Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tấm lòng hậu phương

Thế Dũng| 18/06/2014 06:15

(HNM) - Những ngày này, triệu triệu con tim người dân đất Việt luôn dõi theo các lực lượng Cảnh sát biển, Kiểm ngư và những ngư dân can trường đang ngày đêm bám biển Hoàng Sa để khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.


Tự hào là vợ Cảnh sát biển


Chồng đi vắng dài ngày, mọi sự vất vả những ngày này dường như dồn lại trên đôi vai bé nhỏ của chị Lê Thị Thanh Huyền, vợ Trung úy Nguyễn Đức Thuận - cán bộ ngành hàng hải trên tàu CSB 2013. Đã hơn một tháng nay, trong căn phòng trọ chỉ rộng chừng 15m2 tại thôn 2, xã Tam Quang (huyện Núi Thành, Quảng Nam - cách trụ sở CSB Vùng 2 khoảng 1km), hai mẹ con chị Huyền ngày ngày dõi theo tin chồng. Chị Huyền cho biết, anh Thuận lên đường làm nhiệm vụ từ ngày 8-5, từ đó đến nay thi thoảng mới gọi điện về nhà. Ngày 9-6, anh có gọi điện, báo rằng mình vẫn khỏe và tàu CSB 2013 về đất liền mua ít thực phẩm rồi đi ngay. Vậy là chị và cậu con trai hơn 3 tuổi dắt nhau vào Lý Sơn (Quảng Ngãi) để đoàn tụ gia đình trong ít phút trước khi anh Thuận lên đường làm nhiệm vụ. 

Đại diện Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới tặng quà anh Bùi Văn Huệ.


Chị Lê Thị Thanh Huyền cho biết, cuộc sống của gia đình khá khó khăn. Vốn là một điều dưỡng, đi làm được 4 năm rồi không được ký tiếp hợp đồng nên chị thất nghiệp từ một năm nay. Chị quyết định đưa con trai từ quê Hà Tĩnh vào Quảng Nam ở trọ để được gần chồng. "Ba tháng trở lại đây, em xin vào làm một xưởng may nhưng lương cũng chỉ được hơn 1 triệu đồng/tháng, chưa đủ trả tiền thuê nhà và cho con đi học mẫu giáo… Xem tivi thấy tàu Trung Quốc hung hăng tông vào tàu của CSB, em vô cùng lo lắng nhưng cũng đầy tự hào. Cũng may khi biết mình là vợ CSB nên bà con xung quanh luôn tạo điều kiện để em có thêm thu nhập, chăm sóc con cho chồng yên tâm công tác. Vài ngày vợ chồng mới được nói chuyện với nhau dăm phút và lúc đó hai mẹ con chỉ biết động viên anh cố gắng hoàn thành nhiệm vụ…", chị Huyền nói thêm.

Thực hiện nhiệm vụ tại khu vực Trung Quốc hạ đặt trái phép giàn khoan Haiyang Shiyou - 981 trong thềm lục địa và vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, những ngày qua, tàu CSB 4032 gần như liên tục có mặt trên thực địa. Bị tàu Trung Quốc ngang ngược gây hấn, lúc 7h30 ngày 15-5, máy chính bên trái của tàu CSB 4032 bị hỏng. Một số ý kiến đề nghị đưa tàu vào bờ để khắc phục, song Thiếu úy Đinh Văn Tiệp, nhân viên máy tàu đã xin được tự khắc phục máy tại chỗ. Trong điều kiện hết sức bất lợi, nhưng với sự nỗ lực, sáng tạo, chỉ sau hơn một giờ, anh Tiệp đã cùng với đồng nghiệp khắc phục thành công sự cố để tàu tiếp tục kiên cường bám trụ tại thực địa. Nhưng phía sau hành động đầy trách nhiệm ấy, Thiếu úy Đinh Văn Tiệp cũng có hoàn cảnh hết sức khó khăn

Tiếp chúng tôi tại trụ sở CSB Vùng 2 sau chuyến đi dài 30 ngày trên biển, Thiếu úy Đinh Văn Tiệp cho biết, vợ anh là chị Phạm Thị Hà và cô con gái 3 tuổi đang sống cùng bố mẹ chồng tại quê nhà Gia Hòa (Gia Viễn, Ninh Bình). Ngày 1-5 vừa qua, hai mẹ con vào thăm chồng, cha chưa kịp ấm hơi thì anh Tiệp nhận được lệnh đi công tác. Hai vợ chồng chỉ kịp ăn với nhau bữa cơm trưa rồi anh lên tàu. Tưởng chuyến công tác đó như bao lần khác, nên chị Hà ở lại thuê phòng trọ chờ chồng. Nhưng đến 1 tuần sau, vẫn không liên lạc được và chỉ đến khi đọc bài báo nói về tàu CSB 4032 bị tàu Trung Quốc tấn công bấy giờ gia đình mới biết anh Tiệp đang làm nhiệm vụ thiêng liêng tại Hoàng Sa.

