Sau khi đổ bộ vào Nghệ An và Hà Tĩnh vào chiều nay, bão số 3 đang tiếp tục di chuyển lan rộng tới các tỉnh Thanh Hóa, Quảng Trị, Quảng Bình, Quảng Ngãi khiến hàng loạt các ngôi nhà bị tốc mái, hệ thống giao thông tại nhiều nơi tắc nghẽn cục bộ, một số tàu thuyền hiện vãn còn mắc bão ngoài khơi.
Nông dân Hà Tĩnh thu hoạch lúa chạy đua cùng bão (Ảnh: Thanh niên) |
Do ảnh hưởng của bão số 3, chiều nay (24/8), tại tỉnh Hà Tĩnh có mưa to, có nơi lượng mưa đo được đến 260 mm, làm đổ và tốc mái nhiều nhà dân, gây ngập úng nhiều diện tích lúa hè thu.
Ông Bùi Lê Bắc, Chi Cục trưởng Chi cục Quản lý đê điều và phòng chống lụt bão tỉnh Hà Tĩnh cho biết: Diễn biến của cơn bão này rất phức tạp. Lúc 10 h sáng bão ở 10,5 vĩ độ Bắc nhưng đến 14 h chiều nay bão ở 18,7 độ vĩ bắc. Trong vòng 4 tiếng đồng hồ bão chỉ di chuyển được 20 km và từ sáng đến giờ bão quần đảo tỉnh Hà Tĩnh với sức gió cấp 10, cấp 11, giật cấp 12 làm cho cây cối, nhà cửa đổ rất nhiều. Đó là thiệt hại trước mắt chúng tôi cho là lớn nhất, kèm theo mưa. Đặc biệt mưa ở thượng nguồn Hương Khê, Hương Sơn mưa trên 200 mm, thậm chí ở Kẻ Gỗ trên 260 mm. Vùng trũng mưa cũng lớn, gây ngập úng cho lúa hè thu, chúng tôi đang tập trung chỉ đạo để tiêu thoát nước cứu lúa.
Đến chiều 24/8, tất cả 3.783 tàu thuyền của tỉnh Hà Tĩnh đã vào nơi neo đậu an toàn. Hiện, tất cả 12 huyện, thị xã, thành phố của Hà Tĩnh đã sẵn sàng phương án 4 tại chỗ, trực suốt ngày đêm, sẵn sàng lương thực, thực phẩm, cơ số thuốc và phương tiện để ứng cứu người dân nếu giao thông bị chia cắt hoặc ngập úng gây cô lập.
** Do ảnh hưởng của bão số 3, đến chiều nay ở tỉnh Quảng Bình có mưa vừa đến mưa to. Lượng mưa đo được tại Minh Hoá là 379mm, Đồng Tâm 278mm, Tân Mỹ 218mm, Đồng Hới 196mm, Kiến Giang 136mm... Nước sông Nhật Lệ, Kiến Giang đang lên nhanh; nước ở sông Gianh đã vượt quá báo động 1: 3,86m. Ở thành phố Đồng Hới và các xã ven biển thuộc các huyện Lệ Thuỷ, Quảng Ninh, BốTrạch, Quảng Trạch, chiều nay (24/8) đã có gió cấp 6, cấp 7, lúc giật lên cấp 9, cấp 10. Mưa bão đã làm sập 1 nhà, làm tốc mái 29 nhà và 1 trường học ở hai xã Duy Ninh, Hiền Ninh (huyện Quảng Ninh).
Ngay trong mưa bão, chính quyền hai xã này đã huy động lực lượng giúp dân dựng lại nhà bị sập, sửa chữa lại nhà và trường học bị tốc mái. Các huyện ven sông, ven biển và vùng thấp lụt, xung yếu ở Quảng Bình có kế hoạch di dời gần 1.000 hộ gia đình từ vùng thấp lên vùng cao; mỗi hộ gia đình chủ động chuẩn bị đủ lương thực, thực phẩm từ 8 đến 10 ngày.
