Nếu đến Nam Phi, bạn sẽ được tận hưởng bữa tiệc của 11 loại ngôn ngữ được nói tại đây.
Văn hóa đa ngôn ngữ xuất phát từ nhiều lý do như chịu ảnh hưởng từ quốc gia từng đô hộ hay nước láng giềng. Dưới đây là những quốc gia đa ngôn ngữ bậc nhất trên thế giới.
Nam Phi
Có tới 11 thứ tiếng chính thức ở Nam Phi. Ở các vùng nông thôn, tiếng Anh là ngôn ngữ giao tiếp chung cho người dân thuộc các tộc khác nhau - giống như ở Singapore. Đây cũng là ngôn ngữ chính thức được dùng trong hành chính, truyền thông dù có ít hơn 10% người Nam Phi xem tiếng Anh là ngôn ngữ đầu tiên.
Một tấm biển của Tòa án Hiến pháp thành phố Johannesburg bằng 11 thứ tiếng ở Nam Phi. Ảnh: Flickr. |
Ở phía Tây và phía Nam, tiếng Afrikaans, tiếng Hà Lan Nam Phi được sử dụng phổ biến. Đất nước này có 9 ngôn ngữ thuộc nhóm tiếng Bantu, trong đó tiếng Zulu và Xhosa là hai thứ tiếng phổ biến nhất. Một người Nam Phi thường biết khoảng 3 trong 11 thứ tiếng của đất nước mình.
Luxembourg
Người dân ở quốc gia châu Âu này thông thạo khoảng 4 thứ tiếng. Khi mọi người nói chuyện với nhau, họ sử dụng tiếng Luxembourg - một thứ ngôn ngữ gần giống với tiếng Đức nhưng có lượng lớn từ mượn từ tiếng Pháp.
Tiếng Pháp, Anh và Đức là ngôn ngữ không chính thức được sử dụng phổ biến và đưa vào chương trình giáo dục. Hoạt động thương mại quốc tế của quốc gia này được thực hiện bằng tiếng Pháp.Gần như người dân Luxembourg nào cũng thông thạo cả 4 thứ tiếng.
Singapore
Singapore có bốn ngôn ngữ chính thức: tiếng Anh, tiếng Quan Thoại, tiếng Malay và Tamil. Tuy nhiên, hiếm có người dân nào lại nói được cả bốn thứ tiếng. Tiếng Anh là ngôn ngữ chung cho các nhóm tộc người khác nhau. Một người Singapore thường biết hai ngôn ngữ, gồm tiếng Anh và một trong ba thứ tiếng còn lại.
Tấm biển hấp dẫn khách du lịch ở Singapore. Ảnh: Wikimedia Commons. |
Người Singapore khi nói chuyện với nhau, thường dùng một loại ngôn ngữ có gốc tiếng Anh và được biết đến như là Singlish. Singlish có các từ gốc tiếng Anh, cấu trúc ngữ pháp của tiếng Trung và được bổ sung từ mượn của tiếng Malay. Bên cạnh tiếng Anh, học sinh còn được học tiếng mẹ đẻ của mình ở trường: người gốc Ấn học tiếng Tamil, người gốc Mã Lai học tiếng Malay và người gốc Hoa học tiếng Quan Thoại.
Aruba
Quốc gia nằm ở cực Nam của biển Caribbean có tiếng Hà Lan là ngôn ngức chính thức do lịch sử đô hộ. Tiếng Anh phổ biến bởi nhu cầu của ngành du lịch còn tiếng Tây Ban Nha lại được biết đến nhờ ảnh hưởng lớn của quốc gia láng giềng nói ngôn ngữ này - Venezuela.
Tuy nhiên, tiếng mẹ đẻ của quốc gia này lại không phải là một ttrong ba ngôn ngữ trên. Người dân nơi đây nói chuyện với nhau bằng tiếng Papiamento - một ngôn ngữ pha trộn từ tiếng Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hà Lan và tiếng Anh. Ngôn ngữ này được sử dụng trên các phương tiện truyền thông và hành chính.
Malaysia
Nếu người Sing thường chỉ biết 2 trong 4 ngôn ngữ phổ biến thì người Malay lại thông thạo tiếng mẹ đẻ - Malay, tiếng Anh theo kiểu Manglish và tiếng Hoa theo các vùng miền như tiếng Quảng, Phúc Kiến...
4 quốc gia khác thuộc top 9 quốc gia đa ngôn ngữ nhất thế giới là Mauritus, Ấn Độ, Suriname và Đông Timor. Quốc gia nằm ở phía Tây Nam Ấn Độ Dương - Cộng hòa Mauritus có tiếng Pháp và tiếng Anh là ngôn ngữ dùng trong hành chính. Ngôn ngữ thường ngày là một thức tiếng hỗn hợp gốc từ tiếng Pháp, tiếng Bhojpuri - tiếng địa phương của tiếng Hindi và tiếng Hoa.
Tại Ấn Độ, tiếng Anh và Hindi là ngôn ngữ chính thức. Mỗi bang lại có một ngôn ngữ chính thức khác nhau. Một người thường biết tiếng khoảng 4 thứ tiếng trở lên.
Suriname nằm ở phía Nam châu Mỹ, có ngôn ngữ chính thức là tiếng Hà Lan, ngôn ngữ giao tiếp thông thường là tiếng Sranan - chịu ảnh hưởng từ tiếng Hà Lan và tiếng Anh. Một bộ phận người dân nói tiếng Hindi, tiếng Hoa, tiếng Java.
Đông Timor - quốc gia vừa tách ra khỏi Indonesia hơn một thập kỷ qua có tiếng Bồ Đào Nha là ngôn ngữ chính thức. Ngoài ra, tiếng địa phương Tetum, tiếng Anh, tiếng Indonesia được nhiều người dân sử dụng thường xuyên. Người dân ở đây có thể hiểu tiếng Indonesia dù không thường dùng trong giao tiếp, và có thể thành thạo 3 ngôn ngữ còn lại.
(*) Không sao chép dưới mọi hình thức khi chưa có sự đồng ý bằng văn bản của Báo Hànộimới.