(HNM) - Ngoài những hạn chế về vốn, quy mô, công nghệ... vấn đề mẫu mã sản phẩm đơn điệu, chậm cải tiến đã khiến sản phẩm thủ công mỹ nghệ (TCMN) của các làng nghề giảm sức cạnh tranh.
Kiểm tra sản phẩm cỏ tế xuất khẩu tại xã Phú Túc, huyện Phú Xuyên. Ảnh: Bá Hoạt |
Đơn điệu mẫu mã: Bệnh kinh niên
Từ đầu năm đến nay, nước ta đã có 2 hội chợ quốc tế được tổ chức cho ngành TCMN (Hội chợ quốc tế Đồ gỗ và mỹ nghệ xuất khẩu Việt Nam, Hội chợ quốc tế Hàng TCMN, đồ gỗ và quà tặng Việt Nam 2010). Trước khi diễn ra hội chợ, công tác quảng bá nhằm thu hút các nhà nhập khẩu từ những thị trường lớn như Mỹ, châu Âu, Nhật Bản... khá rầm rộ, nhưng các đơn vị trong nước tham gia triển lãm lại không có nhiều sản phẩm mới để "đãi khách". Các chuyên gia trong ngành TCMN cho rằng, mẫu mã đơn điệu từ lâu đã trở thành bệnh kinh niên của các làng nghề. Việc đầu tư chưa hợp lý cho đội ngũ thiết kế, đào tạo, bồi dưỡng tay nghề cho lao động, nhất là công tác khảo sát thị trường còn yếu đã khiến sản phẩm kém tính cạnh tranh.
Theo Hiệp hội Mây, giang đan Hà Nội, thời gian qua, sản xuất hàng TCMN tại các làng nghề gặp nhiều khó khăn, nhất là việc tạo ra mẫu mã sản phẩm mới. Các DN thành viên của Hiệp hội vẫn chủ yếu sản xuất gia công theo mẫu có sẵn do đối tác đặt hàng, ít sáng tạo hoặc chỉ biết "nhái" mẫu của nước ngoài. Mẫu mã kém hấp dẫn trong khi thị trường xuất khẩu ngày càng khó tính, nên sản phẩm mây, tre đan của hiệp hội rất khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế. Nếu ký được hợp đồng xuất khẩu, giá cũng thường thấp hơn khoảng 30% so với sản phẩm cùng loại của một số nước khác như Trung Quốc, Thái Lan…
Các làng nghề xuất khẩu như Phú Vinh huyện Chương Mỹ, Phú Túc huyện Phú Xuyên (Hà Nội)… cũng vì lý do này mà rơi vào cảnh ế ẩm. Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công thương) nhận định, khách hàng nước ngoài đánh giá hàng TCMN của nước ta yếu nhất là khâu thiết kế. Hiện có khoảng 85% mẫu mã hàng TCMN trong nước xuất khẩu được sản xuất theo mẫu của người mua. Sự lệ thuộc này đang là rào cản khiến ngành này rơi vào tình trạng bất ổn định, đời sống người lao động bấp bênh. Đại diện Hiệp hội Gốm sứ Bát Tràng cho biết, đến nay cả làng làm gốm sứ chưa có một trung tâm thiết kế mẫu nào. Các mẫu hàng quà tặng chào đối tác nước ngoài thiếu nét riêng của Việt Nam, thiết kế gần giống hàng Trung Quốc, Thái Lan. Vì thế, năm qua các DN làng nghề Bát Tràng mất 70-90% đơn đặt hàng của đối tác nước ngoài.
Cần tạo thế chủ động
Việc thiếu trầm trọng những mẫu thiết kế theo xu hướng hiện đại, mang dáng dấp Việt Nam đang là vấn đề bức xúc trong ngành TCMN. Được biết, mỗi năm thị trường Mỹ nhập 13 tỷ USD hàng TCMN, nhưng hàng của Việt Nam chỉ chiếm 1,5%; thị trường EU tiêu thụ mỗi năm khoảng hơn 7 tỷ USD, trong khi hàng Việt Nam chỉ chiếm 5,4%. Do đó, để nâng cao năng lực cạnh tranh, năng lực xuất khẩu cho hàng TCMN trong nước, ngoài việc quy hoạch xây dựng vùng nguyên liệu, nâng cao chất lượng sản phẩm, việc đổi mới mẫu mã theo hướng chuyên nghiệp cần phải được quan tâm hàng đầu. Trong đó, việc phát triển bền vững các nghề thủ công cần được xây dựng theo một quy trình dài hạn mang tính khoa học, với sự tham gia của các nhà nghiên cứu, những người sản xuất hàng TCMN, các ngành chức năng. Theo đó, các nghệ nhân cần tập trung trí tuệ sáng tạo ra những mẫu mới để làm ra những sản phẩm chất lượng cao, giá thành hợp lý, liên quan đến truyền thống, lịch sử của địa phương. Các ngành chức năng cần giám sát chất lượng, giá sản phẩm, gắn biển chứng nhận uy tín, chất lượng cho các sản phẩm TCMN; bảo vệ quyền tác giả cho những mẫu mã, sản phẩm có đăng ký bảo hộ quyền tác giả, tránh tình trạng sao chép, làm hàng nhái, hàng giả...
Sở Công thương Hà Nội đã xây dựng đề án phát triển làng nghề truyền thống trình UBND TP phê duyệt. Trước mắt Sở sẽ tăng cường hỗ trợ các làng nghề trong công tác đào tạo, nâng cao tay nghề, thiết kế mẫu mã mới cho sản phẩm TCMN theo hướng hiện đại, nhưng vẫn giữ được nét văn hóa đặc trưng của vùng, miền. Cuối năm nay, Hiệp hội Xuất khẩu hàng TCMN Việt Nam sẽ ra mắt Trung tâm Đào tạo nhân lực và thiết kế hàng TCMN; trên cơ sở đó đưa các nhà thiết kế trong nước đi tập huấn tại những thị trường nhập khẩu chính của nước ta như Nhật Bản, Mỹ, Đức, Hà Lan... Việc xây dựng mẫu mã, kiểu dáng đa dạng cho sản phẩm TCMN sẽ nâng cao giá trị của những mặt hàng này trên thị trường thế giới và góp phần bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống của dân tộc.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.