Giáo dục

Những “tiết 0” giúp học sinh ở chặng nước rút

Thống Nhất 21/03/2024 - 06:59

Kỳ thi tuyển sinh lớp 10 đang ngày càng tới gần. Hiện nay, các trường trung học cơ sở trên địa bàn thành phố Hà Nội đang dồn toàn lực, gấp rút bổ trợ kiến thức cho học sinh sẵn sàng bước vào kỳ thi, trong đó đặc biệt chú trọng tổ chức những "tiết 0" (tiết học nhằm hỗ trợ học sinh chưa chăm, bị hổng kiến thức, kết quả học tập chưa đạt yêu cầu)...

lop-hoc.jpg
Giáo viên Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) hướng dẫn học sinh ôn tập. Ảnh: Nguyễn Quang

Giúp học sinh tự tin bước vào kỳ thi

6h40 sáng thứ ba và thứ năm hằng tuần, nhiều học sinh khối lớp 9 Trường Trung học cơ sở Trưng Vương (quận Hoàn Kiếm) lại có mặt tại trường để ôn tập môn ngữ văn chuẩn bị cho kỳ thi tuyển sinh vào lớp 10 trung học phổ thông năm học 2024-2025. Lớp học được cô giáo Nguyễn Thị Thu Hà, Hiệu trưởng nhà trường đảm nhận. Đây được gọi là “tiết 0”, học tập theo tinh thần tự nguyện. Tiết học kéo dài đến khoảng 7h20, trước khi hiệu lệnh trống báo hiệu học sinh toàn trường bước vào tiết 1.

Được triển khai từ ba tuần nay, "tiết 0" tại Trường Trung học cơ sở Trưng Vương nhận được sự phản hồi tích cực từ phụ huynh học sinh và học sinh. Những “tiết 0” này rất mở, học sinh cần ôn tập bổ trợ về môn ngữ văn đều có thể đăng ký qua giáo viên chủ nhiệm để tham gia. Ông Lê Minh Tuấn, phụ huynh học sinh lớp 9K2 Trường Trung học cơ sở Trưng Vương cho biết, con ông là một trong số 30 học sinh trong danh sách cần bổ trợ tại "tiết 0" hằng tuần. Dù lịch sinh hoạt có chút xáo trộn, con phải đến trường sớm hơn thường lệ nhưng cả gia đình đều cố gắng hỗ trợ, đồng hành với con, quyết tâm sớm “rời nhóm”, cũng là để các cô giáo đỡ vất vả.

Trong khi đó, “tiết 0” của Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) lại được tổ chức vào cuối giờ chiều hằng ngày với thời lượng 3 buổi/tuần, tập trung cho 3 môn là toán, ngữ văn, tiếng Anh. Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị Nguyễn Thị Bích Nga cho biết, nhà trường vẫn duy trì kế hoạch dạy học đúng quy định, bảo đảm đủ nội dung chương trình các môn học. Từ kinh nghiệm đã triển khai, năm nay, nhà trường thành lập nhóm học sinh chưa chăm để bổ trợ kiến thức cho các em vào sau tiết học cuối cùng của buổi chiều và kéo dài đến khoảng 19h. Em Thái Yến Phương (học sinh lớp 9A8 Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị) chia sẻ, qua các tiết học bổ trợ, em được củng cố về nội dung bài học và được rèn thêm kỹ năng làm bài.

Do lịch học của học sinh lớp 9 khá dày, nhiều gia đình còn có lịch học riêng cho con ở ngoài trường nên các tiết bổ trợ được bố trí linh hoạt và không thu tiền. Những tiết học đong đầy tình yêu thương của các thầy, cô giáo với học sinh cuối cấp đang được lan tỏa ở nhiều trường, giúp học sinh thêm vững tin trước áp lực của kỳ thi.

Triển khai linh hoạt, theo tinh thần tự nguyện

Căn cứ tình hình thực tế, thời điểm này, các trường học đều tổ chức các tiết tăng cường, bổ trợ cho học sinh chưa chăm, học sinh có học lực từ trung bình trở xuống. Theo chia sẻ của các hiệu trưởng, các nhà trường không mong muốn nhân rộng hình thức "tiết 0" vì cả cô và trò đều rất vất vả. Tuy nhiên, năng lực và ý thức học tập của học sinh lớp 9 trong cùng một trường thường không đồng đều. Vì vậy, các trường đều có kế hoạch bố trí giáo viên hỗ trợ học sinh từ nay tới sát kỳ thi. Kế hoạch này thường được triển khai linh hoạt, theo tinh thần tự nguyện.

Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Ngọc Tảo (huyện Phúc Thọ) Khuất Thị Hồng Điệp chia sẻ, việc dạy bổ trợ là cần thiết với học sinh. Do đặc thù học sinh vùng nông thôn thường tự đi học nên các tiết bổ trợ được bố trí linh hoạt để các em không phải về nhà quá muộn. Thời gian tới, nhà trường đưa ra thêm nhiều bài kiểm tra khảo sát với 3 môn toán, ngữ văn, tiếng Anh. Nếu học sinh đạt điểm theo yêu cầu thì được chuyển nhóm.

Cách làm tương tự cũng được thực hiện tại Trường Trung học cơ sở Trưng Nhị (quận Hai Bà Trưng) trong thời gian tới. Lịch học "tiết 0" của tháng 3 là một tuần 3 buổi vào cuối giờ chiều, song thời lượng này có thể thay đổi nếu học sinh có nguyện vọng. Trong trường hợp tất cả học sinh trong danh sách cần bổ trợ đều đã đáp ứng tốt yêu cầu bài học, có điểm bài kiểm tra khảo sát đạt yêu cầu thì nhà trường có thể thay đổi hình thức dạy bổ trợ, tuy nhiên vẫn cử giáo viên sát sao với những học sinh trong nhóm này.

Trong khi đó, Hiệu trưởng Trường Trung học cơ sở Hoàng Mai (quận Hoàng Mai) Chu Thị Xuân Hường cho biết, việc tăng cường tổ chức hình thức dạy học thông qua các "tiết 0" cũng giúp các nhà trường có cơ sở để tư vấn, định hướng chọn trường cho học sinh. Từ đây, học sinh chọn đúng trường phù hợp với năng lực, sở thích, nguyện vọng và điều kiện gia đình.

Theo Sở Giáo dục và Đào tạo, việc các trường duy trì và tăng cường tổ chức thực hiện "tiết 0" đã mang lại hiệu quả nhất định trong bồi dưỡng kiến thức cho học sinh. Sở khuyến khích các nhà trường thực hiện mô hình này nhằm góp phần giúp học sinh củng cố, nâng cao kiến thức, có nhiều lựa chọn vào lớp 10.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những “tiết 0” giúp học sinh ở chặng nước rút

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.