Theo dõi Báo Hànộimới trên

Những tấm gương thiếu niên đi vào trang sách

Hạ Yến| 01/02/2020 11:04

(HNMCT) - Đất nước trải qua hai cuộc kháng chiến trường kỳ, đã có biết bao tấm gương thiếu niên dũng cảm góp phần nhỏ bé của mình làm nên chiến công chung của dân tộc. Đi từ cuộc đời vào trang sách, câu chuyện hấp dẫn về những anh hùng nhỏ tuổi luôn khiến người đọc cảm động và mến phục.

Cựu đội viên Đội Thiếu niên du kích Đình Bảng Nguyễn Đức Thìn nói chuyện với các em học sinh Trường Trung học cơ sở Đình Bảng, thị xã Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh. Ảnh: Diệp Trương

“Trừ giặc, ba tuổi vẫn còn hiềm là muộn” - câu nói nổi tiếng của Cao Bá Quát mà nhà văn Phùng Quán trích dẫn ngay ở đầu tác phẩm của mình đã khẳng định về một thế hệ măng non nước Việt dẫu đang ở tuổi non nớt mà khi Tổ quốc cần luôn sẵn sàng đứng lên đánh giặc. Tuổi thơ dữ dội là tác phẩm mà ai cũng sẽ nhớ đến đầu tiên khi nhắc tới những trang sách viết về các liên lạc viên nhỏ tuổi.

Gần một nghìn trang sách kín đặc chữ về đội “Vệ Quốc Đoàn con nít” mà khiến người đọc như không thể ngừng lại trước từng số phận của các thiếu niên trinh sát, từ muôn phương nghìn cách để gia nhập đội đến cuộc đời mỗi người, từ tính cách đến những tháng ngày cùng sống, cùng chiến đấu. Ở đó là hình ảnh những thiếu niên đang ở tuổi 13, 14, vẫn đủ trò nghịch ngợm, hài hước nhưng cũng có biết bao nhiêu tình huống vượt hiểm nguy, bao nhiêu câu chuyện ly kỳ và những trang đời chứa chan nước mắt.

Cái tài của Phùng Quán là khắc họa tài tình các tuyến nhân vật, để mỗi một thiếu niên anh hùng như Vịnh, như Quỳnh, như Mừng, như Lượm, như Bồng... hay ngay đến cả Tư “dát” cũng không hề “dát” khi đứng trước những lựa chọn đầy cám dỗ mà vẫn sẵn sàng chọn cuộc đời vất vả, gian lao, đi làm liên lạc và sẵn sàng hy sinh vì đất nước, quê hương.

Cùng với Tuổi thơ dữ dội, còn nhiều tác phẩm khác về các đội thiếu niên du kích đã trở thành đầu sách không thể thiếu với nhiều lớp học sinh yêu thích văn học và lịch sử. Tìm mọi cách sống hợp pháp trong nội thành bị tạm chiếm như nhận làm bồi bàn, bán lạc rang, thuốc lá, đánh giày... để làm liên lạc viên, họ vừa trao đổi thư tín của ta, vừa điều tra tin tức địch...

Những tình huống khiến bạn đọc “thót tim” là đặc điểm chung trong cuộc đời hoạt động của các đội viên nhỏ tuổi. Dù đối mặt với hiểm nguy nhưng các thiếu niên quả cảm luôn tràn đầy hứng khởi, đúng như bài thơ Lượm mà nhà thơ Tố Hữu từng viết: “Chú bé loắt choắt/ Cái xắc xinh xinh/ Cái chân thoăn thoắt/ Cái đầu nghênh nghênh/ Ca-lô đội lệch/ Mồm huýt sáo vang/ Như con chim chích/ Nhảy trên đường vàng.../ - “Cháu đi liên lạc/ Vui lắm chú à/ Ở đồn Mang Cá/ Thích hơn ở nhà!”.

Không dày dặn bằng Tuổi thơ dữ dội, song Đội thiếu niên du kích Đình Bảng của nhà văn Xuân Sách cũng mang đến thông tin về những huyền thoại tuổi học trò sớm một lòng tham gia kháng chiến bằng tinh thần nhiệt huyết, sự mưu trí, dũng cảm, giúp du kích cất giấu vũ khí ngay trong lòng địch, cùng các anh cho nổ mìn phá tung câu lạc bộ của quân viễn chinh Pháp... Tiểu thuyết Cát cháy của Thanh Quế lấy chất liệu từ những hoạt động của Đội du kích thiếu niên Hòa Hải. Viết chân thực về chiến tranh, nhưng Cát cháy cũng đầy xúc cảm trước những mất mát, khổ cực và hơn hết là tình cảm đẹp tươi giữa những người đồng chí nhỏ tuổi...