Đại tá Nguyễn Văn Phúc, Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy biên phòng tỉnh Quảng Bình cho biết, đến 14h chiều nay (24/8), toàn bộ 4.315 tàu thuyền đánh cá của ngư dân trong tỉnh Quảng Bình đã được đưa vào bờ trú ẩn an toàn: Chúng tôi đã chỉ đạo cho tàu Hải đội 2, tàu các đồn hướng dẫn cho tàu lên vị trí neo đậu để tránh bão. Trong ngày hôm qua (23/8) chúng tôi đã kiểm tra khu vực đảo Hòn La, khu vực cảng để hướng dẫn các tàu phòng tránh. Đến nay hàng chục tàu vận tải ở cảng Hòn La được an toàn. Hiện nay do mưa to nước ở các sông suối lên cao, xảy ra tắc đường ở một số nơi. Chúng tôi đã điều ca nô lên huyện Minh Hoá phục vụ công tác cứu hộ.
Dù không nằm trong khu vực tâm bão nhưng TP. Huế cũng bị nước nhấm chìm. (Ảnh: Dantri) |
Đến 14h chiều nay (24/8), trên địa bàn huyện Tuyên Hóa vẫn có mưa to đến rất to. Lượng mưa đo được lên gần 200 mm, lên trên mức báo động 1. Mưa to kéo dài từ hôm qua 23/8) đến nay đã làm ngập cục bộ nhiều tuyến đường liên thôn, liên xã, trong đó tuyến đường 15 từ Đồng Lê đi Hướng Hóa bị chia cắt tại đọan Tràn Quảng Hóa và cầu Khe Nét bị sạt lở với khối lượng đất đá trên 50 m3. Hiện nay, UBND huyện Tuyên Hóa đang khẩn trương khắc phục hậu quả do mưa lũ gây ra.
Ông Nguyễn Tri Phương, Phó Chủ tịch UBND huyện, Phó ban Phòng chống bão lũ huyện Tuyên Hóa, tỉnh Quảng Bình cho biết: “Đối với tuyến đường 15 đoạn cầu tràn Quảng Hóa thuộc xã Lê Hóa là cử lực lượng canh gác không cho người qua lại, muốn lên Hương Hóa phải đi bộ theo đường sắt hoặc đi theo tuyến từ Đồng Lê đi Khe Rôn và rẽ ra thôn Tiền Phong ra đường Quốc lộ 15. Việc khắc phục sạt lở taluy dương ở Khe Nét, huyện đang huy động lực lượng của Công ty Đường bộ 2 cho máy xúc đất giải phóng đường để thông tuyến giao thông đi lại.
** Đến 16h chiều nay (24/8), bão số 3 bắt đầu đổ bộ vào tỉnh Thanh Hoá, với sức gió mạnh cấp 7, cấp 8, gây ra mưa vừa đến mưa to.
Tại vùng biển thuộc địa phận xã Hải Lộc, huyện Hậu Lộc, gió cấp 6, cấp 7 làm chìm 1 thuyền của dân đang trên đường vào bờ. Trên thuyền có 3 người dân đã lên được chòi canh trên biển. Địa phương đang huy động tàu cá của dân ra tiếp cận và đang trên đường đưa 3 ngư dân này vào bờ. Đại tá Đỗ Văn Sơn, Trưởng đoàn kiểm tra Uỷ ban tìm kiếm cứu nạn Quốc gia đang có mặt tại Thanh Hoá cho biết: Đã huy động tàu của dân ra và tiếp cận được với 3 người dân bị tàu chìm đang ở trên chòi canh, đang đưa vào bờ. Khả năng sẽ đưa được vào bờ an toàn. Hiện nay gió đã ngớt khoảng hơn cấp 6, cấp 7.
Các vùng khác như ở Tĩnh Gia, Thanh Hoá thì theo báo cáo của BCĐ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Thanh Hoá thì gió cấp 7, cấp 8, có gẫy cây nhưng chưa xảy ra tốc mái nhà. Hiện đang tiếp tục theo dõi mưa ở các huyện phía Tây để đề phòng lũ ống, lũ quét, sạt lở đất sẵn sàng cứu hộ cứu nạn.