Được biết, khó khăn nhất đối với gia đình Thiếu úy Tiệp là chị Hà đã tốt nghiệp ĐH Văn hóa Hà Nội 4 năm nay nhưng vẫn chưa có việc làm ổn định. Bố mẹ ở nhà hiện phải chăm chị gái bị mù vì nhiễm chất độc da cam nên cũng không thể giúp gì được vợ chồng anh Tiệp nhiều. "Em vừa về bờ được 2 ngày. Ngay sau khi nói chuyện với anh, em sẽ bắt xe khách trở lại Đà Nẵng để lên tàu tiếp tục làm nhiệm vụ" - Thiếu úy Đinh Văn Tiệp nói giọng quả quyết.

Tấm lòng người làm báo Đảng Thủ đô

Những ngày vừa qua, cùng chung tấm lòng hướng về biển đảo quê hương, Quỹ Trái tim nhân ái Báo Hànộimới đã tới thăm, tặng quà và động viên gia đình các chiến sĩ CSB, KN và ngư dân đang gặp khó khăn. Ngoài hai trường hợp đã nêu ở trên, Quỹ Trái tim nhân ái đã đến trao quà trị giá 5 triệu đồng cho gia đình Thượng úy Nguyễn Quốc Huy (tàu CSB 2016) tại An Thủy (huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình) có vợ đang bị ung thư buồng trứng. Đó còn là trường hợp bà Trương Thị Tiền ở xã An Hải (huyện Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) có chồng tử nạn đầu năm 2014 khi đang khai thác hải sản trên vùng biển Hoàng Sa. Hiện bà Tiền đang bị ung thư dạ dày giai đoạn cuối nhưng vẫn gắng gượng nuôi mẹ chồng bị mù và 3 con nhỏ đang tuổi đi học… Toàn bộ số tiền trên do cán bộ, phóng viên Báo Hànộimới trích từ một ngày lương gửi tặng.

Ngày 17-6, tại huyện đảo Lý Sơn, trong số những trường hợp Quỹ Trái tim nhân ái đến trao quà chúng tôi xúc động nhất là trường hợp của anh Bùi Văn Huệ (sinh năm 1976, ở đảo Bé, xã An Bình) bị tàn phế sau một lần lặn biển và gia cảnh hết sức eo hẹp… Biết trước về hoàn cảnh của Huệ nhưng khi tiếp xúc với anh, chúng tôi mới cảm nhận được sức sống can trường của chàng trai trẻ đang chống chọi với số phận. Chúng tôi đến nhà khi Huệ đang ngồi đan lưới, anh ngỡ ngàng cười đón khách lạ. "Em đi biển từ năm 12 tuổi nhưng cách đây 13 năm thì bị liệt. Cuộc sống mới của em bây giờ là đan lưới, nuôi cua. Gặp thời tiết bất lợi nên lứa cua vừa rồi thua lỗ. Mất khoảng 6-7 ngày miệt mài thì xong một tấm lưới khổ 60mx1,4m, bán được khoảng 550.000 đồng - Huệ vừa cười vừa nói.

Cũng khó khăn không kém là trường hợp gia đình Thượng úy Hoàng Đình Hinh, trắc thủ ra đa đóng quân trên đảo Lý Sơn. Anh Hinh có vợ là chị Bùi Thị Bích Thuận, giáo viên Trường THCS Lý Sơn. Tuy nhiên, chị Thuận không may mắc bệnh suy thận mạn tính đã 11 năm nay nên cuộc sống gia đình vô cùng khó khăn. Vì phải dành tiền chạy chữa cho vợ, gia đình anh Hinh rơi vào cảnh không nhà, không tài sản, đã thế còn nợ đến gần 200 triệu đồng. Cậu con trai nhỏ của anh chị mới 12 tuổi luôn thiếu ăn, thiếu mặc và sách vở để đến trường. "Nhận được món quà của Báo Hànộimới, gia đình hết sức cảm động. Mình và vợ sẽ cố gắng lạc quan chữa bệnh, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ Nhà nước và nhân dân giao phó" - Thượng úy Hoàng Đình Hinh xúc động nói.

Có ra Lý Sơn những ngày "biển động" này mới thấy hết sự sẻ chia của đồng bào khắp cả nước hướng về đảo tiền tiêu của Tổ quốc. Dường như không có ngày nào là không có đoàn ra thăm, tặng quà, động viên người dân Lý Sơn. Tất thảy, từ ngư dân nghèo, ngư dân bị tử nạn, ngư dân bị tàn phế vì đi biển, ngư dân bị tàu Trung Quốc cướp phá, đâm thủng tàu… đều được những tấm lòng thiện nguyện hướng về Lý Sơn đến chia sẻ, động viên…

Khi tôi viết những dòng cuối cùng của bài viết thì nhận được tin nhắn của chị Lê Thị Thanh Huyền với nội dung: "Anh cố gắng giúp em tìm công việc nhé" mà khóe mắt cay cay, và chợt nghĩ, những người ở hậu phương chúng ta sẽ phải làm nhiều hơn nữa để những chiến sĩ, những người con thân yêu của Đất mẹ Tổ quốc vững lòng nơi đầu sóng.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tấm lòng hậu phương

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.