quận chúa Minfo trong “Âm mưu và tình yêu”… Chị được phong danh hiệu Nghệ sĩ nhân dân khi tuổi đời còn rất trẻ (38 tuổi).

Không chỉ lừng lẫy trên sàn diễn kịch nói của Nhà hát Tuổi trẻ, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh còn gây ngạc nhiên cho công chúng khi lấn sân sang điện ảnh. Trong địa hạt môn nghệ thuật thứ bảy này, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh nhận được nhiều yêu mến qua các vai diễn: Nữ tu sĩ Băng Thanh trong “Săn bắt cướp”, Thoa trong “Bản tình ca cuối cùng”, Hoàng Điệp trong “Dòng sông hoa trắng”… Đặc biệt, khán giả yêu nghệ thuật vẫn nhớ mãi cô Lan trong “Chuyện tình bên dòng sông” - vai diễn giúp Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh giành được giải thưởng “Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất” của Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 10 (1993).

Tại Liên hoan phim Việt Nam lần thứ 22 (2021), một lần nữa, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh được trao giải Bông sen vàng dành cho Nữ diễn viên chính xuất sắc, với vai Lý Lệ Hà trong “Gái già lắm chiêu 5”. Để vào vai Lý Lệ Hà - một người phụ nữ đáo để, Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh đã chấp nhận cắt bỏ mái tóc dài mà chị đã chăm chút hơn 20 năm. Thái độ dấn thân của chị để xây dựng hình tượng mới lạ cho nhân vật cũng là một điều khiến khán giả và đồng nghiệp thán phục.

Nghỉ hưu rồi nhưng chị không cho phép mình nghỉ ngơi. Với một nghệ sĩ luôn có niềm đam mê với nghề như Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh, vấn đề tuổi tác là chuyện nhỏ. Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh tâm sự: “Tôi có mỗi một nghề để làm và nghệ thuật thì không có tuổi, nhất là sân khấu, điện ảnh. Tôi cứ tiếp tục chơi với nghề thôi. Đó cũng là giá trị cuộc sống, vừa để tồn tại một cách có ý nghĩa, vui vì thấy mình hữu ích. Thế nên tôi vẫn đùa rằng, bây giờ tôi mới bắt đầu, vừa nói vui nhưng cũng đúng, vì bây giờ tôi tự do rồi, muốn tung cánh đi đâu cũng được”.

Đi qua bao bộ phim, vở kịch, là nghệ sĩ được khán giả yêu mến, giải thưởng cũng không thiếu, song Nghệ sĩ nhân dân Lê Khanh vẫn hăng say hoạt động nghệ thuật. Trước thềm năm mới, chúc cho người nghệ sĩ tài hoa luôn dồi dào sức khỏe để có thể thực hiện được trọn vẹn những dự định và mong ước của mình.

Họa sĩ Phạm Khắc Quang (Ất Mão - 1975):
Luôn đam mê sáng tạo

Họa sĩ Phạm Khắc Quang được đánh giá là họa sĩ có những thử nghiệm táo bạo, những cống hiến cho nghệ thuật đồ họa Việt Nam. Tốt nghiệp Trường Đại học Mỹ thuật Hà Nội vào năm 2002, họa sĩ Phạm Khắc Quang đã trải qua nhiều công việc khác nhau, nhưng cuối cùng anh đã quay lại với đúng chuyên môn mà mình được đào tạo là đồ họa.

Kiên trì, miệt mài và đam mê đeo đuổi dòng tranh khắc, họa sĩ Phạm Khắc Quang chia sẻ: “Tôi rất thích nghệ thuật khắc gỗ, nhưng tôi không đặt tiêu chí cuối cùng là làm nên một bức tranh khắc gỗ đẹp. Thứ tôi cần là hành trình, một phương tiện để mình đi con đường nghệ thuật của mình. Tôi rất tự do trong việc tìm tòi phương pháp, hình thức thể hiện, nó tạo cho tôi vùng trời rộng hơn để tôi theo đuổi nghệ thuật. Tất cả kỹ năng người nghệ sĩ tạo ra trong quá trình làm việc cũng chỉ là kỹ năng, nếu không có khát vọng để thay đổi nó thì sẽ trở thành thói quen, mà thói quen chính là kẻ thù của sáng tạo”.

