Sức khỏe

Những thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy

Lưu Thu 22/09/2023 - 06:30

Tiêu chảy là bệnh thường gặp ở trẻ em. Đây cũng chính là nguyên nhân hàng đầu gây suy dinh dưỡng, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng của trẻ. Để rút ngắn thời gian tiêu chảy, giảm bớt tỷ lệ suy dinh dưỡng và tử vong, việc bù nước và điện giải bằng đường uống cùng chế độ dinh dưỡng hợp lý đóng vai trò rất quan trọng.

Theo các bác sĩ Khoa Dinh dưỡng (Bệnh viện Nhi trung ương), khi trẻ bị tiêu chảy, điều đầu tiên là phải tiến hành bù nước. Oresol chính là loại thuốc có tác dụng bù nước, dùng để thay thế nước và chất điện giải bị mất khi trẻ bị tiêu chảy cấp. Tuy nhiên, các bậc phụ huynh cũng cần lưu ý pha oresol theo đúng hướng dẫn sử dụng. Cụ thể, mỗi gói oresol pha với 200ml hoặc 1.000ml nước đun sôi để nguội, sau đó cho trẻ uống từng thìa (với trẻ bé) hoặc từng ngụm nhỏ (với trẻ lớn). Mỗi dung dịch pha chỉ sử dụng trong 24 giờ.

Bên cạnh việc bù nước, các bác sĩ cũng nhấn mạnh đến 6 nhóm thực phẩm nên cho trẻ sử dụng khi bị tiêu chảy, đó là: Gạo, khoai tây; thịt gà, thịt lợn nạc, thịt bò; sữa công thức có giảm đường lactose (nếu bác sĩ có chỉ định), sữa chua; dầu thực vật; rau xanh, cà rốt, bí đỏ; chuối, táo. Tùy theo lứa tuổi và chế độ ăn của trẻ trước khi tiêu chảy để xây dựng chế độ ăn phù hợp với sở thích và thói quen.

Ngoài ra, các bậc phụ huynh cũng lưu ý, không nên cho trẻ sử dụng các nhóm thực phẩm khi bị tiêu chảy như: Thức ăn có đậm độ đường cao, nhiều chất béo có thể gây ra kém hấp thu bởi vì làm giảm khả năng trống của dạ dày. Mặt khác, tránh dùng các loại nước giải khát công nghiệp và các thực phẩm có nhiều xơ không tan, ít dinh dưỡng, gồm: Các loại rau thô (măng, rau cần), tinh bột nguyên hạt (ngô, đỗ) khó tiêu hóa.

Nguyên tắc dinh dưỡng cho trẻ tiêu chảy, đó là không nên cho trẻ tiêu chảy ăn giảm đi, không kiêng ăn khiến thiếu hụt dinh dưỡng. Đối với trẻ nhỏ dưới 6 tháng tuổi khi bị tiêu chảy cần tiếp tục cho bú mẹ như bình thường và tăng số lần bú. Vì sữa mẹ vẫn được dung nạp rất tốt khi bị tiêu chảy, giúp trẻ nhanh khỏi hơn. Nếu không có sữa mẹ thì cho trẻ ăn sữa công thức mà trước đó trẻ vẫn ăn nhưng cho ăn tăng dần và nhiều bữa trong ngày, cho ăn ít nhất 3 giờ/lần. Đối với trẻ từ 6 tháng tuổi trở lên, ngoài bú sữa mẹ, nên cho ăn những thực phẩm dễ tiêu hóa như: Sữa chua, hoa quả...

Ngoài ra, bữa ăn của trẻ khi bị tiêu chảy vẫn cần bổ sung chất béo để tăng thêm năng lượng trong khẩu phần. Trong thời gian này, nên cho trẻ ăn các loại thức ăn mềm, dễ tiêu như cháo, súp, các món ninh, hầm nhừ, cơm nát. Thức ăn cần nấu kỹ, vệ sinh, cho ăn ngay sau khi nấu và chia nhỏ nhiều bữa, tránh ăn khối lượng lớn vì gây tăng kích thích ruột. Đồng thời, khi trẻ bị tiêu chảy nên cho trẻ uống nhiều để tránh mất nước và rối loạn điện giải. Khi trẻ khỏi bệnh, trong 2 tuần, các phụ huynh cần tăng thêm 1 bữa so với bình thường để trẻ bảo đảm phục hồi cân nặng.

Tiến sĩ, bác sĩ Lê Ngọc Duy, Trưởng khoa Cấp cứu và Chống độc (Bệnh viện Nhi trung ương) cũng đưa ra khuyến cáo, nếu trẻ bị tiêu chảy do ngộ độc thức ăn, gia đình cần tạm ngừng việc sử dụng thức ăn nghi ngờ gây ngộ độc. Đồng thời giữ lại toàn bộ thức ăn thừa, phân, chất nôn để mang đi xét nghiệm và liên hệ qua điện thoại đến bệnh viện để được hướng dẫn cách sơ cứu thích hợp. Trong khi chờ đợi vận chuyển đến cơ sở y tế nên để trẻ nằm nghỉ và theo dõi tình trạng mất nước của trẻ do ói mửa, tiêu chảy để bảo đảm bù nước cho đầy đủ.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những thực phẩm nên dùng khi trẻ bị tiêu chảy

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.