Theo dõi Báo Hànộimới trên

“Chống độc” ngay tại gia đình

Mai Lâm| 16/04/2023 06:04

(HNMCT) - Một thông tin được dư luận đặc biệt quan tâm trong tuần qua, đó là việc Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết sẽ thành lập đoàn kiểm tra liên ngành để kiểm tra toàn diện hoạt động của TikTok tại Việt Nam.

Được biết, trong 3 năm gần đây, nền tảng mạng xã hội TikTok đã có sự phát triển nhanh mạnh tại nước ta với gần 50 triệu tài khoản. Cũng giống như các nền tảng mạng xã hội khác như Facebook, YouTube..., bên cạnh những mặt tích cực, TikTok cũng là nơi dung dưỡng, phát tán các nội dung xấu độc, phản cảm, thông tin sai sự thật, thậm chí là bịa đặt, xuyên tạc, ảnh hưởng xấu tới người dùng, đặc biệt là giới trẻ.

Theo Bộ Thông tin và Truyền thông, TikTok sử dụng thuật toán phân phối nội dung tự động tạo ra xu hướng (trend) độc hại; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả hàng hóa bán qua TikTok Shop; không quản lý chặt chẽ, để một số "thần tượng" truyền bá nội dung lệch chuẩn, nhảm nhí, thiếu văn hóa; không có biện pháp kiểm soát hiệu quả nội dung vi phạm bản quyền, đặc biệt là phim ảnh; không có biện pháp quản lý việc người dùng sử dụng hình ảnh riêng tư của người khác... Được biết, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ đánh giá toàn diện tác động, ảnh hưởng của TikTok đối với cộng đồng; triển khai đồng bộ các giải pháp về pháp lý, kinh tế, kỹ thuật, ngoại giao, truyền thông... để yêu cầu các nền tảng xuyên biên giới phải tuân thủ pháp luật Việt Nam.

Phải nói, đây là thông tin hết sức đáng mừng. Tuy nhiên, quản lý “thế giới ảo” với những thách thức phi truyền thống chưa bao giờ là việc đơn giản. Những năm qua, nhiều quốc gia hết sức chật vật với mong muốn đưa các nền tảng mạng xã hội như Facebook, YouTube vào khuôn khổ khi hoạt động, kinh doanh trên lãnh thổ của mình. Trong một “thế giới phẳng”, áp lực cuộc sống rất lớn như hiện nay, không ít người đã sử dụng mạng xã hội như một công cụ kiếm tiền. Với không ít sự kiện, sự cố hay tai nạn, nhiều người chăm chăm sử dụng điện thoại thông minh để quay phim, livestream câu view, câu like, thu hút tương tác để bán hàng, quảng cáo. Cũng không thể không kể đến những người chỉ nhăm nhăm dựng những đoạn phim ngắn với nội dung lệch chuẩn, tục tĩu, thiếu văn hóa, thậm chí là phiến diện, bịa đặt, thách đố, chửi bới nhau để thu hút người xem.

Theo các chuyên gia công nghệ, tâm lý, xã hội học, các trend trên mạng xã hội có tác động hết sức tiêu cực, đặc biệt là với trẻ em, đối tượng chưa đủ sự “cứng cáp” để biết phân biệt thật giả, khó đứng vững trước “cơn bão” xã hội ảo, từ đó bị dẫn dắt, thực hành lối sống lệch chuẩn, tiêu cực không chỉ với bản thân mà cả với cộng đồng. Cũng không ít phụ huynh do áp lực cơm, áo, gạo, tiền đã thiếu sự quan tâm, để con cái tự do làm bạn với máy tính, điện thoại thông minh mà thiếu sự kiểm soát về nội dung...

Trong bối cảnh đó, mỗi gia đình có vai trò đặc biệt quan trọng việc “phòng độc”, “chống độc” từ mạng xã hội, đặc biệt là với việc kiểm soát và định hướng cho trẻ. Cụ thể là cần giám sát nội dung và thời gian sử dụng mạng xã hội của mỗi thành viên trong gia đình, đồng thời tăng tương tác, giao tiếp trong gia đình để trẻ không sa đà vào “thế giới ảo”, nghĩ mình là người “sáng tạo nội dung số”, ảo tưởng về bản thân trên mạng xã hội. Và, để thực hiện tốt việc làm đó, trước hết, chính người lớn cần phải chuẩn bị cho mình đầy đủ năng lực tư duy, nhận thức để tránh bị mạng xã hội “thao túng tâm lý”, coi trọng chủ nghĩa vật chất, lối sống hưởng thụ, thiếu ý chí tu dưỡng, phấn đấu, rèn luyện. Các bậc phụ huynh phải là tấm gương trong sinh hoạt mỗi ngày, thể hiện qua những việc đơn giản như rèn luyện thể dục, thể thao, duy trì thói quen đọc sách, tích cực tham gia các hoạt động xã hội... Đó chính là cách “phòng, chống độc” đơn giản nhưng hiệu quả ngay tại mỗi gia đình!

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
“Chống độc” ngay tại gia đình

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.