Luôn tìm hướng thay đổi trong những sáng tạo, họa sĩ Phạm Khắc Quang chú tâm vào những tác phẩm tranh khắc gỗ có tính biểu đạt cao với những ý tưởng mới lạ, từ cấu trúc đến các sắc độ đậm nhạt, hình khối, nhưng cô đọng, ngắn gọn. Xem tranh của họa sĩ Phạm Khắc Quang như bước vào những câu chuyện và cuộc giải mã của những ý niệm, mà ở đó, tác giả thể hiện bằng những tín hiệu của ngôn ngữ đồ họa đương đại, vô cùng logic và chuẩn xác.

“Trong hành trình sáng tạo, khi ta chinh phục được đỉnh núi này, thì phía trước còn nhiều đỉnh núi khác và ta lại tiếp tục chinh phục, nó như một bản ngã, bản năng của người làm sáng tạo. Với người làm sáng tạo, những cái xong rồi là quá khứ, mình để nó lại đằng sau và tiếp tục nghĩ đến những cái mới. Nghệ thuật không có giới hạn và cũng không có điểm đến. Nghệ thuật là một hành trình để ta đi, đi đến đâu thì biết nghệ thuật đến đó. Sáng tạo luôn luôn thay đổi, người nghệ sĩ cũng vậy, luôn luôn có những khát khao thì cái mới sẽ đến với mình”, họa sĩ Phạm Khắc Quang bộc bạch.

Miệt mài tìm tòi và góp nhặt từng khám phá, vận dụng sáng tạo với đa dạng vật liệu, những tác phẩm đồ họa là thành quả của một quá trình dài lao động nghệ thuật nghiêm túc của họa sĩ Nguyễn Khắc Quang. Mùa xuân năm Mão lại đến, chúc anh luôn tràn đầy năng lượng để tìm kiếm và khám phá những chu trình mới và lạ trong cuộc sống này.

Ca sĩ Trần Thị Minh Hằng (Kỷ Mão - 1999):
Sống hết mình cho những hoài bão, ước mơ

Cô sinh viên của Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam Trần Thị Minh Hằng đã xuất sắc giành vị trí quán quân của “Giọng hát hay Hà Nội” năm 2022 ở dòng nhạc dân gian. Trong đêm chung kết, ca sĩ Minh Hằng đã gây ấn tượng đặc biệt với hai ca khúc: “Sông ơi đừng chảy” của Nguyễn Vĩnh Tiến và “Trăng về trên phố” của Lê Mây.

Ca sĩ Minh Hằng chia sẻ, đã theo dõi Cuộc thi giọng hát hay Hà Nội từ lâu. Lần đầu tiên cô đến với cuộc thi là năm 2018, nhưng chưa được may mắn. Sau 4 năm, ca sĩ Minh Hằng đã quyết tâm rèn luyện, nâng cao kỹ thuật, tích cóp kinh nghiệm và thử sức lần nữa.

Ca sĩ Minh Hằng tâm sự, trên hành trình ca hát, cô được truyền cảm hứng từ hai nghệ sĩ, đã chỉ giáo cho mình là ca sĩ Anh Thơ và ca sĩ Lương Nguyệt Anh. “Các thầy, cô và các bạn thường khen Hằng có giọng hát cảm xúc. Tuy nhiên, điểm yếu của Hằng là cột hơi. Vì thế, Hằng phải luyện tập rất nhiều để khắc phục”, ca sĩ Minh Hằng chia sẻ thêm. Sự chăm chỉ, quyết tâm của bản thân, cùng sự chỉ bảo tận tình của thầy, cô giáo đã giúp ca sĩ Minh Hằng, từ cô gái có giọng hát bản năng trở nên tiến bộ và ngày càng trưởng thành hơn về khả năng thanh nhạc cũng như bản lĩnh sân khấu.

Giải Nhất "Giọng hát hay Hà Nội" là phần thưởng quý, là động lực to lớn để ca sĩ Minh Hằng tiếp tục theo đuổi sự nghiệp ca hát. Năm con Mèo 2023, nữ ca sĩ trẻ dự định sẽ ra một số sản phẩm âm nhạc. Dẫu biết rằng con đường nghệ thuật còn rất nhiều chông gai phía trước, song ca sĩ Minh Hằng sẽ vượt qua để viết nên những năm tháng thanh xuân tươi đẹp của mình.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những văn nghệ sĩ tuổi Mèo

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.