(HNMO) – Năm 2012 đang khép lại với bức tranh kinh tế gặp nhiều khó khăn, biến động. Năm qua chúng ta đã rất nỗ lực trong kiềm chế lạm phát, giá cả.... HNMO bình chọn những sự kiện kinh tế nổi bất nhất trong năm như sau:
ững sự kiện kinh tế nổi bất nhất trong năm như sau:
Lạm phát thấp hơn trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế suy giảm
Năm 2012 là năm Việt Nam tiếp tục phải đối mặt với khủng hoảng kinh tế, nhiều chỉ tiêu quan trọng không đạt, kinh tế vĩ mô ổn định hơn nhưng chưa thực sự vững chắc. Tốc độ tăng GDP cả năm dự kiến chỉ đạt 5,03%, thấp hơn nhiều so với mục tiêu đề ra (6-6,5%) cũng như ước tính trước đó (5,2%). Tuy nhiên, đây là mức tăng trưởng hợp lý trong bối cảnh nền kinh tế thế giới và trong nước gặp nhiều khó khăn, phải ưu tiên tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô.
Kết quả kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được đánh giá cao khi chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tăng 6,81%, thấp hơn nhiều so với những năm trước. Đây là mức tăng CPI lý tưởng, diễn ra theo hướng giảm dần trong các tháng cuối năm, đạt chỉ tiêu được Quốc hội thông qua từ đầu năm. Chính phủ đã thành công trong kiềm chế CPI dưới áp lực tăng giá, với nhiều yếu tố bất ổn diễn ra suốt năm. Đặc biệt, nhóm hàng lương thực, thực phẩm có mức tăng thấp hơn mức tăng chung, trong khi năm 2011 đây là nhóm có chỉ số giá tăng cao nhất và cao hơn nhiều so với mức tăng chung; từ đó góp phần bình ổn đời sống của đại đa số cộng đồng dân cư.
Chính sách tiền tệ và tài khóa trong năm 2012 được đánh giá là hoàn thành nhiệm vụ, góp phần giảm lãi suất 5-8% và đảm bảo bội chi ngân sách cả năm ở mức 4,8%.
Sản xuất công nghiệp giảm sút, tồn kho lớn
Sản xuất công nghiệp giảm sút là nguyên nhân lớn nhất khiến GDP năm 2012 không đạt mục tiêu đề ra. Chỉ số sản xuất công nghiệp cả năm 2012 đạt 4,8%, là mức thấp so với nhiều năm gần đây. Trong khi đó, tồn kho tại thời điểm đầu tháng 12-2012 của ngành công nghiệp chế biến, chế tạo tăng 20,1% so với cùng kỳ năm trước. Những ngành có chỉ số tồn kho tăng cao là sản xuất xe có động cơ (tăng 76,6%); dây, cáp điện (tăng 56,8%); mô tô, xe máy (tăng 42,1%); may trang phục (tăng 41,5%); phân bón và hợp chất ni tơ (tăng 40,8%); xi măng (tăng 30,6%); chế biến và bảo quản thủy sản (tăng 28,6%).
Sau 20 năm, lần đầu tiên Việt Nam không còn nhập siêu
Lần đầu tiên Việt Nam đạt kim ngạch xuất khẩu kỷ lục gần 115 tỷ USD và xuất khẩu gạo đạt 8 triệu tấn, cao nhất từ trước tới nay. Một số mặt hàng khác tiếp tục đặt dấu ấn trên thị trường quốc tế, gồm: hàng điện tử và linh kiện, nông sản, đồ gỗ, cà phê, điện thoại và linh kiện, dệt may… Cán cân xuất - nhập khẩu theo đó cũng được cải thiện giúp Việt Nam xuất siêu lần đầu tiên sau 20 năm, với mức thặng dư khoảng 284 triệu USD.
Bên cạnh đó, trong khi sản xuất công nghiệp và xây dựng gặp khó khăn, chậm phát triển, sản xuất nông nghiệp, bao gồm lâm - ngư nghiệp, trở thành “trụ đỡ” quan trọng cho nền kinh tế quốc gia; Tiếp tục phát huy kết quả những năm trước, năm 2012 giành những thành tựu sáng giá trong sản xuất, xuất khẩu lúa gạo, cà phê…
Đầu tư nước ngoài suy giảm
Mức thu hút vốn đầu tư nước ngoài năm 2012 ước đạt 12,7 tỷ USD, bằng 82% so với kết quả năm 2011 - thể hiện sự suy giảm chút ít nhưng chấp nhận được trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu. Đáng lưu ý là một số nhà đầu tư lớn, giàu tiềm năng như Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ vẫn khẳng định sự hấp dẫn về thị trường trong trung và dài hạn, mong muốn tiếp tục đầu tư vào Việt Nam. Mặt khác, việc thu hút gần 6,5 tỷ USD vốn ODA cam kết tại Hội nghị CG 2012 được đánh giá là kết quả quan trọng, bảo đảm cho những dự án trọng điểm đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng trong 3 năm còn lại của Kế hoạch kinh tế - xã hội 2011 - 2015 như dự án tầu điện ngầm ở TP. Hồ Chí Minh, đường sắt trên cao ở thủ đô Hà Nội.
Gần 52.000 doanh nghiệp gặp khó
Do sức cầu yếu, tồn kho lớn, tiếp cận vốn ngân hàng khó khăn, tình hình doanh nghiệp trong năm 2012 có nhiều diễn biến không thuận. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 10, cả nước chỉ có 68.300 doanh nghiệp thành lập mới, giảm 10% về số lượng và 7,5% về vốn đăng ký. Trong khi đó, có 51.800 doanh nghiệp do khó khăn, phải thu hẹp sản xuất, giải thể, phá sản… tác động tiêu cực đến sự phát triển kinh tế-xã hội.
Thị trường bất động sản “đóng băng”
Sau một thời gian tăng trưởng nóng, nguồn cung vượt quá khả năng thanh toán của thị trường, thị trường bất động sản rơi vào tình trạng “đóng băng”, gây nhiều nợ xấu. Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, tổng dư nợ bất động sản cả nước đến ngày 31-10-2012 vào khoảng 207.595 tỷ đồng, tăng 3,6% so với thời điểm 31-12-2011. Nợ xấu chiếm khoảng 13,5% tổng dư nợ bất động sản.
Khánh thành thủy điện Sơn La
Một điểm sáng trong bức tranh kinh tế năm 2012 phải kể đến là sáng 23-12-2012, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã tổ chức trọng thể Lễ khánh thành công trình Thủy điện Sơn La, công trình điện lớn nhất Đông Nam Á. Thủy điện Sơn La có công suất lắp đặt 2.400 MW (gồm 6 tổ máy, mỗi tổ máy có công suất 400 MW), cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia với sản lượng trung bình hàng năm là 10,246 tỷ kWh; chống lũ về mùa mưa, cung cấp nước về mùa khô cho đồng bằng Bắc bộ và góp phần phát triển kinh tế-xã hội vùng Tây Bắc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.