Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những thách thức tiềm ẩn

Phương Quỳnh| 01/01/2019 01:03

(HNM) - Năm 2018 vừa kết thúc bằng một loạt sự kiện sẽ có tác động tới bức tranh về địa chính trị, kinh tế và các vấn đề xã hội toàn cầu năm 2019.


Theo các nhà phân tích, khi bị chủ nghĩa dân tộc, dân túy thôi thúc, quan hệ giữa các quốc gia ngày càng trở nên khó dự đoán. Những xung đột về lợi ích đang đẩy nhiều nước bước vào thế đối đầu, điển hình như mối quan hệ giữa các siêu cường Mỹ - Nga, Mỹ -Trung…

Đầu tháng 12-2018, Tổng thống Mỹ Donald Trump đưa ra tối hậu thư cho Nga, với thời hạn 60 ngày để ngưng triển khai hệ thống có thể phóng tên lửa tấn công 9M729, nhằm cứu vãn Hiệp ước Các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF), một văn bản mà hai nước đã ký kết từ năm 1987. Trong trường hợp Mátxcơva không thực hiện, Washington sẽ khởi động tiến trình rút khỏi hiệp ước trong vòng 6 tháng. Điều đó đồng nghĩa với việc thế giới có thể phải đối mặt với một cuộc chạy đua vũ trang hạt nhân mới trong năm 2019. Bên cạnh đó, những lệnh trừng phạt mà Mỹ liên tục áp đặt với Nga có khả năng vẫn tiếp diễn...

Cuộc chiến thương mại Mỹ-Trung là một trong những vấn đề đáng chú ý nhất trong năm 2018. Ảnh: Market Watch


Trong khi đó, cuộc chiến thương mại giữa Mỹ - Trung Quốc được dự báo sẽ còn căng thẳng hơn. Mặc dù mới đây, Tổng thống Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã thông qua một thỏa thuận “đình chiến” kéo dài 90 ngày nhưng trong trường hợp đến tháng 2-2019, những mâu thuẫn vẫn chưa thể giải quyết, thì nguy cơ về một cuộc chiến thương mại toàn diện rất có khả năng nổ ra. Giới chuyên gia nhận định, các vấn đề về thuế quan và thâm hụt thương mại có thể đạt được vì các đòn áp thuế đang gây ra những "tổn thương" cho cả hai nước. Tuy nhiên, giữa hai bên vẫn có khoảng cách lớn trong quan điểm về bảo vệ sở hữu trí tuệ. Hơn nữa, căng thẳng mới nổi lên từ vụ Giám đốc tài chính Huawei Mạnh Vãn Chu bị Canada bắt theo yêu cầu của Mỹ hay Washington buộc tội hai tin tặc có liên quan đến Chính phủ Trung Quốc xâm nhập hệ thống kinh doanh và chính phủ ở nhiều quốc gia để đánh cắp các bí mật có giá trị là những yếu tố cản trở các cuộc đàm phán.

Ở Cựu lục địa, các dấu hiệu bất ổn đang ngày càng hiện hữu. Anh bước vào năm mới với khủng hoảng chính trị liên quan đến quyết định rời EU (Brexit). Nhiều người lo ngại không biết cuộc "ly hôn" này sẽ diễn ra trong trật tự hay hỗn loạn. Nếu các bên không đạt được thỏa thuận, sẽ có nhiều người thua cuộc và quan hệ Anh - EU sẽ bị "đầu độc" trong một thời gian dài. Ngay cả sau khi diễn ra Brexit, giới lãnh đạo EU cũng chưa thể thở phào vì vẫn còn những rắc rối tại Italia - nơi cần sự tăng trưởng và hiện đại hóa toàn diện nền kinh tế. Thật không may, chính phủ hiện nay của Italia không theo đuổi các chính sách cần thiết để đạt được điều đó mà là những kế hoạch mâu thuẫn với quy tắc ngân sách của EU. Điều này cho thấy, các cuộc đàm phán phức tạp và lâu dài vẫn còn ở phía trước để duy trì sự ổn định của đồng tiền chung châu Âu.

Vào thời khắc chuyển giao giữa năm 2018-2019, nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un đã gửi thông điệp hòa giải tới Tổng thống Mỹ Donald Trump trong bối cảnh các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bình Nhưỡng và Washington đang rơi vào bế tắc. Tổng thống Nga Vladimir Putin gửi bức thư chúc mừng năm mới tới người đồng cấp Mỹ Donald Trump, bày tỏ sẵn sàng đối thoại về nhiều vấn đề.

Dư luận thế giới kỳ vọng, những tín hiệu tích cực này sẽ được các nhà lãnh đạo trên thế giới triển khai bằng hành động cụ thể nhằm giảm nguy cơ đe dọa đến hòa bình và sự ổn định toàn cầu.

(0) Bình luận
Nổi bật
Đừng bỏ lỡ
Những thách thức tiềm ẩn

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.