Nếu tác giả của Tuổi thơ dữ dội, của Đội thiếu niên du kích Đình Bảng hay Cát cháy đều là nhà văn chuyên nghiệp thì Văn Tùng, tác giả cuốn Đội thiếu niên du kích thành Huế là “người trong cuộc” - thành viên của ban chỉ huy đội thiếu niên du kích đó. Ông kể lại chân thực câu chuyện về những đội viên dũng cảm ngày ngày làm công việc điều tra tin tức địch, góp phần tiễu trừ Việt gian, cùng người lớn phá đồn, diệt bốt... Còn Phạm Thắng, tác giả cuốn Đội thiếu niên tình báo Bát Sắt, cũng từng là đội viên của đội. Do đó, những câu chuyện mà ông kể trong trang sách của mình chân thực và rất ly kỳ khi các “đội viên nhí” phải gây dựng các cơ sở bí mật, tổ chức đưa đón cán bộ ra vào nội thành...

Được biết, ban đầu tác giả Phạm Thắng chỉ định viết hồi ký để tham gia cuộc thi “Viết về những kỷ niệm sâu sắc thời kỳ chống Pháp” do ngành Văn hóa Hà Nội tổ chức. Nhưng, sau đó, cuốn sách đã gây được tiếng vang, được tái bản nhiều lần và được NXB Kim Đồng “đặt hàng” chuyển thể thành một tác phẩm văn học để có sự gần gũi hơn, lôi cuốn hơn đối với bạn đọc thiếu nhi.

Trong cảm nhận của mình sau khi đọc Tuổi thơ dữ dội, nhà văn Hoàng Phủ Ngọc Tường từng viết: “Có một viên ngọc quý mà thời gian dành riêng để ban tặng con người, đó là Tuổi thơ. Viên ngọc màu nhiệm, trong sáng nhưng quá mong manh, không thể tìm thấy lần thứ hai trong đời. Và có một thế hệ người Việt chưa bao giờ được cầm viên ngọc trên tay, Tuổi thơ dữ dội của Phùng Quán được viết cho thế hệ đó. Hãy đọc để nhớ lại, để tự hào, và để cầu nguyện cho những Tuổi thơ sắp ra đời...”. Câu chuyện trong Tuổi thơ dữ dội hay các cuốn sách về đội thiếu niên tình báo, đội thiếu niên du kích đều là những câu chuyện có thật mà chính sự thật đó đã làm nên sức sống trường tồn của tác phẩm.

Những năm gần đây, nhiều địa phương, trường học đã tổ chức những buổi gặp mặt để các thế hệ học sinh được gặp nguyên mẫu anh hùng nhỏ tuổi mà các em ngưỡng mộ khi đọc tác phẩm, để các em thực sự cảm nhận được câu chuyện về những “người lính nhỏ tuổi” trong trang sách ấy không hề quá xa xôi, mà như hiện hữu đâu đây.

Để giúp giới trẻ sống trong hòa bình hôm nay hiểu nhiều hơn về tuổi thơ trong những năm kháng chiến, nhiều đầu sách chân dung về những tấm gương thiếu nhi anh hùng trong lịch sử dân tộc đã được giới thiệu. Đặc biệt nhất phải kể đến Tủ sách Gương anh hùng liệt sĩ của NXB Kim Đồng với nhiều đầu sách, trong đó có các tác phẩm viết về những anh hùng trẻ tuổi như Kim Đồng, Lý Tự Trọng, Vừ A Dính, Phạm Ngọc Đa, Võ Thị Sáu, Trần Văn Ơn, Dương Văn Nội... Đọc những câu chuyện về gương sáng thiếu niên có lẽ cũng chính là đọc lại một phần lịch sử tuổi thơ Việt Nam đầy dũng cảm và rất đáng tự hào.

(0) Bình luận
Đừng bỏ lỡ
Những tấm gương thiếu niên đi vào trang sách

(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.