Nhiều tuyến đường ở Vinh (Nghệ An) bị ngập. Ảnh: VTC news |
Trước đó khoảng 15h chiều nay (24/8), tại huyện Hoằng Hoá, một tàu chở than 300 tấn đang trên đường vào tránh bão có 6 người đã bị mắc cạn.
Ban chỉ đạo phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn của tỉnh Thanh Hoá đã chỉ đạo thuyền viên bơi vào đất liền an toàn.
Do ảnh hưởng của bão số 3, ở các tỉnh từ Quảng Bình đến Nghệ An đã có mưa to đến rất to tính đến 13h trưa nay (24/8) tổng lượng mưa phổ biến trong khoảng 100 – 150mm; một số nơi có mưa lớn hơn như Tuyên Hóa (Quảng Bình) 261mm; Hà Tĩnh 210mm…; Tại đảo Hòn Ngư (Nghệ An) có gió mạnh cấp 9, giật cấp 12; tại Kỳ Anh (Hà Tĩnh) có gió mạnh cấp 7, giật cấp 9; ở thành phố Vinh có gió mạnh cấp 7; trạm Văn Lý (Nam Định) gió mạnh cấp 7, giật cấp 9. Quỳnh Lưu (Nghệ An) gió mạnh cấp 7, giật cấp 10. Hồi 16 giờ ngày 24/8, vị trí tâm bão ở khoảng 18,9 độ Vĩ Bắc; 105,9 độ Kinh Đông, trên vùng bờ biển các tỉnh Thanh Hóa - Hà Tĩnh. Sức gió mạnh nhất ở vùng gần tâm bão mạnh cấp 10 (tức là từ 89 đến 102km một giờ), giật cấp 11, cấp 12. Dự báo trong 12 giờ tới, bão di chuyển chủ yếu theo hướng Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 20 km, ảnh hưởng trực tiếp đến các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và đồng bằng Bắc Bộ. Sau đó suy yếu dần thành áp thấp nhiệt đới. Đến 04 giờ ngày 25/8, vị trí tâm áp thấp nhiệt đới ở vào khoảng 20,1 độ Vĩ Bắc; 104,7 độ Kinh Đông, trên khu vực biên giới Việt - Lào. Sức gió mạnh nhất vùng gần tâm áp thấp nhiệt đới mạnh cấp 6 (tức là từ 39 đến 49 km một giờ), giật cấp 7, cấp 8. Trong khoảng 12 đến 24 giờ tiếp theo, áp thấp nhiệt đới di chuyển theo hướng giữa Tây Bắc và Tây Tây Bắc, mỗi giờ đi được khoảng 10 - 15 km, đi sâu vào đất liền và suy yếu thành một vùng áp thấp. Đến 16 giờ ngày 25/8, vị trí trung tâm vùng áp thấp ở vào khoảng 20,8 độ Vĩ Bắc; 103,0 độ Kinh Đông, trên khu vực Thượng Lào. Sức gió mạnh nhất ở trung tâm vùng áp thấp giảm xuống dưới cấp 6 (tức là dưới 39 km một giờ). Do ảnh hưởng của bão, vùng biển vịnh Bắc Bộ đêm nay còn có gió mạnh cấp 8, vùng gần tâm bão đi qua mạnh cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Biển động rất mạnh. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và nam đồng bằng Bắc Bộ có gió mạnh cấp 6, cấp 7, vùng gần tâm bão cấp 9, cấp 10, giật cấp 11, cấp 12. Các tỉnh từ Quảng Bình đến Thanh Hóa và Nam đồng bằng Bắc Bộ có mưa to đến rất to; các nơi khác thuộc Bắc Bộ có mưa vừa, có nơi mưa to. Cần đề phòng lũ quét, sạt lở đất ở vùng núi, ngập úng ở vùng trũng. Vùng ven biển các tỉnh từ Hải Phòng đến Thanh Hóa nước biển dâng kết hợp với thủy triều cao từ 3-5m. |
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.